Khi bạo lực học đường lên bàn nghị sự

(PLVN) - Bạo lực học đường vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Trong phiên thảo luận tổ của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II vừa qua, các đại biểu đã đưa ra những đề xuất từ góc nhìn trong cuộc sâu sắc, đa chiều về phòng, chống bạo lực học đường…
Các đại biểu trẻ em tại phiên thảo luận Tổ. (Ảnh: PV)

Bạo lực đến từ sự đơn độc

Thời gian gần đây xảy ra không ít vụ bạo lực học đường đã để lại hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe của nạn nhân; ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, gây hoang mang, lo lắng cho nhiều phụ huynh và học sinh. Vì thế, bạo lực học đường là một trong hai vấn đề được Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II chọn để từ đó các đại biểu trẻ em nói lên quan điểm của mình.

Từ góc nhìn trong cuộc, các đại biểu trẻ em tham gia Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II nhìn nhận, bạo lực học đường không chỉ là dùng vũ lực gây thương tích trên cơ thể mà còn là dùng lời nói, ngôn từ tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của học sinh. Thực tế, các bạn khi gây gổ, kiếm cớ đánh bạn đều biết sai trái nhưng vẫn thích thể hiện.

Đại biểu Nguyễn Trần Bảo Thức, lớp 7A5, Trường THCS Lương Thế Vinh huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông dẫn con số đáng báo động, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ tháng 9/2021 - 11/2023 cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 bạn nữ. Thực tế, nhiều bạn bị bạo lực nhưng vẫn âm thầm chịu đựng, không dám nói lên tiếng nói của mình khiến cho tình trạng bạo lực trở nên trầm trọng hơn. Bảo Thức cho rằng, gia đình, nhà trường cần tạo môi trường an toàn, gần gũi để con em tự tin, mạnh mẽ không lùi bước trước kẻ bắt nạt và có giải pháp giải quyết xung đột mà không gây xung đột.

Đại biểu Biện Nguyễn Khôi Nguyên (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, ở địa phương mình có nhiều gia đình bố mẹ đi xuất khẩu lao động, nên giao phó việc chăm sóc con cái cho ông bà hoặc thuê người trông coi. Theo Khôi Nguyên, ở độ tuổi dậy thì với nhiều bất ổn về tâm lý, khi thiếu đi bàn tay chăm sóc, gần gũi của cha mẹ, nên con cái dễ bị lệch lạc cả tâm lý và hành vi. Bên cạnh đó, hiện tại có nhiều gia đình cũng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Đây cũng là một đòn tâm lý nặng nề lên con trẻ.

Đại biểu Đặng Minh Hoàng (tỉnh Quảng Ninh) cũng cho rằng, cuộc sống gia đình trong thời đại công nghệ trở nên tẻ nhạt khi các thành viên ít tương tác với nhau, mỗi người chìm trong thế giới riêng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo. Các gia đình dần thiếu sự kết nối, chia sẻ và tương tác để xây dựng văn hóa gia đình. Một số gia đình gặp vấn đề như ly hôn, con cái thiếu sự quan tâm hoặc bố mẹ bận rộn công việc, chỉ tập trung vào cung cấp vật chất mà thiếu sự chăm sóc tinh thần. Thậm chí, có trường hợp bố mẹ bạo hành khiến trẻ bị tổn thương tâm lý, trở nên tự ti, hung hãn, dẫn đến bạo lực học đường. Chưa kể, do bố mẹ thờ ơ không quan tâm nên trẻ em lấy bạo lực học đường để gây sự chú ý.

Lê Bảo Trung (đại biểu tỉnh Hà Tĩnh) nêu vấn đề nhan nhản các clip cổ xúy bạo lực trên mạng xã hội. Trung cho hay, ở tuổi học đường, với tâm lý muốn thể hiện mình, muốn được chú ý thì mạng xã hội là môi trường tốt để nhiều bạn lựa chọn. Tuy nhiên, mạng xã hội lại không có công cụ kiểm soát tốt, không ít bạn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề của mình.

Cần chính sách quốc gia về phòng, chống bạo lực học đường

Để phòng, chống bạo lực học đường, các đại biểu trẻ em đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực. Đại biểu Biện Nguyễn Khôi Nguyên đề nghị cần ban hành luật và chính sách quốc gia về phòng, chống bạo lực học đường, dựa trên việc rà soát lại các văn bản hiện hành của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục và đào tạo về bạo lực học đường, tích hợp các chương trình giảng dạy vào chương trình chính khóa cho học sinh, sinh viên, xây dựng hệ thống hỗ trợ tâm lý, tư vấn học đường và tăng cường giám sát, xử lý các hành vi bạo lực học đường.

Đại biểu Lê Hoàng Nguyên (tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ, mỗi học sinh cần rèn luyện tinh thần kiên định, mạnh dạn tố cáo hành vi bạo lực học đường. Cha mẹ cần quan tâm, nhất là độ tuổi học THCS đang phát triển, suy nghĩ chưa chín chắn. Nhà trường cần thành lập thêm nhiều tổ sao đỏ truyền thông phòng, chống bạo lực học đường, thường xuyên liên lạc gia đình.

Hà Hoàng Linh (tỉnh Hà Giang) tóm lược các giải pháp hạn chế bạo lực học đường như triển khai email gia đình kiểm soát truy cập mạng Internet của học sinh, phát huy hiệu quả của hòm thư “điều em mong muốn” để học sinh bị xâm hại thổ lộ, truyền thông nhiều hơn về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111…

Đậu Trần Hàn My, lớp 9D, Trường THCS Nguyễn Trãi, Hà Tĩnh đề xuất, nhà trường cần tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tập trung vào lòng nhân ái, tinh thần hợp tác, kỹ năng giải quyết xung đột và tôn trọng sự khác biệt. Cùng đó, trẻ cần được giáo dục về cảm xúc, học cách kiểm soát bản thân trước các tình huống căng thẳng, tránh việc dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Đồng thời, phụ huynh nên nhận thức vai trò của mình không chỉ trong việc giáo dục mà còn hỗ trợ nhà trường trong giám sát và ngăn chặn hành vi bạo lực, đặc biệt quan tâm đến các em thiệt thòi.

Đọc thêm