Khẩn trương làm rõ nguyên nhân 30 lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị nhiễm cadimi vượt mức cho phép

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Liên quan tới việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo không đảm bảo an toàn. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan liên quan thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo để làm rõ nguyên nhân, sớm có phản hồi lại phía Trung Quốc, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk, Hà Nội và các doanh nghiệp, cơ quan liên quan thực hiện truy xuất các lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị Trung Quốc cảnh báo.

Văn bản gửi đi nêu rõ, Cục Bảo vệ thực vật nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch Động - Thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.

Theo yêu cầu của GACC và quy định của Việt Nam về truy xuất an toàn thực phẩm đối với các lô hàng bị cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các doanh nghiệp có lô hàng vi phạm phải tuân thủ các nội dung quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp (cung cấp hợp đồng thu gom lô hàng, danh sách cơ sở thu gom, vườn trồng cung cấp lô hàng, danh mục thuốc Bảo vệ thực vật và phân bón đã sử dụng tại vườn trồng cung cấp lô hàng);

Tổ chức thực hiện các hành động khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm. Sau đó, gửi báo cáo kết quả về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 1/4/2024.

Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Sở NN&PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk và Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo.

Cùng với đó, thẩm tra báo cáo về nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp; rà soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có lô hàng bị cảnh báo theo quy định của pháp luật.

Báo cáo kết quả kèm hồ sơ liên quan phải gửi về Cục Bảo vệ thực vật để có cơ sở phản hồi tới GACC trước ngày 3/4/2024, tránh việc nước nhập khẩu có các kết luận ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản.

Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng sầu riêng Việt Nam. Trong năm 2023, Trung Quốc đã chi 2,1 tỷ USD để mua 493 nghìn tấn sầu riêng của Việt Nam, tăng 1.036% về trị giá và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022.