Khẳng định vai trò “đầu tàu” kinh tế của PVN

(PLVN) - Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Trần Sỹ Thanh mới đây chia sẻ, ngoài những thành tựu đã đạt được, trước đây, PVN đã có những vấp ngã và hiện nay đơn vị đang phải khắc phục, hoàn thiện để tiếp tục phát huy vai trò là tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước.
PVGas - đơn vị thành viên, có nhiều đóng góp vào thành tích chung của ngành Dầu khí
PVGas - đơn vị thành viên, có nhiều đóng góp vào thành tích chung của ngành Dầu khí

Cùng chung quan điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên lãnh đạo PVN cho rằng, hơn lúc nào hết, ngành Dầu khí cần được sự đồng hành, chia sẻ, vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn, cả khách quan lẫn chủ quan trong bối cảnh thị trường dầu khí thế giới có nhiều biến động khó lường. 

Chính sách đối với PVN cần được phản biện

Ông Hồ Tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam cho rằng, dầu khí là ngành quan trọng đối với chính trị, kinh tế (đặc biệt là kinh tế biển). 

Song hành với các nghĩa vụ đối với Nhà nước, PVN cũng được giao quyền chủ động quyết định đối với nhiều công trình, dự án trọng điểm về dầu khí sau khi được Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt; quyết định các dự án đầu tư, hợp đồng vay, cho vay, mua, bán tài sản có giá trị đến dưới 30% vốn điều lệ của PVN.

Theo ông Hồ Tế, mọi chính sách về nguồn lực tài chính, về kiểm soát đối với PVN phải được phản biện, trao đổi và cân nhắc thận trọng, mang tính kiến tạo cho sự phát triển của PVN để đơn vị này có thể ứng phó kịp thời với những biến động đặc thù của hoạt động dầu khí. “Các bộ, ngành cần xem xét toàn diện các khía cạnh pháp lý, kinh tế, ngoại giao trước khi trình Chính phủ quyết định thay đổi hay điều chỉnh các vấn đề về tổ chức, hoạt động cũng như các cơ chế tài chính, đầu tư đối với PVN”, ông Hồ Tế nói.

Theo ông Trần Ngọc Cảnh, nguyên Tổng Giám đốc PVN cho biết, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035  trọng tâm là: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; trong đó, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi được quan tâm chú trọng đầu tư nhằm phát hiện và xác minh nguồn trữ lượng dầu khí, bảo đảm giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và sự phát triển ổn định, bền vững ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.

Nguyên Tổng Giám đốc PVN cho rằng, đối với các dự án còn dang dở, gặp khó khăn thì phải được khắc phục kịp thời, không né tránh, mạnh dạn báo cáo với Đảng, Chính phủ và Quốc hội về các giải pháp kinh tế - kỹ thuật, tài chính - thương mại, tổ chức - nhân sự... nhằm kịp thời xử lý giải tỏa các bế tắc và sớm đưa các công trình, dự án này vào sản xuất.

Chưa đầu tư mạnh lĩnh vực thăm dò

Chuyên gia kinh tế, TS.Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, đặc thù của ngành công nghiệp dầu khí là sự liên kết chuỗi giá trị, trong đó lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là khâu đầu và cốt lõi. Sự phát triển ổn định của các khâu như dịch vụ, điện, lọc hóa dầu… cũng như hiệu quả của chuỗi giá trị dầu khí phụ thuộc lớn vào sự tăng trưởng bền vững của khâu thăm dò, khai thác. Kết quả thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt thấp sẽ làm giảm hiệu quả chuỗi giá trị dầu khí cũng như đe dọa sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí.

Hiện nay, việc tìm kiếm, thăm dò gia tăng trữ lượng đạt kết quả kém, theo ông Lực là do lĩnh vực này chưa thật sự được quan tâm, đầu tư đúng mức. Ông Lực cho rằng, hoạt động dầu khí hiện tập trung ở vùng biển nông dưới 100m. Để gia tăng trữ lượng và duy trì sản lượng dầu khí lâu dài cần phải tiến ra vùng biển xa bờ, nước sâu đến trên 1.000m nhưng đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Hơn nữa, đây là vùng nhiều rủi ro về an ninh, chính trị và chính những rủi ro này đôi khi làm nản lòng các nhà đầu tư. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có sự đầu tư tương xứng cho lĩnh vực này dẫn tới kết quả tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng thấp.

Xác suất thành công của công tác tìm kiếm, thăm dò phụ thuộc vào mức độ phức tạp về địa chất và tiềm năng dầu khí của một bể trầm tích, một quốc gia. Nhiều công ty nước ngoài mất hàng chục triệu, trăm triệu USD, nhưng phải chấp nhận thất bại. Chi phí tìm kiếm, thăm dò không thành công cũng cần phải được xem là chi phí rủi ro. Dĩ nhiên, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp dầu khí cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể để đưa ra một mức độ rủi ro phù hợp.

Theo ông Lực, hoạt động khai thác dầu khí của PVN cần điều chỉnh theo hướng giảm hoặc dừng khai thác tại các mỏ dầu khí có giá thành sản xuất cao hơn mức chi phí khai thác dự kiến; tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động; đồng thời rà soát kế hoạch phân bổ vốn đầu tư đối với các dự án dầu khí cho phù hợp hơn.

Đọc thêm