Khi Bà Nà tỉnh giấc từ… những tuyến cáp treo

(PLVN) - Sau tuyến cáp số một khánh thành ngày 25/3/2009, Bà Nà Hills giờ đã có thêm cả một trời trải nghiệm xứng tầm đẳng cấp. Hành trình ra đời của mỗi tuyến cáp lên đỉnh núi Chúa kéo theo nó sự lớn mạnh không ngừng của một công trình mang tầm vóc quốc tế.

Những tuyến cáp nối dài khát khao

Ngày 25/3/2009, sau đúng 1 năm thi công, tuyến cáp treo số 1 chính thức vận hành. Cùng với tuyến cáp này, đỉnh Bà Nà như được lột xác, trở thành một Sun World Ba Na Hills thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Theo số liệu từ Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng: Năm 2001, thành phố ven biển này chỉ đón gần 490.000 du khách trong và ngoài nước, thì năm 2009 đã tăng lên hơn 1,3 triệu lượt và liên tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Bà Dương Thị Thơ – nguyên Giám đốc Bà Nà Hills kể: “Giai đoạn này, phía Sở Du lịch thành phố liên tục phải nhận… than phiền về việc lượng khách lên Bà Nà tăng quá nhanh khiến khả năng đáp ứng bị hạn chế. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần phải tiếp tục xây dựng thêm các tuyến cáp số 2,3,4… đồng thời hoàn thiện thêm hệ thống cơ sở hạ tầng - dịch vụ của Bà Nà”. 

Từ nhiệm vụ cấp bách đó, các tuyến cáp lần lượt khai sinh. Tháng 3/2013, Cáp Thác Tóc Tiên-Indochine kết nối thẳng chân núi với đỉnh Bà Nà ở độ cao 1.487m ra đời, hành trình lên đỉnh núi Chúa của du khách được rút xuống chỉ còn 17 phút. Toàn tuyến cáp treo có 86 cabin, sức chứa 10 người/cabin , với công suất 1.500 khách/h. Vào thời điểm này, Cáp số 3, như cách gọi của người Bà Nà, “phá sâu” kỷ lục cũ khi trở thành tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5,771.61m); có độ chênh giữa ga đi và ga đến cao nhất thế giới (1,368.93m); chiều dài một sợi cáp không nối dài nhất thế giới (11,587m) và độ nặng cuộn cáp nặng nhất thế giới (141.24 tấn). Đây cũng là tuyến cáp treo duy nhất trên thế giới lập cùng lúc 4 kỷ lục Guinness thế giới. 

Kế đó, tới năm 2017, hai tuyến Hội An – Marseille (dài 5,88km với 23 cột trụ) và Bordeaux- Louvre (dài 800m với 4 cột trụ và đạt công suất 3.000-4.000 khách/giờ) tiếp tục được ra mắt; nâng công suất phục vụ của toàn tuyến lên con số 6.500 khách/giờ.

 

Mỗi tuyến cáp cũng kéo theo nó những thay đổi khác, để giờ đây, đến với Bà Nà Hills, du khách không chỉ được đi cáp treo ngắm núi rừng với những thảm thực vật đa dạng, suối, thác đẹp như tranh mà còn được du ngoạn trong những khám phá bất tận. Làng Pháp với những lâu đài cổ kính nằm nép mình trong sương mỗi khi chiều về. Le Jardin d’Amour với các vườn hoa biến Bà Nà thành xứ hoa rực rỡ. Khu vui chơi giải trí trong nhà rộng 21.000m2 Fantasy Park đem đến những khám phá kỳ thú qua các trò chơi hiện đại. Hầm rượu cổ Debay xuyên lòng núi của người Pháp còn được lưu giữ tới ngày nay. “Khách sạn lãng mạn nhất thế giới” Mercure Danang French Village Ba Na Hills, hệ thống 20 nhà hàng đẳng cấp, các buổi biểu diễn carnival mỗi ngày, những lễ hội quanh năm tưng bừng, Bà Nà Hills được ví như Disneyland tại Việt Nam. 

