Khác biệt Tết phố, Tết làng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Theo thời gian, cách đón Tết của người Việt Nam có sự thay đổi ít nhiều, nhưng vẫn giữ được nét cốt lõi trong văn hóa ngàn đời, đó là sự sum vầy, đoàn viên. Tuy nhiên, cách đón Tết của người dân ở làng quê và thị thành vẫn đôi phần khác biệt.
Dù Tết ở nông thôn và thành thị có sự khác biệt, nhưng tựu chung lại đều là thời gian để mọi gia đình sum vầy. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vnexpress).
Dù Tết ở nông thôn và thành thị có sự khác biệt, nhưng tựu chung lại đều là thời gian để mọi gia đình sum vầy. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vnexpress).

“Âm hưởng” truyền thống ở làng quê

“Tết này con sẽ về/ Dẫu ở đâu con cũng sẽ về/ Về đem hết chuyện kể ba nghe/ Đêm giao thừa vô bếp với mẹ”, những ngày gần đây, khi nghe thấy bốn câu hát này vang lên, Lê Kim Trang (26 tuổi, Đống Đa, Hà Nội), lại bồi hồi, mong chờ đến ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Tính đến nay, Kim Trang đã có 6 năm sinh sống tại Thủ đô Hà Nội. Nhưng đối với Trang, ngôi nhà duy nhất của cô vẫn nằm ở quê hương Hòa Bình. Trang nói: “Tôi đã từng có thời gian phải ở lại thành phố ăn Tết Nguyên Đán. Dù ở Hà Nội có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu không khí Tết. Vì vậy, dù thế nào, Tết Âm lịch tôi cũng phải về quê”.

Thực tế, hiện nay, nhiều người cho rằng “hương vị” ngày Tết nằm ở những làng quê Việt Nam. Tại đây, người dân vẫn giữ được phong tục tập quán, truyền thống xưa kia. Có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất về “Tết quê” chính là không khí chuẩn bị Tết của mọi người trong làng. Khác với thành phố lớn, mọi người bắt đầu sắm Tết vào ngày 27, 28 tháng Chạp (tức tháng 12 âm lịch). Ngược lại, tại quê, từ giữa tháng Chạp, nhà nhà, người người, đã nô nức chuẩn bị sắm sửa, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Chị Nguyễn Minh Tâm (50 tuổi, Thanh Liêm, Hà Nam) chia sẻ: “Từ ngày 15 tháng Chạp, các gia đình trong làng đã mua sắm đồ cúng lễ cho ngày 23 tiễn Ông Công, Ông Táo. Sau ngày 23, mọi người chẳng thể chú tâm làm gì nữa, mọi câu chuyện xoay quanh việc sắm Tết”. Chị Tâm cho biết, cứ đến gần Tết, người dân trong làng lại mua thêm gà, thêm lợn, tiếng kêu vang vọng từ đầu làng đến cuối làng. Đặc biệt, ở quê, phần lớn đồ Tết đều được người dân tự tay chuẩn bị, từ việc gói bánh chưng, làm mứt kẹo, cho đến trồng cây, trồng hoa đón Tết.

Chợ Tết là một nét độc đáo ở làng quê Việt Nam. Chẳng thế mà cứ đến gần Tết, nhiều khu phố du lịch ở các thành phố lớn lại tái hiện những phiên chợ quê thu hút đông đảo khách đến chiêm ngưỡng. Phiên chợ Tết ở quê diễn ra vào ngày gần cuối tháng Chạp, bày bán nhiều hàng hóa. Chợ Tết ở quê mộc mạc và bình dị tụ họp trên một bãi đất trống, người bán hàng ngồi trên chiếc ghế lùn bày biện la liệt các mặt hàng trên một tấm bạt. Chợ quê cái gì cũng có, đặc biệt là nông sản với đầy đủ sắc màu. Từ rau củ quả đến lá dong, gạo nếp, dưa hành đều góp mặt ở chợ quê. Cả những thức đồ từ vườn nhà như củ khoai lang, cà rốt hay quả chanh, quả bưởi to căng tròn cũng được bày biện đầy màu sắc.

