Khẩn cấp chống dịch cúm gia cầm lan từ Trung Quốc

(PLO) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có văn bản khẩn cấp đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. 

Ngày 17/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẩn cấp đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Chính quyền tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn; chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm.

Ngành y tế giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cửa khẩu, những ca bệnh đường hô hấp cấp tại các cơ sở y tế và cộng đồng. Người có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur để xét nghiệm.

Ngành y tế cũng vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh…

Chỉ đạo này của Thứ trưởng được đưa ra trong bối cảnh số ca cúm A(H7N9) tại Trung Quốc đang tăng đột biến. Chỉ trong vòng 2 tháng, đã có 340 ca mắc bệnh.

Như vậy, tính từ khi được phát hiện lần đầu vào năm 2013, đây là lần thứ 5 Trung Quốc bùng phát dịch bệnh này. Điều nguy hiểm là dịch được ghi nhận tại 13 tỉnh thành Trung Quốc; trong đó Quảng Đông, Quảng Tây là nơi có giao lưu thương mại, du lịch nhiều với nước ta.

Theo thông báo của Tổ chức Thú y quốc tế, một số ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm cũng xuất hiện trong tháng 1 tại tỉnh Sveyrieng (Campuchia), tỉnh có chung đường biên giới với nước ta.

Tại Việt Nam, hiện Việt Nam không ghi nhận ca mắc cúm gia cầm  nào. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định khả năng xâm nhập của dịch bệnh vào nước ta là rất cao.

Đọc thêm