Cụ thể, ngày 1/6, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết đang điều trị cho 2 bệnh nhân sốt rét trở về từ Angola. Tiếp đó, ngày 4/6 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM xác nhận đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị sốt xuất huyết vừa trở về từ châu Phi. Một bệnh nhân là nam 63 tuổi trở về từ Bờ Biển Ngà (Tây Phi), bệnh nhân thứ hai là nữ du học sinh 24 tuổi trở về từ Cameroon (Trung Phi). Việc liên tục tiếp nhận các ca nhiễm sốt rét trong thời gian gần đây khiến rất nhiều người dân hoang mang, lo lắng.
Trong những năm qua bệnh sốt rét ở Việt Nam đã được kiểm soát khá thành công bởi chúng ta đã có những chương trình phòng chống hiệu quả ở các địa phương. Thuốc sốt rét cũng được cung cấp đầy đủ để điều trị nên tỉ lệ mắc và tử vong do sốt rét giảm nhiều, chỉ còn ở một số tỉnh Tây Nguyên và phía Nam.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM): “Sốt rét có thể lây từ người sang người với vật trung gian là muỗi Anopheles. Tuy nhiên, vì loài muỗi này chỉ thường xuất hiện ở các khu vực rừng núi. Vậy nên người dân không cần quá hoang mang và lo lắng trước những ca bệnh hiếm này”.
Cũng theo bác sĩ Trần Thanh Long, Trưởng khối điều trị phòng khám bệnh chuyên khoa ký sinh trùng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP HCM, từ lâu nước ta từng ghi nhận nhiều ca sốt rét, nhưng còn hiện nay rất ít. Thủ phạm gây bệnh sốt rét là muỗi Anopheles và chỉ có những ai đi vào rừng sâu đang lưu hành bệnh sốt rét ở một số địa phương như Bù Gia Mập, Đắk Ơ, Đắk Nhau, tỉnh Bình Phước thì mới có khả năng bị sốt rét khi có muỗi Anopheles đốt, song khả năng này cũng rất thấp.
Còn theo PGS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, quá trình truyền bệnh bắt đầu khi muỗi cái Anopheles hút phải máu có chứa bào tử từ một người bị sốt rét. Các giao tử bên trong muỗi bắt đầu sinh sản và tạo ra các thoa trùng sau khoảng 1 - 2 tuần. Thời gian ủ bệnh cũng khá dài, kể từ khi bị muỗi nhiễm ký sinh trùng sốt rét đốt đến khi có các biểu hiện lâm sàng tùy thuộc loại ký sinh trùng, thông thường từ 9 - 20 ngày. Nhiễm sốt rét do truyền máu thì thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng ký sinh trùng trong máu truyền vào nhưng nói chung thời gian ủ bệnh ngắn vài ba ngày. Do đó, nếu được điều trị kịp thời, đúng thuốc và thuốc tốt thì các chức năng sẽ dần hồi phục.
Ngoài ra, TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa - Trưởng khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM nhận định, sốt rét là bệnh ít gặp nên các ca bệnh thường được phát hiện trễ. Bên cạnh đó, các biểu hiện của bệnh cũng rất dễ gây nhầm lẫn với những bệnh khác như sốt xuất huyết Dengue và các bệnh nhiễm trùng đang phổ biến gần đây.
Cần chú ý phân biệt triệu chứng của sốt xuất huyết và sốt rét. Sốt xuất huyết do 4 type virus gây ra, bệnh nhân sẽ bị sốt đột ngột, sốt nhiều ngày, uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn sốt lại, người mệt, nhức đầu, đau hốc mắt, buồn nôn, tiêu chảy... Còn sốt rét là do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, cơn sốt rét điển hình sẽ có các triệu chứng như rét run, sốt nóng và vã mồ hôi. Mỗi ngày người bệnh sẽ lên cơn sốt 1-2 lần tùy thuộc vào loại ký sinh trùng nào gây ra. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi sau mỗi cơn sốt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.
Hiện nay, TP HCM đang trong giai đoạn “Phòng ngừa sốt rét quay trở lại sau loại trừ”. HCDC vẫn duy trì các hoạt động giám sát thường xuyên ca bệnh và côn trùng truyền bệnh cùng các hoạt động chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngành Y tế TP HCM khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa muỗi đốt để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết – đang là bệnh truyền nhiễm lưu hành tại TP HCM cũng như phòng các bệnh do muỗi truyền khác.
Sốt rét là một bệnh sốt cấp tính do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền sang người qua vết đốt từ muỗi Anopheles. Sốt rét là một căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được. Tuy nhiên, hiện nay sốt rét vẫn tiếp tục tác động đến sức khỏe và nghề nghiệp của mọi người trên khắp thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 241 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét mới và 627.000 trường hợp tử vong do sốt rét ở 85 quốc gia vào năm 2020. Trong đó, hơn 2/3 số ca tử vong là ở trẻ em dưới 5 tuổi sống ở khu vực châu Phi.