“Khát vọng hòa bình” từ những câu chuyện kể

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Ngày 9/1, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Ban Di sản Ký ức tổ chức sự kiện “Khát vọng hòa bình” hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Khát vọng hòa bình” từ những câu chuyện kể

Triển lãm “Khát vọng hòa bình” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện bao gồm hai chủ đề trưng bày: Đường tới hòa bình, Hiệp định Paris - Chiến thắng của khát vọng hòa bình dẫn dắt người xem đến những câu chuyện về ý chí, sự kiên cường và anh dũng, bản lĩnh và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam trên mọi mặt trận từ chính trị, quân sự, ngoại giao nhân dân...

Đỉnh cao là việc ký kết Hiệp định Paris với vai trò đặc biệt của bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân Việt Nam, tạo mọi tiền đề để Việt Nam kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Từ bài học lịch sử về một Việt Nam anh dũng với những người phụ nữ bản lĩnh và đầy trí tuệ, triển lãm ngợi ca giá trị của hòa bình, truyền đi thông điệp: Hãy cùng chung tay vun đắp, dựng xây vì một nền hòa bình cho nhân loại.

Tại buổi giao lưu, các vị khách mời đã và đang tham gia vào quá trình đấu tranh, chung tay góp sức vì nền hòa bình cho Việt Nam và thế giới đã chia sẻ những câu chuyện đầy cảm xúc về hành trình cống hiến, dựng xây hòa bình của nhiều thế hệ người con Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Nữ luật sư người Mỹ Nancy Hollander có những chia sẻ ý nghĩa về quá trình tham gia vào các hoạt động phản đối chiến tranh ở Việt Nam tại Mỹ và luôn dành tình cảm đặc biệt cho đất nước và nhân dân Việt Nam.

Năm 1965 tại Jakarta - Indonesia, bà là đại biểu trẻ tuổi nhất tham gia phái đoàn gặp mặt ngoại giao nhân dân đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Năm 2019, bà Nancy Hollander đến Việt Nam lần đầu tiên và có cuộc gặp gỡ lịch sử với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - người có vai trò đặc biệt trong đàm phán và ký kết Hiệp định Paris.

Bà Nancy đã tin tưởng trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 450 tài liệu, hiện vật quý mà bà đã lưu giữ hơn nửa thế kỷ từ cuộc gặp mặt giữa phụ nữ Mỹ với phụ nữ hai miền Nam, Bắc Việt Nam tại Jakarta năm xưa.

Vào thời điểm tháng 1/1973, Đại sứ, PGS, TS Dương Văn Quảng là một thanh niên 22 tuổi đang học tập tại Pháp. Ông đã được sống và chứng kiến những ngày tháng không thể nào quên về cuộc đàm phán tiến tới việc ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Kể lại những giây phút hạnh phúc, tự hào của ngày 27/1/1973 lịch sử khi ông là một trong những sinh viên tham gia vào công việc chuẩn bị chào mừng Hiệp định Paris được ký kết, TS Dương Văn Quảng khẳng định về khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của đất nước, nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình - người có vai trò rất lớn làm nên thành công của Hiệp định Paris.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người gắn bó với lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam từ những ngày đầu thực thi nhiệm vụ tại Liên hợp quốc cho biết: “Việc tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một trong những chính sách đối ngoại của Việt Nam, tuyên bố mạnh mẽ và thể hiện hình ảnh một quốc gia có uy tín, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, góp phần đảm bảo hòa bình, an ninh thế giới.

Lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Việt Nam lại là một đội quân mẫu mực, có tỷ lệ nữ vào loại cao nhất trong tất cả các quốc gia... Trong những năm qua, các cán bộ, chiến sĩ nữ đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Liên hợp quốc đánh giá cao. Như vậy, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời bình sẽ được tôn vinh và thế giới sẽ nhìn nhận tích cực về công tác bình đẳng giới của Việt Nam”.

Chia sẻ về công việc của mình tại Nam Sudan, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam bày tỏ niềm tự hào vì được đứng trong hàng ngũ của những chiến sĩ góp phần bảo vệ hòa bình của Liên hợp quốc, dẫu rằng phía sau đó là những gian khó, vất vả khi công việc thường xuyên kéo dài từ 16 giờ hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau, với nhiều căng thẳng, áp lực.... Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga khẳng định luôn luôn ý thức về trọng trách của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ quốc tế để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Đọc thêm