Khát vọng từ 'Hội nghị Diên Hồng'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện Bộ VH,TT&DL, Cục TDTT, đơn vị thuộc Bộ, các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học thể thao… với khát vọng đưa thể thao Việt Nam (TTVN) có tiếng nói ở châu lục và thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc tại ASIAD 19 vừa qua. Ảnh: Bộ Văn hóa
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc tại ASIAD 19 vừa qua. Ảnh: Bộ Văn hóa

Được ví như “Hội nghị Diên Hồng”, Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 được tổ chức để những nhà quản lý, chuyên môn tham khảo, lắng nghe ý kiến chia sẻ cũng như những kinh nghiệm, sáng kiến quý báu từ các nhà khoa học đầu ngành, tiếng nói từ những người trực tiếp làm công tác huấn luyện, quản lý về thể thao. Qua đó tìm ra những giải pháp góp phần thúc đẩy thể thao thành tích cao ngày càng tiến xa hơn.

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Hội nghị nhằm tìm ra các giải pháp để nâng cao thành tích của TTVN, nhằm hiện thực hoá khát vọng vươn tới đấu trường châu lục và thế giới, đáp ứng được lòng mong mỏi của người hâm mộ. Bộ trưởng mong muốn các đại biểu sẽ có những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm nhằm định vị được vị trí của TTVN trên bản đồ của thể thao đỉnh cao châu lục. Bộ trưởng cũng khẳng định đây là “bài toán” không đơn giản và mong muốn từ nhận thức đến hành động, toàn ngành hãy phát huy được hết sức mạnh trong bối cảnh nguồn lực còn khiêm tốn.

Thực tiễn qua kỳ Thế vận hội Olympic 2012, 2016, 2020, Asian Games 2018 và 2022 gần đây cũng chỉ ra rằng thành tích và số lượng VĐV Việt Nam tham dự không ổn định. Chính vì vậy, đã tới lúc TTVN cần có sự nhìn nhận mới về cách thức đầu tư cho thể thao thành tích cao. Để thể thao thành tích cao của Việt Nam đáp ứng với những thay đổi của điều kiện thực tế, giúp cho các VĐV nâng cao năng lực cạnh tranh tại Olympic và Asian Games, Cục trưởng Đặng Hà Việt cũng nêu rõ nhiệm vụ và các nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện.

Theo đó, định hướng đến năm 2030, thể thao thành tích cao nước ta cần tạo bước đột phá mạnh mẽ, trong đó tập trung vào phát triển các môn thể thao Olympic và ASIAD; Xây dựng hệ thống đào tạo VĐV một cách khoa học, bền vững, tập trung đầu tư trọng điểm cho những bộ môn, VĐV ưu tú tham gia thi đấu tại ASIAD và Olympic; Định hướng xây dựng kế hoạch, lộ trình để tập trung nguồn lực đầu tư, từ chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất, khoa học huấn luyện... bảo đảm các điều kiện cần thiết.

Tại Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 phần đấu giành từ 12 - 15 suất tham dự của các môn: Xe đạp, Điền kinh, Bưi, Bắn súng, Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Cầu lông, Đua thuyền, Taekwondo, Judo, Đấu kiếm, Boxing, Bắn cung. Tại ASIAD 2026 phấn đấu giành từ 5 - 6 HCV ở các môn Cầu mây, Wushu, Karate, Thể thao điện tử.

Vậy để có thể hiện thực hóa các mục tiêu đó, cần quy hoạch, phân nhóm các môn thể thao đầu tư trọng điểm và phát huy nguồn lực xã hội trong công tác đào tạo VĐV; Nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó tập trung xây dựng quy trình tuyển chọn và đào tạo mang tính hệ thống bảo đảm các điều kiện thực hiện; Tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng các thành tựu của khoa học công nghệ trong việc tuyển chọn, đào tạo, đánh giá trình độ tập luyện hiệu quả của quy trình huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao.

Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng ngành thể thao cần tiếp tục khơi dậy niềm tin, khát vọng chiến thắng không chỉ trong đội ngũ các HLV, VĐV mà còn trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành để hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Cục TDTT cũng cần tập trung chấn chỉnh về công tác đào tạo huấn luyện, chú ý quy trình đào tạo mang tính hệ thống từ các địa phương, tỉnh, thành tới cấp Trung ương...