Cha của phạm nhân này một cán bộ lão thành cách mạng cay đắng nói: “Con đã đi trái con đường của bố, con làm nhục tổ tông và làm mẹ con khóc cạn nước mắt”. Ngày đó, nếu Thà nghe lời cha đừng vì đồng tiền mà rời bỏ ngành Công an thì gia đình anh ta đã không ra nông nỗi này...
Chúng tôi gặp Tô Ngọc Thà (53 tuổi, quê ở xóm 1, thôn Mỹ Trọng, xã Mỹ Xá, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) khi tổ trưởng một tổ phạm nhân này đang đôn đốc anh em nấu bữa cơm trưa tại Phân trại số 3, Trại giam Nam Hà. Tay thoăn thoắt dùng xẻng đảo nồi cơm khổng lồ, miệng Thà vui vẻ hỏi: “Anh là nhà báo cơ à?, rồi lau mồ hôi, nghỉ tay để tiếp chuyện phóng viên.
Cơm áo gạo tiền che kín đường công danh
Từng một thời khoác trên mình quân phục cảnh sát hình sự, vậy mà nay lại mặc áo sọc phạm nhân, thế nên ngập ngừng mãi Thà mới quyết định trải lòng cho phóng viên nghe.
Từ nhỏ, Thà đã mơ ước được làm “chú công an” để dẹp trừ tội phạm. Thế nên năm 1976, khi Thà trúng tuyển vào ngành Công an thì gia đình và bạn bè rất tin tưởng anh ta sẽ đóng góp được nhiều cho xã hội. Ngày đó, mẹ Thà dặn dò: “Cảnh sát là một nghề vất vả vì phải chăm lo giấc ngủ cho nhân dân nhưng vinh quang và cao cả, con ráng làm tốt và phấn đấu trở thành một người chiến sĩ gương mẫu là bố mẹ và các em yên lòng rồi”.
Sau đó, Thà theo học Đại học Cảnh sát Nhân dân tại Suối Hai (Sơn Tây, Hà Tây cũ) rồi được phân công công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) vào năm 1989. Địa bàn Thà theo dõi là tỉnh Hà Nam bây giờ.
Phạm nhân Thà kể lại: “Địa bàn Hà Nam ngày ấy có nhiều nhóm cướp giật và cướp đường nhắm vào các phương tiện giao thông chạy dọc quốc lộ 1A (cũ). Nhiệm vụ của tôi là phải nắm được lai lịch của các đối tượng cộm cán để giúp cơ quan điều tra khoanh vùng nghi can một cách nhanh nhất mỗi khi có vụ án xảy ra. Do công việc phức tạp nên nhiều khi tôi đi công tác cả tháng trời. Nhà không xa cơ quan là bao nhưng lại ít khi được về thăm gia đình và vợ con. Ban đầu vợ tôi khóc nhiều nhưng rồi cô ấy cũng quen dần và thông cảm cho tôi”.
Quãng thời gian ấy, cảnh sát hình sự nằm vùng Tô Ngọc Thà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều lần được tuyên dương, khen thưởng khi giúp cơ quan điều tra nhận diện được nhiều băng nhóm trộm cướp liên tỉnh. Tuy vậy, đến khi vợ Thà sinh con thứ hai thì niềm vui nhanh chóng bị sự lo lắng chiếm chỗ. Cả nhà 4 miệng ăn chỉ trông vào đồng lương ít ỏi của Thà, cộng thêm việc vợ con thường xuyên đau ốm đã khiến người cảnh sát hình sự lo lắng và suy nghĩ đến bạc tóc, rạc người.
Sau nhiều suy tính, Thượng úy Thà nuốt nước mắt quyết định sẽ bỏ con đường công danh để tính kế mưu sinh chăm sóc gia đình và phụng dưỡng cha mẹ già. Thà kể lại ngày anh ta viết đơn xin rời khỏi ngành Công an: “Bố tôi không đồng ý với quyết định đó. Nhưng mẹ tôi bảo tôi đã suy nghĩ kĩ rồi thì cứ thế mà làm, đừng ân hận là được. Còn vợ tôi, thú thực là cô ấy vui mừng vì sau gần chục năm kết hôn, thời gian chúng tôi ở bên nhau chỉ tính được bằng tháng, bằng ngày”.
