Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương qua thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2023 đã đạt 20,5 tỷ USD và Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng về TMĐT nhanh nhất khu vực. TMĐT đang là kênh tiêu thụ hữu hiệu của hàng hóa địa phương, do đó cần tận dụng tối đa kênh này để thúc đẩy phát triển sản xuất ở các địa phương.
Tiêu thụ sản phẩm địa phương qua thương mại điện tử đang được thúc đẩy mạnh mẽ. (Ảnh: Liên minh HTX Việt Nam).
Tiêu thụ sản phẩm địa phương qua thương mại điện tử đang được thúc đẩy mạnh mẽ. (Ảnh: Liên minh HTX Việt Nam).

Nhiều cách thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương

Theo bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), với các doanh nghiệp (DN) sản xuất địa phương, TMĐT mở ra cơ hội tiếp cận với lượng lớn khách hàng tiềm năng trên cả nước, không còn phụ thuộc vào kênh bán hàng truyền thống hoặc chỉ có thể tiêu thụ trong phạm vi địa bàn sản xuất. Nhờ vậy, các sản phẩm đặc sản, thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm nông nghiệp địa phương được tiêu thụ tốt hơn, góp phần nâng cao thu nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển cân bằng hơn, cần có các giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ DN địa phương vượt qua khó khăn và phát huy lợi thế. Trước mắt, theo bà Việt Anh, các DN sản xuất địa phương nên chủ động tham gia các sự kiện giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác và cập nhật các giải pháp công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - đại diện sàn TMĐT Shopee cho biết, Shopee có nhiều chương trình hỗ trợ DN Việt Nam nói chung, DN địa phương, đặc biệt là DN nhỏ và vừa nói riêng để kinh doanh trên sàn TMĐT. Đơn vị này đặt mục tiêu phát triển được 1.000 DN bán hàng trên sàn, hiện đã phát triển được hơn 400 DN Việt Nam. Ngoài ra, còn tổ chức giúp người dân livestream trên sàn, tổ chức các sự kiện riêng như hiện đang kêu gọi 150 KOL, KOC (những nhân vật có tầm ảnh hưởng, dẫn dắt xu hướng tiêu dùng) tiêu thụ trái cây tươi qua đại tiệc trái cây, đồng thời hỗ trợ giúp DN phát triển thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc điều hành kênh TMĐT Tiktok cho biết, có một hình thức mà Tiktok thường sử dụng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương. Đó là tổ chức các lễ hội cho các nhà sáng tạo nội dung để họ vừa đi du lịch, vừa trải nghiệm, quay video ngắn, giao lưu với các gia đình sản xuất nông sản. Các video ngắn này thường tiếp cận được hàng triệu người xem, từ đó số lượng tăng số lượng khách hàng cho sản phẩm địa phương. “Dùng hình thức bán hàng này thường bán được rất nhiều hàng hóa cho bà con, thậm chí có nhiều mặt hàng đã xảy ra hiện tượng “cháy hàng” ngay sau khi các video ngắn được đưa lên mạng”, ông Thanh cho biết.

Đáng chú ý, theo ông Thanh, Tiktok dự kiến sẽ đưa 70.000 sản phẩm hàng Việt để bán trên Tiktok, đồng thời làm liên tục với các tỉnh để có thể quảng bá nhiều hơn số lượng hàng Việt. Trước mắt, ở Tuần lễ TMĐT (sẽ diễn ra vào cuối tháng 11), Tiktok sẽ xây dựng 6 gian hàng đặc trưng cho 6 vùng miền kinh tế với sự xuất hiện của các mặt hàng, các nhà sản xuất điển hình của các địa phương cùng với các nhà sáng tạo số để quảng bá mạnh mẽ cho các sản phẩm vùng miền.

Phải chuyên môn hóa từng khâu trong chuỗi

Ông Nguyễn Thế Anh - Giám đốc kinh doanh phân phối thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post) cho biết, VN Post đã xây dựng hệ sinh thái phục vụ cho sàn TMĐT và tối ưu quy trình vận chuyển thông qua đầu tư vào giải pháp công nghệ để tăng chất lượng chuyển phát, tập trung vào các dịch vụ cho sản phẩm có yêu cầu cao như nông sản; Cố gắng tối ưu để giảm chi phí, đưa được mức giá thấp nhất để người bán hàng có thể chấp nhận được.

Ngoài ra, VN Post còn xây dựng hệ sinh thái liên kết giữa bán hàng và vận chuyển, như xây dựng các phòng livestream tại các bưu cục để có thể vừa trưng bày hàng hóa, vừa để các đơn vị, hộ sản xuất nhỏ đến livetream; Đồng thời đào tạo nhân viên bưu điện thành livestreamer (người live stream) chuyên nghiệp nhằm lan tỏa sản phẩm của các tỉnh đó.

Tuy nhiên, để có thể khai thác tối ưu kênh TMĐT cho việc tiêu thụ các sản phẩm địa phương, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, các hộ sản xuất, DN địa phương phải tối ưu hóa được sản xuất thì mới cắt giảm được chi phí, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, DN nhỏ và vừa thường thiếu năng lực tận dụng công nghệ nên cần chịu khó học hỏi công nghệ mới.

Ông Lâm Thanh thì cho rằng, nếu yêu cầu DN sản xuất phải giỏi bán hàng, đặc biệt giỏi bán hàng trên internet thì khá khó. Nhưng xu hướng thế giới thay đổi, TMĐT đang phát triển rất mạnh thì cũng cần phải có thêm đội ngũ để giúp nhà sản xuất bán hàng tốt hơn. Đây cũng là kiến nghị mà ông Nguyễn Thế Anh đưa ra. Theo đó, phải chuyên môn hóa các khâu từ sản xuất đến bán hàng vì thường sau khi đào tạo cho các hộ sản xuất bán hàng thì thường họ sẽ quên luôn. Do đó, VN Post đề xuất, các đơn vị trong chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa “ai mạnh khâu nào thì giúp cho bà con”, để bà con có thể học hỏi hàng ngày, tạo thành thói quen tốt trong sản xuất bán hàng, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương trên kênh TMĐT.

Đọc thêm