Khác với các hộ gia đình sống “biệt lập”, kín đáo tại thành phố, ở làng quê mọi người vẫn giữ thói quen sinh hoạt và tinh thần cố kết cộng đồng của người Việt Nam. Điều đó được thể hiện trong khâu chuẩn bị Tết Nguyên đán. Không phải một nhà, mà nhiều nhà cùng mổ lợn, đun, nấu bánh chưng chung,… Tạo nên không khí ấm áp, kết nối mọi người trong làng với nhau. Bà Lê Thị Tuất (60 tuổi, Bắc Giang) cho biết: “Gia đình chúng tôi làm nông, chỉ nuôi gà, không nuôi lợn. Hai nhà hàng xóm bên cạnh cũng vậy. Gần dịp Tết Nguyên đán, ba nhà cùng chung tiền mua một con lợn béo, mổ thịt chung, chia đều”.

Tết ở quê là thời gian, để các gia đình, dòng họ sum vầy, gặp gỡ nhau, sau một năm bận rộn, xa cách. Nhiều vùng nông thôn, người dân vẫn truyền nhau câu nói xưa của các cụ “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, để nhắc nhở người trẻ không quên công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ và thầy cô giáo. Trần Thành Công (23 tuổi, tỉnh Thanh Hóa), tâm sự: “Cứ mỗi lần về quê ăn Tết Nguyên Đán, mùng 1 Tết, chúng tôi sẽ đi thăm các gia đình bên nội, mùng hai sang nhà ngoại. Còn đến mùng 3 Tết, tôi và bạn bè sẽ đến nhà thầy cô giáo cũ để chúc Tết. Đây là một hoạt động thường niên mỗi dịp Tết cổ truyền mà tôi rất thích”.

Tết “sống chậm” tại thành phố

Tết ở quê giữ được nhiều phong tục, tập quán của người Việt Nam xưa. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Tết ở quê giữ được nhiều phong tục, tập quán của người Việt Nam xưa. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Trái ngược với vùng nông thôn, tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,… số lượng người nhập cư rất đông. Tết là lúc mọi người về quê, thành phố trở nên tĩnh mịch, vắng vẻ hơn. Đây là khoảng thời gian để mọi người nghỉ ngơi, thư giãn, sống chậm lại. Trần Thị Hương Ly (26 tuổi, Long Biên, Hà Nội), chia sẻ: “Từ thời ông bà tôi đã sống ở Hà Nội, nên gia đình tôi thường không về quê vào dịp Tết Nguyên đán. Ngày Tết, cả nhà tôi sẽ dành một, hai ngày đi thăm hỏi họ hàng. Những ngày khác, gia đình chúng tôi cùng nhau nghỉ ngơi, thư giãn, nạp lại năng lượng chuẩn bị cho một năm mới”.

Hiện nay, có rất nhiều gia đình định cư hẳn ở những thành phố lớn. Vì những lý do khác nhau có người gốc Hà Nội, lại có người không còn gia đình ở quê. Hay cũng có thể do điều kiện kinh tế, công việc bận rộn, vào dịp Tết, họ sẽ chọn ở lại thành phố.

Có lẽ vì vậy, không ít người cho rằng Tết ở thành phố buồn. Buồn do không sôi động, nhộn nhịp như ngày thường, buồn do không có buổi đoàn viên sum họp đông đúc như thôn quê. Tuy nhiên, Tết ở thành phố có “dư vị” riêng của nó. Như ở Hà Nội, sẽ không nhiều tục lệ như Tết ở quê. Mọi người thoải mái hơn. Mâm cỗ Tết có “quy mô” gia đình nhỏ, từ bốn, năm người đến bảy tám người ăn. Việc chuẩn bị sắm sửa Tết cũng đơn giản, nhẹ nhàng.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt (46 tuổi, Cổ Nhuế, Hà Nội), đã ăn Tết tại thành phố hơn mười năm, cho biết: “Gia đình chúng tôi chỉ có bốn mâm cơm cúng làm vào các ngày Tết bắt đầu từ ngày 30 đến mùng 3 Tết. Mỗi ngày, tôi làm một mâm cúng dâng lên bàn thờ, đồ ăn vừa đủ năm thành viên trong gia đình”. Phần lớn họ hàng, gia đình nội ngoại của chị Nguyệt đều là những công nhân viên chức, Tết đến mọi người dành thời gian để nghỉ ngơi, đi chơi, chúc Tết nhau, chứ không tụ tập ăn uống, việc nấu nướng, dọn dẹp những ngày Tết của chị rất nhẹ nhàng.