Từ kẻ thù của tội phạm trở thành tội phạm đặc biệt nguy hiểm
Trở về đời thường, Thà phụ giúp vợ kinh doanh gánh hàng xén. Sau đó, cựu cảnh sát hình sự lên Lạng Sơn tìm mối buôn bán nông sản, hoa quả. Thời gian đầu, công việc làm ăn của vợ chồng khá thuận lợi với công thức: Gom nông sản tại miền Bắc rồi chở hàng lên cửa khẩu Tân Thanh bán cho lái buôn Trung Quốc, sau đó chở hoa quả Trung Quốc về xuôi bán lại cho các đại lý. Sau vài chuyến, vợ chồng Thà gom hết vốn liếng nhập một lô nông sản lớn đem lên cửa khẩu. Nhưng không may cho họ, lần này thương lái Trung Quốc đã không lấy hàng như thỏa thuận khiến sau đó vợ chồng Thà phải bán tống bán tháo với giá rẻ mạt số hàng này cho lái buôn địa phương. Phá sản, trong lúc Thà còn chưa hết chán nản thì anh ta đi lạc vào con đường tội lỗi.
Một buổi chiều cuối tháng 4/1999, Thà đang ngồi uống trà đá thì tình cờ gặp Hoàng Văn Oanh (SN 1962, ở Kim Sơn, Ninh Bình) và Nguyễn Văn Bưởi. Khi đó, Oanh đang đi tìm vợ mình và sẵn tính hào hiệp, Thà đã nhận lời giúp đỡ Oanh. Từ đó, Thà và Oanh thành đôi bạn thân.
Một hôm, Oanh rủ Thà đi nhậu với một số người bạn. Lúc ngà say, Oanh trao đổi ngắn với Thà: “Tôi có một gói hàng ma túy muốn gửi anh giữ hộ mấy hôm. Nếu anh bán được thì cứ bán, trả cho tôi 60 triệu, còn lời lãi thì anh giữ làm vốn”. Trong lúc chán đời và khát tiền, Thà đồng ý.
Đầu tháng 5/1999, Oanh bắt đầu chuyển hàng cho Thà. Trong các “khách hàng” của Thà có một nữ quái tên là Bồ Thị Nhung. Trên đường vận chuyển “hàng” mua từ Thà, Nhung bị công an bắt quả tang. Tại nhà riêng của Thà, cơ quan điều tra thu giữ 77 gói nilon nhỏ chứa hê-rô-in, 2 cân tiểu ly và hơn 24 triệu đồng tiền mặt. Vợ Thà cũng phải chịu liên lụy với vai trò đồng phạm tích cực...
Đường phục thiện rộng mở
Tại phiên tòa sơ thẩm, Tô Ngọc Thà đã bị kết án tử hình về hành vi mua bán chất ma túy, vợ Thà lĩnh 20 năm tù. Phiên tòa hôm ấy đông nghịt người, trong số những người đến chứng kiến vụ việc, có cả những cảnh sát hình sự ngày nào là đồng đội với Thà. Bố mẹ Thà khóc cạn nước mắt vì không ngờ con trai mình lại sa ngã như vậy.
Sau đó ít lâu, phiên tòa phúc thẩm ngày 23/7/2001 được mở, Thà may mắn được giảm án xuống tù chung thân, còn vợ Thà chỉ bị phạt 17 năm tù. Hai vợ chồng phải thụ án ở hai trại giam khác nhau.
Nghĩ về gia đình, cựu cảnh sát hình sự rơm rớm nước mắt: “Tôi cũng không biết phải nói sao với bố mẹ và hai bên gia đình. Vì tôi mà vợ tôi phải vào lao tù...”.
Thà kể rằng, một lần lên thăm con, cha của Thà đã chua xót nói: “Con đã đi trái con đường của bố, con làm nhục tổ tông và làm mẹ con khóc cạn nước mắt. Giờ thì hãy cố gắng cải tạo, ai cũng có lỗi lầm nhưng phải trả giá cho nó thì con biết nó đắt như thế nào rồi đấy”. Vì câu nói này, Thà quyết lao động, cải tạo thật tốt để có ngày về tạ tội với cha mẹ nhưng tiếc rằng sau đó cha mẹ, Thà đã lần lượt ra đi, phần vì tuổi cao sức yếu, phần vì buồn bã vì đứa con đã làm bại hoại gia phong.
Còn về vợ của Thà, năm 2009 chị này đã được đặc xá để trở về với gia đình. Mới đây chị đã đến thăm chồng, hai người chỉ biết ôm nhau khóc mà không nói được lời nào. Vợ Thà cho biết, hai người con của họ đã khôn lớn, đứa lớn đã lấy chồng, sinh con. Còn cậu con út giờ làm công nhân ở bên Lào với công việc ổn định.
“Vậy là tôi yên tâm được phần nào rồi nhà báo ạ. Tưởng chừng mọi hy vọng đã cạn kiệt đối với một con người tội lỗi như tôi, nhưng hóa ra cuộc đời vẫn còn dành cho tôi những niềm hạnh phúc lớn lao như vậy” - Thà tâm sự.
