Hội thảo là một trong những hoạt động góp phần nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc về lịch sử vẻ vang của Đảng, khẳng định vai trò, uy tín, năng lực lãnh đạo và sự lãnh đạo đúng đắn, kiên định của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam.
Hội thảo tập trung vào 4 chủ đề khoa học có ý nghĩa lịch sử lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò, sự nghiệp lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm: Bối cảnh lịch sử và yêu cầu nhiệm vụ của dân tộc trong hoàn cảnh mới đầu thế kỷ XX; Quá trình chuẩn bị và sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam – sản phẩm của lịch sử dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX; Đảng Cộng sản Việt Nam với trọng trách trước lịch sử dân tộc Việt Nam trong 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ từ năm 1930 đến năm 2020; Đảng Cộng sản Việt Nam với trọng trách trước dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, vừa phát triển kinh tế, vừa chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh – nhấn mạnh, Hội thảo nhằm khẳng định sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ trọng trách trước những yêu cầu và nhiệm vụ lịch sử của dân tộc ở mọi tình huống, trong thời chiến cũng như trong thời bình, trong bảo vệ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, biên giới, hải đảo, đất liền cũng như trong đấu tranh xây dựng kinh tế và hội nhập quốc tế. Trong 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã bảo vệ vững chắc và phát huy sáng tạo các thành quả cách mạng.
Theo bà Ngô Thị Phương Lan, Hội thảo đã nhận được gần 90 bài tham luận của hơn 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước. Điều đó cho thấy sự hấp dẫn của chủ đề hội thảo cũng như sự quan tâm của giới nghiên cứu đến những vấn đề khoa học của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ niềm tin yêu và hy vọng của nhân dân đối với Đảng.
Chia sẻ về nghệ thuật quân sự dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thế kỷ XX, Thiếu tướng Vũ Quang Đạo - Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng - cho rằng, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nghệ thuật toàn dân đánh giặc được dẫn dắt bởi ngọn cờ của Đảng ta, được phát triển lên tầm cao mới của khởi nghĩa toàn dân trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Điều này khẳng định vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam với cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Nghệ thuật quân sự Việt Nam là một nền nghệ thuật quân sự giàu tính nhân văn, mang đậm cốt cách truyền thống của dân tộc và được phát triển sáng tạo trong thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, để thế hệ trẻ luôn sắt son niềm tin với Đảng Cộng sản Việt Nam, cần nâng cao nhận thức về Đảng của thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên các trường; tạo điều kiện để những sinh viên giỏi, có nguyện vọng đứng vào hàng ngũ của Đảng để cống hiến, phấn đấu, phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Đây chính là sứ mệnh lịch sử mà các trường đại học phải thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
Còn Thạc sỹ Dương Trọng Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng (TP Hồ Chí Minh) – nhận định, cần tăng cường tạo tình cảm chính trị - đạo đức ở thế hệ trẻ, giáo dục tình cảm chính trị - đạo đức cho người trẻ thông qua 4 bước, bao gồm “biết - hiểu - tin - yêu”.
4 bước này được cụ thể hóa qua các hoạt động như tiếp tục nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và nghiên cứu các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn nhằm tăng cường về tri thức, cung cấp thông tin chính thống, lý luận sắc bén phục vụ yếu tố hiểu và biết; tăng cường công tác xây dựng Đảng để tổ chức Đảng trở nên vững mạnh, củng cố và làm sâu sắc hơn niềm tin của nhân dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng vào Đảng; tiếp tục tạo môi trường cho thế hệ trẻ học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành cũng như xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển thế hệ trẻ, đồng thời kêu gọi sự chủ động, tự rèn luyện của thế hệ trẻ.
Theo ông Phúc, cần kêu gọi sự chủ động của thế hệ trẻ, khơi gợi tinh thần dám nghĩ, biết làm, tự rèn luyện của thế hệ trẻ, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Đảng và Nhà nước cần luôn quan tâm, đặt niềm tin sâu sắc, kỳ vọng to lớn, tạo điều kiện thuận lợi để chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thế hệ trẻ.