Lê Thái Nam (26 tuổi, Nghĩa Đô, Hà Nội) chia sẻ: “Đối với những người sống từ bé ở Hà Nội như tôi, Tết Nguyên đán ở thành phố có dư vị riêng, không phải ai cũng cảm nhận được”. Nam cho biết, cuối năm, anh sẽ cùng bố mẹ đi ra chợ hoa, chợ đồ cổ, chợ Đồng Xuân sắm đồ Tết. Đặc biệt, tại “làng” Nghĩa Đô nơi anh ở, mọi người rất thân thiết với nhau. Đến Tết, hàng xóm, láng giềng vẫn sang nhà nhau chúc Tết, tổ dân phố tổ chức buổi liên hoan nho nhỏ cho mọi người. Anh vui vẻ tâm sự, Hà Nội ngày Tết “đường thông, hè thoáng”, giao thông đi lại vô cùng thuận lợi. Những ngày đầu năm, anh có thời gian cùng bố mẹ đi lễ chùa, ngắm cảnh hồ Tây, hồ Gươm mà không lo bị tắc đường như ngày thường: “Hà Nội vào dịp Tết cổ truyền là lúc để mọi người sống chậm lại, cùng tận hưởng giây phút bình yên, không hối hả, vội vã”. Nam nói.

Một điểm thú vị, đó là Tết thành phố còn là “mùa nhân ái”, “lá lành đùm lá rách” với vô vàn hoạt động xã hội, nhiều cơ hội để người thành phố chia sẻ với nhau và giúp đỡ những người gặp khó khăn hơn mình. Nhiều nhóm thiện nguyện mang đến cho người lang thang cơ nhỡ những món quà thiết thực như áo ấm, chăn mền cho những đêm trời gió chướng se lạnh, hoặc bao lì xì nhỏ như lời chúc may mắn trong năm mới. Từ thành phố nhiều đoàn xe chạy về các vùng thôn quê nơi còn bao người thiếu thốn, tặng bà con chút quà Tết cho bà con vơi bớt những lo toan vất vả cả năm.

Ở đâu có yêu thương, ở đó có Tết

Tết ở thành phố là thời gian để mọi người “sống chậm” lại. (Ảnh minh họa. Nguồn: Việt Trà Cổ)

Tết ở thành phố là thời gian để mọi người “sống chậm” lại. (Ảnh minh họa. Nguồn: Việt Trà Cổ)

Anh Trần Minh Ngọc (48 tuổi, thành phố Đà Nẵng), cho rằng: “Không cái Tết nào bằng Tết đoàn viên. Dù ở thành phố hay làng quê, cần nơi nào có tình yêu thương gia đình, nơi đó chính là Tết”. Hơn hai mươi năm xa quê, anh Ngọc đã coi Đà Nẵng như ngôi nhà thứ hai của mình, đối với anh việc được ăn Tết cổ truyền cùng vợ con, người thân, bạn bè là điều quý giá nhất trong một năm.

Thực tế, Tết Nguyên đán là dịp để mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, thăm hỏi sức khỏe, kể lại cho nhau những điều đã diễn ra trong một năm. Đây là thời điểm để nhắc nhở quá khứ, trân trọng những gì đã qua và hướng tới những điều tốt đẹp. Điều đó đã trở thành truyền thống, là nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam. Cho đến nay, ý nghĩa Tết đoàn viên, Tết sum họp vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức người Việt.

Chính vì vậy, dù cái Tết Nguyên đán ở phố thị và làng quê có điểm khác biệt, nhưng tựu chung lại, Tết đẹp nhất là khi những gia đình đoàn tụ, sum họp. Trong xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, mỗi người có dự định riêng cho ngày Tết. Có người chọn về quê ăn Tết, có người sẽ ở lại thành phố. Nhưng dù thế nào Tết Nguyên đán có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân Việt Nam, mang theo những giá trị, triết lý nhân văn cao đẹp mà ông cha ta xưa kia đã sáng tạo, vun đắp, gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ.

Đọc thêm