Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng các đại biểu cắt băng khánh thành dự án. |
Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư hơn 2.015 tỉ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Theo đó, dự án thực hiện cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và vuốt dốc vào các đường lăn nối; xây dựng các đường lăn thoát nhanh, đường lăn song song; xây dựng, cải tạo nâng cấp các đoạn đường lăn nổi; xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ.
Giai đoạn 1 của dự án thực hiện trong thời gian 6 tháng, tiến hành sửa chữa đường băng 25R/07L dài 3 km, rộng gần 46m; 4 đường lăn nối E1, NS1, W4, W6 cùng các công trình phụ trợ. Trong giai đoạn 2, Dự án sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại, dự kiến kết thúc trước 31/12/2021.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Nội Bài có tổng mức đầu tư 2.031,6 tỉ đồng. Dự án cũng được chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thực hiện trong thời gian 6 tháng, cải tạo gần 3 km đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn nối, hệ thống thoát nước. Giai đoạn 2 sẽ thực hiện các hạng mục còn lại, kết thúc trước dịp Tết Nguyên đán 2022.
Ngày 29/6/2020, Bộ GTVT đồng loạt tổ chức khởi công xây dựng 2 dự án. Qua 6 tháng thi công, giai đoạn 1 dự án đã hoàn thành, đảm bảo các điều kiện để bàn giao cho TCty Hàng không Việt Nam vận hành, khai thác.
Chiều 10/1, chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống đường băng vừa khánh thành tại Tân Sơn Nhất. |
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ, Nội Bài và Tân Sơn Nhất là các cảng hàng không cửa ngõ lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành hàng không có sự tăng trưởng mạnh, cả về số hãng và số lượng, chất lượng tàu bay, khiến hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của hai sân bay bị xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng. Theo tiêu chuẩn thiết kế, cần phải cải tạo, nâng cấp kết cấu mặt đường cất hạ cánh, đường lăn…
Theo Phó Thủ tướng, kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước đã xác định và chỉ đạo. Trong đó, hạ tầng giao thông là một bộ phận quan trọng, là khâu trọng tâm. Chính vì vậy, hạ tầng giao thông, trong đó có các sân bay, nhất là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài phải được ưu tiên đi trước một bước với tốc độ nhanh, hiện đại, bền vững, liên hoàn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Việc triển khai và đưa dự án vào sử dụng để phục vụ các hoạt động khai thác bay là hết sức quan trọng, sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần nâng cao năng lực khai thác, đáp ứng việc cất hạ cánh cho các loại tàu bay thế hệ mới với tải trọng lớn; đảm bảo an toàn khai thác và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đơn vị thi công đã khắc phục rất nhiều khó khăn, nỗ lực làm việc ngày đêm, đảm bảo chất lượng, tiến độ để hôm nay đưa dự án vào khai thác.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp nhận ngay để đưa vào vận hành khai thác, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay, phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 2, tạo sự hoàn chỉnh và đồng bộ.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực tuyên bố khánh thành Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, chính thức đưa các công trình này vào khai thác, sử dụng.
Sau lễ khánh thành, máy bay số hiệu VN1828 của Vietnam Airlines từ Phú Quốc đến TP HCM là chuyến đầu tiên hạ cánh xuống đường băng mới, lúc 15h15.
Hai dự án cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài cùng khởi công hồi cuối tháng 6/2020. Giai đoạn một, cả hai công trình đều thực hiện trong thời gian 6 tháng, giai đoạn hai dự kiến thi công 14 tháng, xong toàn bộ trước Tết Nguyên đán năm 2022.
Từ năm 2017 đến nay, các đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài bị xuống cấp do phải khai thác vượt công suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới có tải trọng lớn như Airbus A350-900, Boeing B787-9 và B787-10. Năm 2019, sân bay Tân Sơn Nhất đạt hơn 41 triệu lượt khách, Nội Bài hơn 29 triệu lượt khách.
Đại diện chủ đầu tư cho biết tại dự án đường băng Tân Sơn Nhất, 6 tháng qua các nhà thầu duy trì khoảng 100 loại máy móc với hơn 500 kỹ sư, công nhân, chia làm ba ca thi công ngày đêm. Do vừa thi công vừa đáp ứng việc khai thác tại sân bay, các đơn vị lập đội an ninh quản lý, giám sát, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các hoạt động tại khu vực.