Đặc biệt, sự xuất hiện của Cầu Vàng từ tháng 6/2018 đã góp phần không nhỏ đưa Đà Nẵng trở thành “điểm phải đến trên thế giới năm 2018, 2019. Báo chí thế giới ngợi ca đây là “Cây cầu bước ra từ huyền thoại”. Tạp chí TIME thậm chí còn bình chọn cây vào “Top 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới năm 2018”.

Đòn bẩy tạo nên tăng trưởng cho du lịch Đà Nẵng 

10 năm qua, Sun World Ba Na Hills 4 lần liên tiếp được Tổng cục Du lịch Việt Nam vinh danh “Khu du lịch hàng đầu Việt Nam” và là động lực quan trọng tạo nên những con số tăng trưởng ấn tượng của du lịch Đà Nẵng. Từ năm 2009 đến 2018, lượng khách tới Đà Nẵng tăng 463%, du khách đến Bà Nà tăng hơn 160 lần. Bên cạnh đó, theo thống kê năm 2017, mỗi khách nội địa lưu trú trung bình 2,9 ngày ở Đà Nẵng và mỗi khách quốc tế khoảng 3,9 ngày. Mức chi tiêu trung bình tương ứng là 2,8 và 6,2 triệu đồng. Số ngày lưu trú của du khách đã tăng gần gấp đôi, và mức chi tiêu trung bình đã tăng gấp gần 6 lần đối với cả khách nội địa lẫn quốc tế, so với năm 2007.

Những tháng đầu năm 2019, Đà Nẵng đón sự tăng trưởng du khách quốc tế mạnh mẽ chưa từng có, đặc biệt là những dòng khách từ các thị trường mới như Thái Lan, Indonesia. Tháng 4/2019, hơn 3000 du khách Indonesia- số lượng lớn nhất từ nhiều năm nay- đã tới Việt Nam. Động lực và cũng là điểm đến mà họ chọn lưu lại lâu ngày nhất trong hành trình du ngoạn Việt Nam chính là Bà Nà Hills với cây Cầu Vàng đẹp như cổ tích.

 

Theo thống kê mới nhất từ Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, quý 1/2019, du lịch Đà Nẵng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể từ thị trường Đông Nam Á. Trong đó, lượng khách từ Thái Lan đến Đà Nẵng đạt gần 60.000 lượt, tăng đến 35,7% so với cùng kỳ 2018 (đạt 13.093 lượt). 

Theo bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm XTDL Đà Nẵng, bên cạnh lý do tăng trưởng đường bay từ Thái Lan – Đà Nẵng với tần suất 56 chuyến/1 tuần thì “du khách Thái Lan đến Đà Nẵng tăng đột biến thời gian qua là nhờ sức hút đặc biệt của Cầu Vàng ở Bà Nà Hills. Tour khách Thái đến Đà Nẵng 5 ngày 4 đêm chủ yếu tham quan Cầu Vàng, lưu trú 01 đêm tại khách sạn Mercure Danang French Village Bana Hills…” – Bà Huỳnh Thị Hương Lan nói.

Không phủ nhận sức hút của khu du lịch mà Tập đoàn Sun Group đầu tư tại thành phố sông Hàn, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nói: “Bà Nà Hills là một trong những minh chứng rõ nét cho vai trò của kinh tế tư nhân trong sự phát triển của du lịch Đà Nẵng nói riêng và kinh tế Đà Nẵng nói chung. Việc sánh vai bên cạnh các thiên đường du lịch như Puerto Rico, Panama, Munich… trước truyền thông và du khách quốc tế đã thể hiện Đà Nẵng đang ngày càng khẳng định được vị thế cũng như sức hấp dẫn, sức lan tỏa trong mắt bạn bè quốc tế, ngày càng nhận được sự quan tâm, yêu thích của du khách trong và ngoài nước!”.

Đọc thêm