Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 16h00 ngày 4/8, bão và mưa, lũ trên địa bàn tỉnh đã khiến 3 người chết, trong đó có 2 người ở huyện Mường Lát, 1 người ở huyện Quan Sơn.
Trong số những người tử vong ở tỉnh Thanh Hóa có Trưởng công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát Thao Văn Súa không may thiệt mạng trong lúc cùng chính quyền địa phương vận động và tiến hành di dời khẩn cấp các hộ dân nằm dọc tuyến đường Quốc lộ 15C thuộc địa bàn bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá vào sáng 4/8.
Ngoài ra, tại địa phương khác cũng đã có 2 nạn nhân tử vong là bà Trần Thị Tư ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn và cháu Lò Văn Nghị (9 tuổi), trú tại bản Cảnh Lay, xã Phình Giàng, tỉnh Điện Biên. Như vậy, tổng số người thiệt mạng do mưa lũ sau bão số 3 đã lên 5 người.
Mưa lũ cũng đã làm 12 người tại tỉnh Thanh Hóa mất tích (trong đó huyện Quan Sơn: 11 người, huyện Mường Lát: 1 người); 59 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 65 nhà bị thiệt hại rất nặng, 176 nhà bị thiệt hại 1 phần, 907 nhà bị ngập; số hộ phải di dời khẩn cấp là 16 hộ và 1.154 hộ phải sơ tán. Số điểm trường bị ảnh hưởng tại Thanh Hóa là 9 diểm, 1 trạm y tế xã bị ngập…
Tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 136 tỉ đồng. Tính đến chiều 4/8, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa đã không còn bị cô lập; chỉ còn 3 xã bị cô lập là xã Mường Lý, Nhi Sơn, Phù Nhi và 2 bản (bản Óm, bản Pọong) thuộc xã Tam Trung, huyện Mường Lát.
Tại các địa phương, theo thống kê của Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 14h00 ngày 4/8, tại Lạng Sơn có 15 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 11 nhà bị thiệt hại 1 phần. Về giao thông, tại tỉnh Bắc Kạn có 100m đường giao thông Trung ương bị sạt lở, tại Sơn La có 800m3 đất đá, bê tông bị thiệt hại; 112 điểm giao thông bị ách tắc, trong đó Thanh Hóa có 110 điểm, Sơn La có 2 điểm.
Về công tác ứng phó thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 4, các lực lượng đóng quân trên địa bàn triển khai 807 cán bộ, chiến sỹ và 27 phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là tại tỉnh Thanh Hoá.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo khắc phục sự cố trên các tuyến quốc lộ, hỗ trợ địa phương khắc phục các điểm bị sạt lở, ách tắc trên các trục giao thông chính. Bộ Công Thương đã cung cấp 2.860 thùng mỳ tôm, 39 thùng lương khô và nước uống đến các bản bị cô lập, chia cắt.
UBND tỉnh Thanh Hoá đã huy động các lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu 5/17 người bị lũ cuốn trôi; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm; kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở, ngập sâu.
Sáng 4/8, tỉnh đã triển khai 17 tổ công tác (quân sự, công an, biên phòng và dân quân tự vệ), đến 9h30 cùng ngày đã tiếp cận được các khu vực bị cô lập, triển khai các hoạt động cứu trợ, tìm kiếm người mất tích dọc hạ lưu sông Luống.
Các địa phương cũng đang tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, khu khai thác khoáng sản, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Tại cuộc họp chỉ đạo về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão số 3 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai sáng 4/8, sau khi nghe báo cáo về tình hình công tác chỉ đạo, nhận định về dự báo khí tượng thủy văn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo cử thêm 1 đoàn công tác của Bộ do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu vào trực tiếp tại huyện Quan Sơn, Thanh Hóa để phối hợp khắc phục hậu quả mưa lũ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các Bộ, ngành - thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 3; tăng cường kiểm tra các khu vực nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo an toàn hồ chứa và khắc phục tình trạng ngập úng.
Cùng với đó, cần kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình đang thi công; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị; rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng phương án ứng phó; tổ chức canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố các tuyến đường giao thông bị sạt lở; theo dõi chặt chẽ diễn biến hồ Hòa Bình, các hồ đang thi công, lũ trên một số sông, suối…
Trước đó, ngày 3/8, sau khi đi vào khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Ninh với sức gió cấp 7, giật cấp 9; bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần. Mưa lớn kéo dài suốt nhiều giờ khiến các vùng trũng thấp và đô thị bị ngập lụt.
Tại Hà Nội, nhiều tuyến phố bị ngập sâu và cây xanh bật gốc do mưa lớn, gió giật mạnh. Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, đến sáng 4/8, các khu vực đã cơ bản rút hết nước. Tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến cho nhiều hộ ở tiểu khu 1, tiểu khu 3 và một số bản ở xã Đông Sang bị ngập sâu trong nước.