Công tác xử lý tài sản bảo đảm thi hành án hiện nay còn gặp không ít vướng mắc do một số quy định của Luật THADS, Nghị định 62/2015/NĐ-CP còn chưa rõ ràng hoặc còn chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành khác như Luật đấu giá tài sản, Luật đất đai, Luật chứng khoán… Một trong nguyên nhân khác trong thực tế là do người mua được tài sản bán đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ tiền mua tài sản trong thời hạn quy định. Từ đó, gây khó khăn trong quá trình kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá, thu phí, thanh toán chi phí phát sinh, tính lãi chậm thi hành án…
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan THADS trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày đấu giá thành.
Còn Khoản 5, Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định trường hợp sau khi phiên bán đấu giá kết thúc mà người trúng đấu giá tài sản từ chối mua, hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản tiền nào thì khoản tiền đặt trước thuộc về ngân sách nhà nước và được sử dụng để thanh toán lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí cần thiết khác.
Thực tế hiện nay, trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo thi hành án đã có nhiều trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá không nộp, nộp không đủ tiền mua tài sản trong thời hạn quy định. Từ đó, khiến Chấp hành viên và cơ quan thi hành án gặp khó khăn trong việc xử lý kết quả đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản phải đăng ký, thanh toán phí dịch vụ bán đấu giá tài sản.
Liên quan tới vấn đề này, khoản 1, Điều 52 Luật đấu giá tài sản quy định trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá không nộp, nộp không đủ tiền mua tài sản trong thời hạn quy định thì không được coi là đấu giá không thành. Khi đó, cơ quan THADS phải thanh toán trả tổ chức dịch vụ bán đấu giá phí dịch vụ bán đấu giá thành. Khoản phí này được trừ vào tiền bán đấu giá tài sản tiếp theo nên gây thiệt hại cho người có tài sản đảm bảo, bán đấu giá để thi hành án.
Sau đó, kết quả bán đấu giá tài sản và hợp đồng mua bán tài sản phải hủy để tiếp tục bán. Điều 72 Luật đấu giá tài sản quy định cụ thể 5 trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy. Bao gồm, theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản hoặc giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá về việc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, trừ trường hợp gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức
Trường hợp Tòa án tuyên vô hiệu theo quy định của pháp luật dân sự phải có yếu tố người trúng đấu giá có hành vi vi phạm theo quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 9 Luật đấu giá tài sản. Ba trường hợp còn lại quy định căn để hủy kết quả bán đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản, không có trường hợp nào quy định về việc người trúng đúng giá không nộp, nộp không đủ tiền mua tài sản trong thời hạn.
Do đó, một số ý kiến kiến nghị cần phải bổ sung quy định về hủy kết quả bán đấu giá, hủy hợp đồng mua bán tài sản đối với trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá không nộp tiền mua tài sản trong thời hạn quy định; đảm bảo việc hủy được thực hiện nhanh chóng, tránh kéo dài, gây thiệt hại cho các đương sự. Đồng thời cần nghiên cứu quy định khi tiếp tục bán đấu giá tài sản thì lấy giá nào làm giá khởi điểm để bán đấu giá? Lấy giá khời điểm của lầm bán đấu giá bị hủy có được không?
Ngoài ra, khoản 2 Điều 104 Luật THADS quy định từ sau lần giảm giá thứ 2 trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người được thi hành án có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án.
Song, thực tế có trường hợp hợp hủy kết quả bán đấu giá, hủy hợp đồng mua bán tài sản do người mua được tài sản bán đấu giá không nộp tiền mua tài sản trong thời hạn quy định đối với tài sản đã giảm giá lần 2, vậy người được thi hành án có quyền nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án không? Vì trường hợp này vẫn có người tham gia trả giá, đấu giá, và không thuộc bán đấu giá không thành. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung quy định người được thi hành án được nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án và được được nhận ở mức giá khởi điểm khi bán đấu giá.