Khắc phục tình trạng “một giá” để xăng dầu “đọ sức” với hàng ngoại

(PLO) - Năm 2018, Việt Nam sẽ phải thực hiện nhiều cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải tăng khả năng cạnh tranh để “đón làn sóng” hàng hóa từ nước ngoài tràn vào thị trường nội địa. 
Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN kinh doanh xăng dầu (Ảnh: moit.gov.vn)
Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN kinh doanh xăng dầu (Ảnh: moit.gov.vn)

Vì thế, trên thị trường xăng dầu, các chuyên gia đề nghị ngay trong năm 2018 cần xem xét điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng, dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách, bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế, xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thị trường xăng dầu đang thiếu tính cạnh tranh

Tính đến 2017, mức tiêu thụ xăng dầu khoảng 16 triệu m3 , trong đó sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 40%, còn lại là nhập khẩu. Nhưng giá xăng dầu đang bị can thiệp quá sâu, các công ty xăng dầu chỉ có một giá thống nhất là không phù hợp với cơ chế thị trường và thiếu tính cạnh tranh. Tại hội thảo Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế được Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức hôm 16/5, các chuyên gia đề cập đến giải pháp tăng tính cạnh tranh cho thị trường xăng dầu để chủ động thích ứng với biến động của thị trường thế giới và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN. Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 8/5/2017 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 170 nước thì Việt Nam đứng thứ 44 từ thấp đến cao, nghĩa là có 126 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam, trong đó Philippines đứng thứ 60, Campuchia đứng thứ 61, Thái Lan đứng thứ 82, Lào đứng thứ 93).

Với mức giá bán lẻ xăng Ron92 của Việt Nam (giá bán lẻ xăng Ron92 vùng 1 của Petrolimex) cập nhật đến ngày 8/5/2017 là 17.580 đồng/lít; thấp hơn Lào là 4.456 đồng/lít, Campuchia là 3.768 đồng/lít, Singapore là 16.528 đồng/lít, Philippines là 3.613 đồng/lít, Hồng Kông là 27.231 đồng/lít.

Tỷ lệ thuế (gồm: thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế BVMT, thuế GTGT) trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp (37,49% đối với xăng; 20,76% đối với dầu diesel; 11,59% đối với dầu hỏa; và 19,13% đối với dầu mazút) so với nhiều nước (Hàn Quốc khoảng 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%, Philipines khoảng 62%; Nga khoảng 52%; Mỹ khoảng 53%, Hồng Kông khoảng 83,%, Thái Lan khoảng 67%).

Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam khẳng định, thị trường xăng dầu hiện chịu áp lực bởi cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã cam kết nên cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cơ chế giá. Thị trường xăng dầu Việt Nam đã hội nhập sâu với thị trường khu vực và thế giới. Năm 2015-2016, giá dầu thô thế giới ở mức thấp, biến động không nhiều, vì vậy Nghị định 83 đã làm cho thị trường xăng dầu ổn định. Tuy nhiên, nhìn vào dài hạn đến năm 2025-2030, “nếu các cơ chế quản lý vận hành thị trường xăng dầu ngắn hạn (4-5 năm) thì ngày càng bất cập, trước sức ép của mở cửa thị trường, lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu vào năm 2024 (về 0%)” - ông Ruệ nhận định.

Đặc biệt sức ép bảo vệ thị trường trong nước kể cả hệ thống lọc hóa dầu trong nước, hệ thống phân phối các DN Việt Nam”, theo ông Ruệ, "một vấn đề đang hiện hữu, các cơ quan hoạch định chính sách tài chính đang phải xử lý phần hụt thu ngân sách trong lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Đây là nguồn thu quan trọng đóng góp cho phát triển đất nước".

Tính đến 2017, mức tiêu thụ xăng dầu khoảng 16 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 40%, còn lại là nhập khẩu. Nếu nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động thương mại thì khả năng cân đối đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nhận định về những “điểm yếu” của thị trường xăng dầu hiện nay, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến đột ngột, khó dự báo, giá xăng dầu biến động mạnh nên một số quy định không còn phù hợp.

Việc Nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường về giá cả, không theo kịp diễn biến thị trường thế giới, hiệu lực và hiệu quả của giá cơ sở và Quỹ bình ổn giá cần được xem xét một cách cầu thị từ thực tế. Cùng với đó, thị trường xăng dầu thiếu tính cạnh tranh, các công ty xăng dầu chỉ có một giá thống nhất là không phù hợp với cơ chế thị trường.

Để bảo vệ sản xuất trong nước, chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cho rằng, cần có những rào cản kỹ thuật hoặc những rào cản WTO không cấm để bảo vệ thị trường, các DN kinh doanh xăng dầu trong nước. Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khẳng định, hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều FTA đa phương và song phương, tuy không có cam kết mở cửa thị trường về cơ chế chính sách nhưng các dòng thuế nhập khẩu đã giảm sâu và mức độ giảm khác nhau giữa các đối tác. Đặc biệt nhất là Asean xăng giảm thuế nhập khẩu xuống 20%, dầu 0% trong khi đó FTA Việt Nam – Hàn Quốc thuế nhập khẩu xăng xuống 10%, dầu 5%, đi đến loại trừ các dòng thuế nhập khẩu là nội dung cơ bản của mở cửa thị trường. 

