Khi các chủ sở hữu “bắt tay” với Tổng cục Quản lý thị trường

(PLVN) - Không phải ngẫu nhiên mà nhiều đơn vị sở hữu các thương hiệu lớn trên thế giới gần đây đều phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) (Bộ Công Thương) trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng giả cho các thương hiệu của mình.
Lực lượng QLTT thu giữ được nhiều thùng hàng hóa giả mạo được bày bán với giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng ở 2 trung tâm mua sắm trên địa bàn Móng Cái (Quảng Ninh)

Từ hàng hiệu bán… cân đến hàng hiệu vài trăm triệu đồng

Thời gian gần đây, lực lượng QLTT cả nước đã lập nhiều chiến dịch kiểm tra, kiểm soát các “điểm nóng” và phát hiện ra rất nhiều kho hàng cũng như nhiều đầu mối phân phối hàng giả các thương hiệu lớn, từ quần áo, giày dép đến mỹ phẩm, đồng hồ, kính mắt… Tất cả các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm đều được thu giữ theo đúng quy định của pháp luật. 

Có thể kể đến vụ thu giữ hàng hóa lớn, lên đến hàng nghìn sản phẩm hàng hiệu giả mạo do Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội đồng loạt tiến hành kiểm tra và khám 3 địa điểm sản xuất, kinh doanh quần áo tại địa bàn xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Kết quả thu giữ đến gần 13.000 sản phẩm giả mạo của các nhãn hiệu Nike, Asidas, áo dài tay Uniqlo; 2 kg nhãn quần áo Nike, 16 kg nhãn quần áo Adidas.

Chưa hết, Tổng cục QLTT cũng phối hợp với Cục QLTT Hà Nội kiểm tra chợ Ninh Hiệp và thu giữ được số lượng lớn hàng hóa giả mạo các thương hiệu quốc tế được bán với đơn vị… kilogam. Đó là các mặt hàng đồng hồ với các thương hiệu lớn như  Hublot, Dior được bán với giá vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/kg. Ngoài ra, tại đây, lực lượng QLTT còn thu giữ được các loại kính mắt hàng đầu  thế giới như Dior; Chanel; Gucci; 270 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Burberry, Christion Dior, Nike, Adidas; 284 chiếc quần áo giả mạo các thương hiệu Hermes, Louis Vuitton.

Quần áo giả mạo nhãn hiệu lớn còn bị thu giữ ở Thuận An (Bình Dương) khi lực lượng QLTT ở tỉnh này tiến hành kiểm tra một hộ kinh doanh và tạm giữ 1.031 đơn vị sản phẩm quần áo các loại mang các nhãn hiệu nghi vấn giả mạo Adidas, Nike; 04 kg nhãn giấy nghi vấn giả mạo nhãn hiệu Nike. Cũng tại Thuận An, lực lượng QLTT còn thu giữ 1.181 đơn vị sản phẩm quần áo các loại giả mạo nhãn hiệu Nike và Adidas; 19,5 ký decal giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike; 02 máy ép nhãn. 

Mới đây nhất, tại Quảng Ninh, lực lượng chức năng đã kiểm tra 2 trung tâm mua sắm lớn tại thành phố Móng Cái, tạm thu giữ số lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng. Đáng chú ý, có sản phẩm được bày bán với giá 400 triệu đồng, bước đầu đã được chính hãng xác định là hàng giả.

Các chủ sở hữu vào cuộc…

Tập đoàn LVMH, một tập đoàn chuyên về hàng xa xỉ của Pháp là đơn vị đầu tiên đặt vấn đề hợp tác chống hàng giả với Tổng cục QLTT. Đơn vị này cũng là đơn vị đầu tiên ký biên bản ghi nhớ về công tác phối hợp với Tổng cục và đã có những bước đi tiếp theo khi tổ chức tập huấn nhận biết hàng thật - hàng giả cho lực lượng thực thi công tác QLTT và có chuyến thực tế kiểm tra tại một số cửa hàng. 

Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc cũng là một đơn vị tích cực vào cuộc khi cùng lực lượng QLTT lên biên giới cũng như vào Nam tiến hành tổ chức các cuộc tập huấn phân biệt hàng thật - hàng giả cho các thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc. Các tổ chức phi lợi nhuận như Tổ chức REACT VIỆT NAM cũng có nhiều hoạt động khắp các tỉnh, thành để góp phần nâng cao sự nhận biết giữa hàng thật - hàng giả cho các lực lượng thực thi hoạt động này. 

Ngoài ra, còn các tổ chức, đơn vị đại diện cho chủ sở hữu cũng đã có nhiều hoạt động phối hợp để kiểm tra, kiểm soát các nguồn hàng giả tại Việt Nam có thể gây ảnh hưởng đến thương hiệu chính hãng. 

Tin từ Cục QLTT Gia Lai cho biết, mới đây, Công ty TNHH tư vấn Sở hữu trí tuệ IPT, đơn vị đại diện theo ủy quyền của các chủ sở hữu nhãn hiệu đồng hồ Thụy Sỹ tại Việt Nam, đã đề nghị Cục chỉ đạo công tác kiểm tra và xử lý hàng giả đồng hồ Thụy Sỹ. Qua kiểm tra tại địa bàn, Cục này đã phát hiện 02 cơ sở đang bày bán 457 cái đồng hồ giả mạo các nhãn hiệu Casio; Rolex; Longines; Omega; Carter; Patek Philippe; Burberry có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đồng hồ Thụy Sỹ và nhãn hiệu Casio đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, việc các doanh nghiệp, chủ sở hữu các thương hiệu vào cuộc kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái là một tín hiệu rất vui và khẳng định, chỉ khi nào có sự vào cuộc của các chủ sở hữu thì công cuộc đẩy lùi hàng giả mới phát huy tác dụng thực sự vì “chỉ doanh nghiệp mới nắm chắc được đâu là hàng giả mạo thương hiệu của mình”. 

Ngoài ra, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, chủ sở hữu cũng đẩy nhanh quá trình xác minh hàng giả bởi lực lượng QLTT có thể không nắm được hết đặc tính để phân biệt hàng thật, hàng giả của các sản phẩm, mà sự phản hồi nhanh chóng ngay trong cuộc kiểm tra ở 2 trung tâm mua sắm lớn ở Móng Cái, vừa diễn ra cuối tuần qua của nhãn hàng Patek Phillipe là một ví dụ điển hình cho sự phối hợp giữa các chủ sở hữu với Tổng cục QLTT.

Đọc thêm