Tô Ngọc Thà cho biết, nhờ liên tục được xếp loại khá trong quá trình cải tạo, Thà đã được giảm án từ tù chung thân xuống 20 năm tù. Mới đây, Thà lại tiếp tục được giảm án 6 tháng nên chỉ còn phải ở tù hơn 7 năm nữa. Xin chúc Thà giữ vững quyết tâm phục thiện và chúc cho gia đình anh sớm có ngày đoàn viên!
Kỳ Anh
Chúng tôi gặp Tô Ngọc Thà (53 tuổi, quê ở xóm 1, thôn Mỹ Trọng, xã Mỹ Xá, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) khi tổ trưởng một tổ phạm nhân này đang đôn đốc anh em nấu bữa cơm trưa tại Phân trại số 3, Trại giam Nam Hà. Tay thoăn thoắt dùng xẻng đảo nồi cơm khổng lồ, miệng Thà vui vẻ hỏi: “Anh là nhà báo cơ à?, rồi lau mồ hôi, nghỉ tay để tiếp chuyện phóng viên.
Cơm áo gạo tiền che kín đường công danh
Từng một thời khoác trên mình quân phục cảnh sát hình sự, vậy mà nay lại mặc áo sọc phạm nhân, thế nên ngập ngừng mãi Thà mới quyết định trải lòng cho phóng viên nghe.
Từ nhỏ, Thà đã mơ ước được làm “chú công an” để dẹp trừ tội phạm. Thế nên năm 1976, khi Thà trúng tuyển vào ngành Công an thì gia đình và bạn bè rất tin tưởng anh ta sẽ đóng góp được nhiều cho xã hội. Ngày đó, mẹ Thà dặn dò: “Cảnh sát là một nghề vất vả vì phải chăm lo giấc ngủ cho nhân dân nhưng vinh quang và cao cả, con ráng làm tốt và phấn đấu trở thành một người chiến sĩ gương mẫu là bố mẹ và các em yên lòng rồi”.
Sau đó, Thà theo học Đại học Cảnh sát Nhân dân tại Suối Hai (Sơn Tây, Hà Tây cũ) rồi được phân công công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) vào năm 1989. Địa bàn Thà theo dõi là tỉnh Hà Nam bây giờ.
Phạm nhân Tô Ngọc Thà. |
Quãng thời gian ấy, cảnh sát hình sự nằm vùng Tô Ngọc Thà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều lần được tuyên dương, khen thưởng khi giúp cơ quan điều tra nhận diện được nhiều băng nhóm trộm cướp liên tỉnh. Tuy vậy, đến khi vợ Thà sinh con thứ hai thì niềm vui nhanh chóng bị sự lo lắng chiếm chỗ. Cả nhà 4 miệng ăn chỉ trông vào đồng lương ít ỏi của Thà, cộng thêm việc vợ con thường xuyên đau ốm đã khiến người cảnh sát hình sự lo lắng và suy nghĩ đến bạc tóc, rạc người.
Sau nhiều suy tính, Thượng úy Thà nuốt nước mắt quyết định sẽ bỏ con đường công danh để tính kế mưu sinh chăm sóc gia đình và phụng dưỡng cha mẹ già. Thà kể lại ngày anh ta viết đơn xin rời khỏi ngành Công an: “Bố tôi không đồng ý với quyết định đó. Nhưng mẹ tôi bảo tôi đã suy nghĩ kĩ rồi thì cứ thế mà làm, đừng ân hận là được. Còn vợ tôi, thú thực là cô ấy vui mừng vì sau gần chục năm kết hôn, thời gian chúng tôi ở bên nhau chỉ tính được bằng tháng, bằng ngày”.
Từ kẻ thù của tội phạm trở thành tội phạm đặc biệt nguy hiểm
Trở về đời thường, Thà phụ giúp vợ kinh doanh gánh hàng xén. Sau đó, cựu cảnh sát hình sự lên Lạng Sơn tìm mối buôn bán nông sản, hoa quả. Thời gian đầu, công việc làm ăn của vợ chồng khá thuận lợi với công thức: Gom nông sản tại miền Bắc rồi chở hàng lên cửa khẩu Tân Thanh bán cho lái buôn Trung Quốc, sau đó chở hoa quả Trung Quốc về xuôi bán lại cho các đại lý. Sau vài chuyến, vợ chồng Thà gom hết vốn liếng nhập một lô nông sản lớn đem lên cửa khẩu. Nhưng không may cho họ, lần này thương lái Trung Quốc đã không lấy hàng như thỏa thuận khiến sau đó vợ chồng Thà phải bán tống bán tháo với giá rẻ mạt số hàng này cho lái buôn địa phương. Phá sản, trong lúc Thà còn chưa hết chán nản thì anh ta đi lạc vào con đường tội lỗi.
