Là huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên, huyện Tủa Chùa được thiên nhiên ưu ái, ban tặng khí hậu mát mẻ, trong lành và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ với điểm nhấn rừng đá tai mèo trên cao nguyên Tả Phìn. |
Đến với Tủa Chùa, du khách thích thú bởi cao nguyên đá tai mèo ngút tầm mắt, kéo dài từ xã Tả Phìn, sang xã Tả Sìn Thàng, lên tận xã Sín Chải, đẹp không kém cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang. |
Cao nguyên đá cổ ở Tả Phìn dài khoảng 4 km theo trục đường liên xã (cách thị trấn Tủa Chùa khoảng 30 km), đi sâu dần vào bản làng khắp xã. |
Bãi đá Tả Phìn với nhiều phiến đá tai mèo to lớn xếp chồng nghiêng vào nhau, tầng tầng lớp lớp như một rừng đá mọc từ thung lũng lên đỉnh đồi, hướng tua tủa lên trời. |
Cũng tại khu cao nguyên đá này, di tích “Thành Vàng Lồng” là một công trình có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa của dân tộc Mông vùng núi Tây Bắc, đã được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật của tỉnh Điện Biên. |
Theo lời kể của các già bản, Thành Vàng Lồng tại bản Tả Phìn là do ông Vàng Chống Cáng, một người Mông giàu có xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVIII để bảo vệ ngôi nhà và tài sản của gia đình mình. |
Thành tròn có chu vi khoảng 440m, tường thành uốn lượn theo địa hình đồi núi. Vật liệu xây thành là đá, ghè, đẽo thủ công, ghép xếp chồng lên nhau, cao trung bình 2m, mặt thành phẳng rộng 1m, không chỉ có người mà trâu, bò, ngựa cũng có thể đi lại được. |
Trải qua thời gian, dưới tác động của tự nhiên và con người, thành Vàng Lồng chỉ còn bờ thành phía Tây dài 110m và bờ thành phía Đông dài 90m, chiều cao có đoạn chỉ còn 1m. Hiện nay, huyện Tủa Chùa đã khoanh vùng bảo vệ, xây dựng phương án trùng tu, tôn tạo để gìn giữ di tích. |
Những cung đường được bao quanh bằng các lớp đá tai mèo. |
Vẻ đẹp hùng vỹ trên cao nguyên đá Tả Phìn. |
Những ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông nằm xen giữa cao nguyên đá Tả Phìn. |
Đến Tủa Chùa ngoài chiêm ngưỡng rừng đá tai mèo Tả Phìn và Thành Vàng Lồng, du khách còn được trải nghiệm văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân bản địa. |