Giảm quá tải bệnh viện tuyến trên
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường và mở rộng triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin để thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương nâng cao năng lực cán bộ y tế trong toàn tuyến...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt bệnh viện trên cả nước đã khai trương hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth kết nối với các điểm cầu, cơ sở khám chữa bệnh để tư vấn hội chẩn cho bệnh nhân.
Bệnh viện K là một trong những bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành ung bướu với lượng bệnh nhân quá tải nhất, cũng là 1 trong 18 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế triển khai Đề án khám chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020-2025.
Tại buổi khai trương hệ thống khám chữa bệnh Telehealth, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Điện Biên xin hội chẩn bệnh nhân Lường Thị L, dân tộc Thái, 52 tuổi (Điện Biên). Qua hệ thống hình ảnh trực tuyến, sau khi xem xét, đánh giá người bệnh, các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện K đều thống nhất chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư buồng trứng tái phát, giai đoạn muộn, có tổn thương thứ phát ở màng tim, phổi, hạch thượng đòn.
Do đó, tiên lượng rất xấu, nếu thay đổi phác đồ điều trị hóa chất thì tỷ lệ đáp ứng dưới 20%, thời gian duy trì đáp ứng cũng chỉ 2-3 tháng. Vì thế, bệnh viện nên trao đổi kỹ với gia đình xem có nên tiếp tục điều trị hóa chất hay chăm sóc giảm nhẹ vì tình trạng bệnh nhân nặng.
Hiện nay, Bệnh viện K đang tích cực hỗ trợ phát triển chuyên ngành ung bướu cho 17 bệnh viện vệ tinh và hơn 160 bệnh viện khác về điều trị, đào tạo cho các bệnh viện tại Hà Nội và trên cả nước.
“Việc triển khai khám chữa bệnh từ xa trong thời điểm hiện tại thể hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời giảm quá tải bệnh viện tuyến trên và có nhiều lợi ích cho người bệnh và các cơ sở y tế; người bệnh không phải đi xa để khám chữa bệnh mà vẫn hưởng thụ trình độ, kinh nghiệm điều trị của các bác sĩ tuyến trên ngay tại chính địa phương của mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh”, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh.
Bác sĩ tuyến dưới được học hỏi, phát huy tay nghề
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng là một trong những bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành về sản phụ khoa và đã triển khai hệ thống Khám chữa bệnh Telehealth vào trung tuần tháng 9 vừa qua. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong ngành sản phụ khoa có nhiều tình huống bất ngờ xảy ra không thể lường trước được, một ca đẻ đều mang tính cấp cứu, thậm chí là tối cấp cứu.
“Nhiều trường hợp nặng đến với tuyến trên là quá muộn. Đơn cử như nếu có trường hợp song thai truyền máu nếu không được chẩn đoán và xử trí sớm thì đứa trẻ sẽ bị suy tim, suy não và khi đến tuyến trên lúc đó quá muộn. Do đó, nếu được hội chẩn bởi các nhóm chuyên gia tư vấn cách xử lý, phương pháp khám chữa bệnh sẽ giúp tuyến dưới rất nhiều.
Hoặc có những ca bệnh cần được chỉ dẫn cụ thể là cần phải chuyển lên tuyến trên ngay để thực hiện phẫu thuật. Hôm nay phẫu thuật thì được nhưng đến ngày mai, ngày kia lại có thể là quá muộn. Như vậy là bác sĩ đã có thêm cơ hội để cứu sống thai nhi”, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cũng cho rằng, hệ thống khám chữa bệnh từ xa không chỉ giúp cho việc chẩn đoán bệnh sớm và hỗ trợ tuyến dưới xử lý các ca bệnh khó, các ca bệnh đòi hỏi được chẩn đoán xử lý sớm mà nó còn giúp cho các y bác sĩ của Bệnh viện tuyến trên cũng cần phải tiếp tục học và không ngừng nâng cao trình độ mỗi ngày.
Đồng thời, kiến thức và trình độ của bác sĩ ở tuyến trên được khai thác, phát huy triệt để, góp phần nâng cao trình độ, tay nghề cho bác sĩ tuyến dưới. Điều này có ý nghĩa đặc biệt, giúp giảm được những chẩn đoán sai, xử lý sai của bác sĩ, từ đó sẽ giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh.
Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 -2025 với 24 bệnh viện tuyến trên gồm (18 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 6 bệnh viện của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) tham gia đã kết nối được đến 1.100 điểm cầu, các bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước. Hàng trăm ca bệnh ở miền núi khó khăn, vùng hải đảo xa xôi cũng được các bác sĩ đầu ngành trực tiếp hội chẩn và tư vấn điều trị.
Với kết quả này, hình thức khám chữa bệnh từ xa - Telehealth đã xóa nhòa khoảng cách vùng miền, tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến giúp người dân được hưởng chất lượng điều trị của các chuyên gia đầu ngành ở tuyến trên, đặc biệt có ý nghĩa với những người bệnh nặng, người già và trẻ em.
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - nhấn mạnh: “Chúng ta ứng dụng công nghệ để phát huy một cách cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh. Tận dụng hết chuyên môn, trí tuệ của thầy thuốc tuyến trên, giúp thầy thuốc tuyến dưới thêm vững tay nghề, người bệnh được hưởng lợi y tế chất lượng tại cơ sở. Tất cả vì mục tiêu cái gì có lợi cho người dân thì làm”.
Hệ thống Telehealth hiện do Tập đoàn Viettel hỗ trợ. Đánh giá về công nghệ được ứng dụng tại hệ thống Telehealth, ông Nguyễn Ngọc Linh – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, hệ thống này là nền tảng do chính các kĩ sư Việt Nam làm chủ, có thể tích hợp nhiều dịch vụ khác để tạo thành một hệ sinh thái, dễ dàng triển khai một nền y tế thông minh.
Các giải pháp công nghệ 4.0 được ứng dụng tại hệ thống là ứng dụng AI trong việc chẩn đoán hình ảnh; ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu Big Data… Với những hiệu quả của việc khám chữa bệnh này, sẽ giúp người dân tiếp cận được với các dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại mà bình thường phải qua 10 – 20 năm sau mới có được.