Khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 26/11, Diễn đàn Logistics 2022 đã khai mạc tại Hải Phòng. Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 là sự kiện thường niên được tổ chức lần thứ 10 (từ năm 2013 đến nay), với mục tiêu đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu. 
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu”của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics.

Tại phiên khai mạc, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thông tin, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ cấp phép. Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics Việt Nam được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021.

Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng ở mức mức cao trong giai đoạn từ 2015 tới nay, bình quân khoảng 17%/năm, từ mức 1,15 tỷ tấn (2015) lên 1,64 tỷ tấn (2021); Đóng góp trực tiếp của lĩnh vực logistics vào GDP hàng năm ở mức 4 - 5%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phát triển logistics Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít hạn chế như chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao; Việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu; Chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển...

Do đó, theo ông Trần Tuấn Anh, các bộ ngành liên quan cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm đáp ứng những yêu cầu phát triển của lĩnh vực này trong bối cảnh và tình hình mới.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Diễn đàn

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Diễn đàn

Trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logictics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics... tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logictics và phát triển logistics xanh tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, sau Diễn đàn này, với trách nhiệm là cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics trong nước và quốc tế để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền, nhất là trong công tác sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics tiếp tục đổi mới và phát triển nhanh, bền vững, thực sự trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, động lực thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Đọc thêm