Khai mạc Hội thảo khoa học Pháp luật về trí tuệ nhân tạo

(PLVN) - Ngày 10/5, Bộ Tư pháp phối hợp cùng Phái đoàn Liên minh Châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “ Pháp luật về trí tuệ nhân tạo: Kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam ”.  Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tham dự và chủ trì Hội thảo.
Khai mạc Hội thảo khoa học Pháp luật về trí tuệ nhân tạo

Đồng chủ trì Hội thảo có Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam, Bà Kristina Buende, Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Pháp lý Nguyễn Văn Cương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) và nhận định “trí tuệ nhân tạo đã có sự phát triển nhanh trong những năm gần đây, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế và nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống”. Ở hầu hết các quốc gia, dù là quốc gia phát triển hay đang phát triển, việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đều đang thu hút sự quan tâm rất lớn của cả Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc hội thảo

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc hội thảo

Nhận thức được thực tế này, ở Việt Nam, trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Bộ Chính trị đã xác định “tích cực, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan” và “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp”, đặc biệt, Nghị quyết chỉ rõ “hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia” với nhiều định hướng hoàn thiện pháp luật trên nhiều lĩnh vực, “trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng”.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam,

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam,

Bà Kristina Buende, Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam

Bà Kristina Buende, Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam

Năm 2020, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược đề ra mục tiêu “Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, và xác định sự cần thiết: “Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo”. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án triển khai cụ thể.

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cũng đang đặt ra những vấn đề và thách thức mới, đem lại những lo ngại cho các Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đã được thảo luận tại nhiều diễn đàn, phương tiện thông tin đại chúng tại các quốc gia. Có lẽ một số vấn đề lớn đang đặt ra đối với mỗi Chính phủ là trong bối cảnh khó có thể cưỡng lại hay phủ nhận những lợi ích to lớn của công nghệ AI trong đời sống kinh tế - xã hội thì một khuôn khổ chính sách, pháp luật thế nào là phù hợp để vừa tạo thuận lợi cho sự phát triển AI lại vừa bảo đảm AI phục vụ tốt nhất mục tiêu phát triển của mình, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Trong Nghị quyết 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Bộ Tư pháp được giao 02 nhiệm vụ: nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khung pháp luật về tài sản, hợp đồng, quyền sở hữu và các vấn đề khác có liên quan của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới trí tuệ nhân tạo.

Ngay cả trong giờ giải lao Hội thảo, các đại biểu vẫn cùng Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc trao đổi sôi nổi về trí tuệ nhân tạo

Ngay cả trong giờ giải lao Hội thảo, các đại biểu vẫn cùng Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc trao đổi sôi nổi về trí tuệ nhân tạo

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, hoàn thành Báo cáo nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khung pháp luật về tài sản, hợp đồng, quyền sở hữu và các vấn đề khác có liên quan của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2021 và đang nỗ lực nghiên cứu, xây dựng Báo cáo về xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới trí tuệ nhân tạo, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV/2024.

Các đại biểu tham gia Hội thảo rất quan tâm tới những vấn đề pháp lý đặt ra đối với việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Các đại biểu tham gia Hội thảo rất quan tâm tới những vấn đề pháp lý đặt ra đối với việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Hội thảo khoa học theo Thứ trưởng có ý nghĩa quan trọng, trước hết là nguồn thông tin hữu ích cho Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời cũng là cơ hội tốt để các cơ quan Việt Nam, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam cùng trao đổi, chia sẻ, nhận diện đầy đủ các vấn đề đặt ra, những cơ hội và thách thức đem lại từ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng khuôn khổ chính sách, pháp luật điều chỉnh đối với trí tuệ nhân tạo. Sau Hội nghị Thứ trưởng hy vọng sẽ có nhiều hơn những công việc tiếp theo hướng tới nghiên cứu đề xuất các chính sách, pháp luật của Việt Nam về AI, phù hợp với thể chế chính trị, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và các mục tiêu của Việt Nam.

Tại Hội thảo, Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam, Bà Kristina Buende, Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc ban hành các văn bản về phát triển AI và hy vọng qua Hội thảo sẽ chia sẻ những kinh nghiệm quý nhằm nhận diện những cơ hội, thách thức cũng như hạn chế rủi ro; đồng thời thúc đẩy khung khổ pháp lý mạnh mẽ tôn trọng quyền con người, quyền cá nhân, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu.

Đọc thêm