Một buổi chiều cuối tháng 4/1999, Thà đang ngồi uống trà đá thì tình cờ gặp Hoàng Văn Oanh (SN 1962, ở Kim Sơn, Ninh Bình) và Nguyễn Văn Bưởi. Khi đó, Oanh đang đi tìm vợ mình và sẵn tính hào hiệp, Thà đã nhận lời giúp đỡ Oanh. Từ đó, Thà và Oanh thành đôi bạn thân.
Một hôm, Oanh rủ Thà đi nhậu với một số người bạn. Lúc ngà say, Oanh trao đổi ngắn với Thà: “Tôi có một gói hàng ma túy muốn gửi anh giữ hộ mấy hôm. Nếu anh bán được thì cứ bán, trả cho tôi 60 triệu, còn lời lãi thì anh giữ làm vốn”. Trong lúc chán đời và khát tiền, Thà đồng ý.
Đầu tháng 5/1999, Oanh bắt đầu chuyển hàng cho Thà. Trong các “khách hàng” của Thà có một nữ quái tên là Bồ Thị Nhung. Trên đường vận chuyển “hàng” mua từ Thà, Nhung bị công an bắt quả tang. Tại nhà riêng của Thà, cơ quan điều tra thu giữ 77 gói nilon nhỏ chứa hê-rô-in, 2 cân tiểu ly và hơn 24 triệu đồng tiền mặt. Vợ Thà cũng phải chịu liên lụy với vai trò đồng phạm tích cực...
Đường phục thiện rộng mở
Tại phiên tòa sơ thẩm, Tô Ngọc Thà đã bị kết án tử hình về hành vi mua bán chất ma túy, vợ Thà lĩnh 20 năm tù. Phiên tòa hôm ấy đông nghịt người, trong số những người đến chứng kiến vụ việc, có cả những cảnh sát hình sự ngày nào là đồng đội với Thà. Bố mẹ Thà khóc cạn nước mắt vì không ngờ con trai mình lại sa ngã như vậy.
Sau đó ít lâu, phiên tòa phúc thẩm ngày 23/7/2001 được mở, Thà may mắn được giảm án xuống tù chung thân, còn vợ Thà chỉ bị phạt 17 năm tù. Hai vợ chồng phải thụ án ở hai trại giam khác nhau.
Nghĩ về gia đình, cựu cảnh sát hình sự rơm rớm nước mắt: “Tôi cũng không biết phải nói sao với bố mẹ và hai bên gia đình. Vì tôi mà vợ tôi phải vào lao tù...”.
Thà kể rằng, một lần lên thăm con, cha của Thà đã chua xót nói: “Con đã đi trái con đường của bố, con làm nhục tổ tông và làm mẹ con khóc cạn nước mắt. Giờ thì hãy cố gắng cải tạo, ai cũng có lỗi lầm nhưng phải trả giá cho nó thì con biết nó đắt như thế nào rồi đấy”. Vì câu nói này, Thà quyết lao động, cải tạo thật tốt để có ngày về tạ tội với cha mẹ nhưng tiếc rằng sau đó cha mẹ, Thà đã lần lượt ra đi, phần vì tuổi cao sức yếu, phần vì buồn bã vì đứa con đã làm bại hoại gia phong.
Còn về vợ của Thà, năm 2009 chị này đã được đặc xá để trở về với gia đình. Mới đây chị đã đến thăm chồng, hai người chỉ biết ôm nhau khóc mà không nói được lời nào. Vợ Thà cho biết, hai người con của họ đã khôn lớn, đứa lớn đã lấy chồng, sinh con. Còn cậu con út giờ làm công nhân ở bên Lào với công việc ổn định.
“Vậy là tôi yên tâm được phần nào rồi nhà báo ạ. Tưởng chừng mọi hy vọng đã cạn kiệt đối với một con người tội lỗi như tôi, nhưng hóa ra cuộc đời vẫn còn dành cho tôi những niềm hạnh phúc lớn lao như vậy” - Thà tâm sự.
Tô Ngọc Thà cho biết, nhờ liên tục được xếp loại khá trong quá trình cải tạo, Thà đã được giảm án từ tù chung thân xuống 20 năm tù. Mới đây, Thà lại tiếp tục được giảm án 6 tháng nên chỉ còn phải ở tù hơn 7 năm nữa. Xin chúc Thà giữ vững quyết tâm phục thiện và chúc cho gia đình anh sớm có ngày đoàn viên!
Kỳ Anh