Mới đây, Chuỗi cửa hàng KFC vừa khai trương loạt cửa hàng mới, nhiều tên cửa hàng gắn với tên riêng. Trong đó, tên cửa hàng khiến cộng đồng Phật tử phản ánh nhiều nhất và cho rằng đây là sự phỉ báng đối với bậc danh tăng Phật giáo: KFC Thích Quảng Đức.
Nhận định sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết, Điều 41 Luật doanh nghiệp 2020 và các Điều 18, 19 Nghị định 01/2021 cho phép người đăng ký doanh nghiệp có quyền tự do đặt và đăng ký tên cho doanh nghiệp của mình bao gồm cả tên tiếng Việt hoặc tên tiếng nước ngoài nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau: (1) Không được đăng ký tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký (và vẫn đang hoạt động)...; (2) Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị,... để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp...; (3) Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Một trong những tiêu chí khi xem xét tên doanh nghiệp có vi phạm hay không (đang gây nhiều tranh cãi) là trường hợp tên doanh nghiệp có sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, mà thế nào là vi phạm những điều vừa nêu thì chưa có văn bản pháp luật nêu rõ.
|
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS |
Luật sư Tuấn nhận định, việc cơ quan chức năng đã cấp phép cho cửa hàng KFC Thích Quảng Đức chứng tỏ cơ quan chức năng nhận định tên gọi của cửa hàng này không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Ngoài ra cửa hàng này nằm trên Đường Thích Quảng Đức, phường 4, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, việc đặt tên cửa hàng theo tên đường hiện nay cũng trở nên phổ biến và không còn xa lạ.
Mặt khác, tại Điều 2 Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL xác định đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên, thông tư này đã bị bãi bỏ bởi Thông tư số 05/2016/TT-BVHTTDL ngày 29/6/2016 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, việc lấy tên danh nhân đặt tên cho doanh nghiệp là việc làm góp phần tôn vinh những nhân vật lịch sử của nước ta. Tuy nhiên, việc dùng tên bậc danh tăng Hoà thượng Thích Quảng Đức gọi tên cửa hàng Gà rán KFC có thể bị coi là khiếm nhã đối với Phật giáo. Bởi vì cửa hàng Gà rán KFC là nơi ăn thịt Gà rán, uống rượu, tương phản với hình ảnh Thanh Tịnh, Giải Thoát, Cao Quý của Đức Phật.
|
Banner quảng cáo các chương trình ưu đãi của chuỗi cửa hàng KFC đang gây tranh cãi |
Cũng theo luật sư Tuấn, thực tế hoạt động nghề nghiệp nhận thấy các doanh nghiệp hiện không biết tên nào là tên danh nhân và không được dùng, vì không có một danh sách tên danh nhân nào để tham khảo cả. Tiêu chí xác định ai là danh nhân cũng không có, dễ dẫn đến tình trạng cán bộ cấp phép theo cảm tính. Sở Kế hoạch - đầu tư cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cũng được, từ chối cấp phép cũng được. Hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để trả lời cho doanh nghiệp.
“Theo tôi trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh như thế nào cho hợp lý cần phải cân nhắc, xem xét kỹ càng để làm cho cộng đồng sống trong hòa thuận”, Luật sư Tuấn chia sẻ thêm.