Khát vọng thịnh vượng

(PLVN) - Phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất, trước bè bạn quốc tế, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, Việt Nam có tầm nhìn và khát vọng về một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm độc lập…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Những bước đi 30 năm...

Sau 30 năm hiện thực hóa khát vọng Đổi mới, Việt Nam được nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá là một điển hình phát triển thành công. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhất là từ đầu những năm 1990 thuộc hàng cao nhất thế giới và tốc độ giảm nghèo cũng nhanh chưa từng có.

Tại Diễn đàn VRDF, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 30 năm tới tương đương với 30 năm qua sẽ không hề dễ dàng, bởi vì khi đạt được mức tăng trưởng cao, để tăng trưởng cao hơn nữa sẽ rất thách thức...

“Tuy nhiên, Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng thịnh vượng, với mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm, chia sẻ trở lại với cộng đồng quốc tế trong những thập niên tới. Sự phát triển của Việt Nam được đặt trong tổng hòa của tính bền vững, bao trùm về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường tự nhiên. Đó là một nền kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, và có khả năng chống chịu cao với biến đổi khí hậu, thiên tai và mọi người dân đều được hưởng lợi từ thành quả phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau...” - Thủ tướng bày tỏ quan điểm.

Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam hồi tháng 9/2018, người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ khát vọng của dân tộc: “Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa nhưng dân tộc Việt Nam có khát vọng mãnh liệt để trở thành một quốc gia hùng cường không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong những thập niên tới”…

Động lực quan trọng

Năm 1999, Luật Doanh nghiệp được ban hành mở ra cơ hội kinh doanh những gì pháp luật không cấm cho người dân. Và tới năm 2017, Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII đã xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế.

Bày tỏ khát vọng mãnh liệt để trở thành một quốc gia hùng cường không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong những thập niên tới, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chỉ có sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp mới mang lại sự thịnh vượng cho đất nước, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam trong những thập niên tới…”.

Thủ tướng cho biết, từ năm 2019, Chính phủ sẽ chuẩn bị một Chiến lược phát triển mới cho thời kỳ 2021-2030 và chuẩn bị các chương trình nghị sự, đặt nền móng hướng tới tầm nhìn 2045.

“Có khát vọng, có niềm tin vào tương lai nhưng Việt Nam cũng nhận thức rõ con đường hiện thực hoá tầm nhìn và chiến lược phát triển của mình không bằng phẳng mà sẽ chông gai, nhiều thách thức…” - Thủ tướng trăn trở và bày tỏ Việt Nam không chỉ mong muốn thịnh vượng, mà Việt Nam còn mong muốn trong thập niên tới có thể đóng góp trở lại cho các nước kém phát triển hơn. “Việt Nam luôn lắng nghe để hành động, hướng tới sự thịnh vượng và bền vững…” - Thủ tướng khẳng định

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ PHẢI GẮN LIỀN VAI TRÒ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

“Muốn làm cách mạng thành công, trước hết phải xây dựng được lực lượng cách mạng. Nguồn nhân lực thông minh cộng với sự sáng tạo là “đầu tầu” cho sự phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

* Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình:

THỜI CƠ THỰC HIỆN KHÁT VỌNG PHỒN VINH DÂN TỘC

“Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là thời cơ để thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc. Trong bối cảnh đó, Chính phủ luôn kỳ vọng vào sự đóng góp trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức trẻ”.

* Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Phạm Bình Minh:

KHÔNG TẬN DỤNG CƠ HỘI SẼ BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU

“Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội nhưng đi kèm với đó cũng là nhiều thách thức. Nếu các quốc gia không tận dụng được các cơ hội sẽ bị bỏ lại phía sau và khoảng cách phát triển sẽ ngày càng tăng”.

* Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: 

NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG, CÔNG NGHỆ CAO

“Cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới nhằm tăng cường năng lực tiếp cận của nông nghiệp với cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4, nhận diện rõ “Nông nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp bền vững, công nghệ cao”, “Nông nghiệp hữu cơ” và bước đi, giải pháp khoa học thực hiện trong bối cảnh mới để tham mưu giúp Ban Chỉ đạo định hình mô hình xây dựng Nông thôn mới sau năm 2020 ở nước ta”.

* Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng:

DOANH NGHIỆP LÀ TRUNG TÂM, CÔNG NGHỆ LÀ CHÌA KHÓA

“Doanh nghiệp có điều kiện, tiềm lực để ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nông sản, trong bối cảnh thực hiện cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 để xây dựng một ngành nông nghiệp hiện đại, có năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững về xã hội và môi trường trong toàn chuỗi giá trị nông nghiệp”.

* Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 

CÁCH MẠNG 4.0 PHẢI ĐI TỪ “XOÁ MÙ” TRI THỨC VÀ CÔNG NGHỆ

“Dù gì Cách mạng 4.0 cũng bắt đầu bằng công nghiệp, kỹ thuật. Chính vì vậy, Việt Nam phải đổi mới bằng được hệ thống sáng tạo quốc gia. Trước đây chúng ta chủ yếu dựa vào các Viện nghiên cứu, các Đại học, Cao đẳng... Nhưng bây giờ cần hệ thống sáng tạo mới, doanh nghiệp và cá nhân là chủ thể trung tâm, các trường đại học có vai trò hỗ trợ, tăng yêu cầu nghiên cứu”.

Đọc thêm