Sáng nay (5/12), Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tổ chức tọa đàm: “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì buổi tọa đàm; tham dự sự kiện này có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Đại sứ quán các nước và lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũngcho biết: Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh với mục tiêu, giải pháp cụ thể. Ảnh: Chinhphu.vn |
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn với nhiều cơ chế chính sách được ban hành và cùng với đó là chi hàng nghìn tỷ đồng (tương đương hàng trăm triệu USD) cho công tác khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, thống kê chưa đầy đủ cho thấy, cả nước có trên 42.130 người bị chết, hơn 62.160 người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh, bình quân mỗi năm có khoảng 1.530 người chết và khoảng 2.270 người bị thương. Diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn chiếm tới trên 20% diện tích cả nước, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân cũng như sự phát triển đất nước.
Trước thực trạng đó, các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội đã nổ lực hợp tác với cộng đồng quốc tế, khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trên phạm vi cả nước, công tác dò tìm, thu gom, xử lý được hàng triệu bom, mìn và vật nổ các loại; giải phóng tái tạo hàng trăm nghìn ha đất, bảo đảm môi trường, tạo điều kiện an toàn cho sản xuất, giảm thiểu tai nạn, thương tích do bom mìn gây ra đối với người dân.
Đại sứ Hoa Kỳ David Bruce Shear khẳng định Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Chính phủ Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế... trong khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, trong đó có khắc phụ hậu quả của bom, mìn và vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. |
Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh bom mìn trong trường học, cộng đồng dân cư, tăng cường nhận thức cho người dân được tích cực triển khai, góp phần giảm dần số vụ tai nạn bom mìn. Những người dân chịu hậu qua do bom mìn gây ra đã được hỗ trợ trong điều trị, phục hồi chức năng và tái hoà nhập cộng đồng.
Tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những kết quả quan trọng đã đạt được của các bộ ngành, địa phương, các đơn vị, cá nhân trong việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; Thủ tướng bày tỏ cám ơn sự hợp tác và hỗ trợ quí báu của các nước, các tổ chức quốc tế, các cá nhân đã dành cho Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể. Nhiệm vụ đặt ra cho thời gian tới là rất nặng nề, cùng với việc huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế giúp khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Tham luận tại tọa đàm, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Đại sứ các nước và đại diện các tổ chức quốc tế đều nhận định tính chất nguy hiểm, sự tác động nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Theo đó, nhiều vị Đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Các đại biểu còn cho rằng, việc khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh phải được coi là nhiệm vụ quan trọng và được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và của các địa phương; các dự án này phải luôn được lồng ghép với các dự án thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động khác có liên quan.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa hậu quả do bom mìn gây ra nhằm đẩy mạnh vận động tài trợ nước ngoài cho công tác khắc phục hậu quả; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc rà phá bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần hết sức lưu ý tới việc xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực cho công tác khắc phục bom mìn, đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại và tập huấn ở trong và ngoài nước cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành công tác khắc phục hậu quả bom mìn; nghiên cứu phát triển công nghệ rà phá bom mìn...
Tại buổi tọa đàm, Ban Tổ chức công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo 504 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng Ban, đồng thời quyết định phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn năm 2010 – 2025.
Các nhiệm vụ cụ thể cũng được đề ra trong 2 giai đoạn là 2010 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2025: Hoàn thành việc điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc; giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân tập trung tại các tỉnh bị ô nhiễm nặng và xảy ra nhiều tai nạn bom mìn theo kết quả điều tra sơ bộ được thực hiện năm 2002. Tiếp tục thực hiện công tác rà phá bom mìn phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn cho nhân dân, đạt khối lượng diện tích khoảng 800.000 ha; tiếp thục thực hiện các dự án hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ tái định cư cho nhân dân vùng ô nhiễm bom mìn tại các tỉnh bị ô nhiễm nặng. |
P.V