Vì thế, Chính phủ cần đưa ra chiến lược phát triển thị trường xăng dầu dài hạn ít nhất là từ 2018-2025, trong đó cần quyết định có mở cửa thị trường xăng dầu sớm hơn các cam kết WTO và các FTA không. Đồng thời cần điều chỉnh bổ sung Nghị định 83, trong đó quy định lộ trình thực hiện đưa xăng E5, Euro 3, Euro 4 vào thị trường từ năm 2018, có biện pháp tháo gỡ vướng mắc cơ chế cho Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Nghi Sơn để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn. Ngay trong năm 2018 cần xem xét điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách, bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế, xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người tiêu dùng.

Còn theo ông Lê Đăng Doanh, để ổn định thị trường xăng dầu trong điều kiện thị trường thế giới đầy biến động, cần xem xét cho phép có giá xăng dầu cạnh tranh trong một biên độ nhất định, tránh tình trạng tất cả các Tổng Công ty, Tổng đại lý, các cửa hàng đều có giá bán như nhau, chưa thúc đẩy cạnh tranh. Giảm bớt cơ chế xin-cho, mở rộng công khai, minh bạch, tạo điều kiện và đòi hỏi các Hiệp hội tham gia quản lý, giám sát, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN kinh doanh xăng dầu.

Tăng thuế BVMT đối với sản phẩm xăng, dầu

Trước sức ép cạnh tranh do lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu, trong đó có thuế nhập khẩu xăng dầu theo các Hiệp định tự do Việt Nam tham gia và biến động của giá dầu thế giới, như PLVN đã đưa tin, Bộ Tài chính đang đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với sản phẩm xăng, dầu nhằm chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, đảm bảo lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn; tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới;... Đồng thời, cần thiết bổ sung quy định về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu sinh học (xăng E5, E10,...) để khuyến khích việc sản xuất và sử dụng xăng, dầu sinh học, góp phần hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường.

Bộ Tài chính cho rằng, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đã bằng mức tối đa trong khung thuế (đối với nhiên liệu bay) hoặc gần bằng mức tối đa trong khung thuế. Theo đó, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ là rất khó, đặc biệt trong điều kiện phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo cam kết quốc tế; và giá xăng dầu của Việt Nam hiện đang thấp hơn so với giá xăng dầu của các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và Châu Á nói chung.

Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như sau: mức thuế tối thiểu điều chỉnh tăng bằng mức thuế cụ thể đang áp dụng; mức thuế tối đa điều chỉnh tăng bằng 2 lần mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành (khung thuế áp dụng cho lộ trình dài). Riêng đối với dầu hỏa, đề nghị giữ khung thuế BVMT như hiện hành vì dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Tình hình buôn lậu xăng dầu không "nóng", nhưng vẫn phức tạp

Tình hình buôn lậu, vận chuyển, sang mạn trái phép xăng dầu năm 2016 và quý 1/2017 không có diễn biến nóng, nhưng vẫn phức tạp, nhất là dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Năm 2016 lực lượng biên phòng đã bắt giữ 60 vụ/112 đối tượng, thu giữ 5.262.417 lít xăng, 629.407 lít dầu; riêng dịp Tết nguyên đán đã phát hiện thu giữ 10.780.988 lít xăng, 5.568.065 lít dầu. Qua đó, xử phạt hành chính hơn 2,078 tỷ đồng; thu tiền bán tang vật phát mại là 5,327 tỷ đồng.

Đại tá Phạm Văn Đệm, Phó trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng cho biết, các đối tượng cả trong nước và quốc tế đã móc nối, giao dịch trực tiếp với chủ đầu nậu, lợi dụng giấy phép nhập khẩu xăng dầu, quay vòng hóa đơn hoặc cải hoán tàu cá để vận chuyển xăng dầu bán cho các tàu cá đang sản xuất trên ngư trường.

Cá biệt, có DN mua xăng dầu hợp pháp từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất, ra biển bán cho ngư dân, sau đó đến địa điểm đã hẹn trước nhập lậu xăng đầu từ tàu nước ngoài (giá thấp hơn) và sử dụng chính bộ hóa đơn hiện có để hợp thức lô hàng nhập lậu.

Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng danh nghĩa công ty chuyên vệ sinh tàu biển ở khu vực cảng để mua xăng dầu của tàu hàng, tàu viễn dương (các tàu này rút ruột bán trộm xăng dầu) và khi bị phát hiện thì khai do chủ tàu trả công dọn vệ sinh…

Đọc thêm