Ảnh minh họa |
Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo đã được Thanh tra Chính phủ đã triển khai xây dựng và chính thức đưa vào sử dụng trên toàn quốc từ ngày 15/3/2018. Tuy nhiên, hiện nay chưa có căn cứ pháp lý quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương phải cập nhật dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để hình thành dữ liệu về vụ việc khiếu nại, tố cáo thống nhất, đầy đủ từ Trung ương đến địa phương.
Vẫn còn 12/93 bộ, ngành, địa phương chưa cập nhật các vụ việc khiếu nại, tố cáo vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo nên không thể xử lý trùng lặp đơn thư một cách tuyệt đối, vẫn còn tình trạng chuyển đơn lòng vòng giữa một số cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chính vì thế, việc ban hành Quyết định quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo là cần thiết.
Tại Dự thảo, theo TTCP cho biết, thông tin được cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại là nội dung quan trọng để các cơ quan, tổ chức, đơn vị xác định những vấn đề cần phải cập nhật, quản lý trong cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo. Trên thực tế, trong hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo đang triển khai tại các Bộ, ngành, địa phương đã xác định các trường thông tin cần được cập nhật.
Để pháp lý hóa vấn đề này, Điều 5 của dự thảo Quyết định đưa ra các thông tin, dữ liệu được cập nhật trong cơ sở dữ liệu, bao gồm: (1) Thông tin về người khiếu nại; thông tin về người tố cáo. (2) Thông tin về người bị khiếu nại, người bị tố cáo. (3) Tóm tắt nội dung khiếu nại, tố cáo và tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo. (4) Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; kết luận nội dung tố cáo; quyết định xử lý tố cáo. (5) Báo cáo định kỳ, báo cáo vụ việc, báo cáo chuyên đề về khiếu nại, tố cáo và các số liệu thống kê khác theo quy định của TTCP.
Đối với việc khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo có ý nghĩa rất quan trọng, qua đó xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khai thác và phạm vi khai thác Cơ sở dữ liệu này nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Theo quy định tại Điều 10 của dự thảo, các cơ quan, tổ chức, cá nhân sau có quyền khai thác thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo: Cơ quan quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Quyết định này có quyền khai thác thông tin, dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của mình. Đại biểu Quốc hội; các cơ quan của Quốc hội; Cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân vận Trung ương có quyền khai thác thông tin, dữ liệu trong phạm vi toàn quốc. Đại biểu Hội đồng nhân dân; Mặt trận Tổ quốc; Văn phòng tỉnh ủy, huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo, Ban Nội chính, Ban Dân vận tỉnh ủy, huyện ủy có quyền khai thác thông tin, dữ liệu trong phạm vi quản lý tương ứng của UBND tỉnh, UBND huyện.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu và việc cung cấp thông tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo được thực hiện qua mạng Internet hoặc văn bản. Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có yêu cầu tra cứu, cung cấp thông tin, tài liệu về khiếu nại, tố cáo trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, pháp luật khiếu nại, tố cáo. Cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu về khiếu nại, tố cáo có quyền từ chối yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu nếu có căn cứ cho rằng yêu cầu đó trái pháp luật, vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, người tố cáo.