Khách hàng bị “dội bom” tin nhắn “rác”, ai chịu trách nhiệm?

(PLO) - Chỉ trong chưa đầy 1 phút, độc giả 6 lần nhận được tin nhắn "rác" quảng cáo. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai để ngăn chặn được tình trạng ngày càng phổ biến này?
Loạn tin nhắn rác
Theo phản ánh của độc giả Mai Khanh, cùng giờ, cùng phút, chị nhận được cùng một nội dung, 6 tin nhắn từ 6 đầu số khác nhau.
Độc giả nhận được 6 tin nhắn rác trong vòng 1 phút.
Độc giả nhận được 6 tin nhắn rác trong vòng 1 phút.

Nhiều người cho rằng, việc nhắn tin “rác” tràn lan làm khổ khách hàng như hiện nay xuất phát từ việc thực thi việc quản thuê bao trả trước không nghiêm dẫn đến tình trạng có quản cũng như không. Thứ 2, bản thân khách hàng khi nhận tin rác cũng không báo cho nhà mạng vì tất cả các nhà mạng phải có trách nhiệm tiếp nhận xử lý các vấn đề đó. Thứ 3, cơ quan như công an ít xử loại này, nếu bắt và xử kẻ phát tán chuyên nghiệp thì sẽ giảm bớt…

Một độc giả khác thì cho biết, do đặc thù công việc cần cung cấp số điện thoại trực tiếp trên website của công ty nên đó có thể là cơ hội để nhiều người lợi dụng nhắn tin mời quảng cáo, sử dụng dịch vụ, lừa đảo…

“Mỗi lần nhận được tin nhắn, tôi thường gọi điện lên tổng đài yêu cầu chặn tin nhắn “rác” nhưng nhiều quá không thể lúc nào cũng gọi điện thông báo được, rất là phiền phức” –độc giả chia sẻ.

Theo khảo sát từ người dùng điện thoại, gần đây, hành vi lừa đảo qua các tin nhắn rác thông thường như gọi đến số máy 0xx để nghe tặng bài hát, tặng quà... đã dần nhường chỗ cho những chiêu thức tinh vi hơn. Kẻ lừa đảo gửi tin nhắn có “nhúng” phần mềm ẩn danh như quảng cáo tải game trên smartphone. Chỉ cần người sử dụng “click” vào tin nhắn là các phần mềm này tự động kết nối vào các đầu số và bị trừ tiền mà không biết.
Quản lý long lẻo?

Theo Điều 7 Nghị định 90/2008/NĐ-CP thì việc gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định để bảo đảm không phải là thư rác như: phải có sự đồng ý của người nhận; nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo chỉ được phép gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo từ hệ thống có các thông tin kỹ thuật đã đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông; không được phép gửi quá 5 tin nhắn quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày ...

Theo quy định của Thông tư 04/2012/TT-BTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) có hiệu lực từ 1/6/2012, mỗi cá nhân chỉ được sử dụng CMTND hoặc hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa 3 thuê bao trả trước của mỗi nhà mạng. Thông tư này được ban hành nhằm kiểm soát số lượng sim điện thoại được sử dụng trên thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, tình trạng bày bán sim “rác” (theo cách hiểu hiện nay của nhiều người là sim bán với giá rẻ, mua để sử dụng một lần) vẫn diễn ra công khai. Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khó kiểm soát các thuê bao di động. Thậm chí là cơ hội để nhiều đối tượng sử dụng số thuê bao “ráo” lừa đảo, trục lợi bất chính mà cơ quan chức năng khó phát hiện, xử lý.

Thiết nghĩ, các cơ quan có trách nhiệm liên quan cần mạnh tay hơn và có những giải pháp hiệu quả để ngăn chặn hành vi lừa đảo hoặc làm phiền khách hàng để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người tiêu dùng./.

Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm