Khắc phục lúng túng khi ra quyết định thi hành án chủ động

(PLVN) -Để hạn chế tình trạng lúng túng của các cơ quan THADS khi ra quyết định thi hành án chủ động, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới liên quan với vấn đề này.

Bổ sung trường hợp ra quyết định THA chủ động

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 62/2015/NĐ-CP: Thủ trưởng cơ quan THADS ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành trong một bản án, quyết định, trừ trường hợp: Trong một bản án, quyết định có khoản chủ động về trả lại tiền, tài sản thì ra một quyết định thi hành án đối với mỗi người được thi hành án; Trong một bản án, quyết định có nhiều người phải thi hành nhiều khoản chủ động khác nhau thì ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành án đối với mỗi người phải thi hành án. 

Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức thi hành án phát sinh trường hợp trong một bản án, quyết định có người vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ thì pháp luật chưa có quy định cụ thể dẫn đến tình trạng cơ quan THADS lúng túng khi ra quyết định thi hành án trong trường hợp này. Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời để việc ra quyết định thi hành án chủ động được rõ ràng, dễ hiểu, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã quy định rõ trong trường hợp “một người vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ” thì cơ quan THADS ra một quyết định thi hành án đối với người đó.

Ngoài ra, một bất cập khác của Nghị định số 62 cũng đã được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP: Các khoản thu khác cho Nhà nước quy định tại điểm c khoản 2 Điều 36 Luật THADS thuộc diện chủ động ra quyết định thi hành án bao gồm khoản truy thu thuế; khoản viện trợ cho Nhà nước và các khoản bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các khoản thu khác nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước. 

Trong quá trình thực hiện, thông qua công tác kiểm tra của các Đoàn kiểm tra phòng, chống tham nhũng và thực tiễn thi hành án đã cho thấy xuất hiện tình trạng các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không làm đơn yêu cầu thi hành án dẫn đến không thu hồi được tiền cho Nhà nước, hiệu quả thu hồi tài sản trong phòng chống tham nhũng không cao. Khắc phục tình trạng trên, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp cơ quan THADS phải chủ động ra quyết định thi hành án bao gồm “khoản tiền bồi thường cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” trong các vụ án hình sự về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng ở tất cả các khung hình phạt. Quy định như vậy được đánh giá là hợp lý vì sẽ đảm bảo thu hồi thu tiền cho nhà nước được triệt để. 

Xác định rõ căn cứ từ chối yêu cầu thi hành án

Liên quan tới quy định về căn cứ từ chối yêu cầu thi hành án, Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định: Cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS trong trường hợp bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ phải thi hành. Tuy nhiên, trên thực tế, trường hợp không xác định “nghĩa vụ phải thi hành” thì cơ quan THADS không thể tổ chức thi hành án nên cần từ chối yêu cầu thi hành án. Nhưng ngược lại, có một số trường hợp“không xác định cụ thể người phải thi hành án” nhưng nghĩa vụ phải thi hành là đã được xác định thì vẫn cần chấp nhận yêu cầu thi hành án. 

Do đó, Nghị định 33/2020/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định trên để phù hợp hơn. Cụ thể, cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án đối với bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS trong trường hợp bản án, quyết định không xác định rõ khoản phải thi hành hoặc không xác định rõ người phải thi hành án, trừ một số trường hợp.

Việc bổ sung quy định trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người không có khả năng lao động thuộc trường hợp không được từ chối yêu cầu thi hành án đã đảm bảo hơn quyền lợi của đối tượng những người này trong xã hội, bởi lẽ trên thực tế, mặc dù đã thành niên nhưng do mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động thì vẫn phải có người nuôi dưỡng và có quyền thăm non. Đây cũng là điểm mới quy định mà nội dung Nghị định 33/2020/NĐ-CP đã quy định để thực hiện chính sách bảo vệ người yếu thế trong xã hội Việt Nam. 

Đọc thêm