Xu hướng đáng lo ngại
Theo số liệu do tờ Daily Express thu thập được theo Đạo luật tự do thông tin của Anh, năm 2007, 26 lực lượng cảnh sát ở Anh và xứ Wales đã ghi nhận 7.379 vụ hành hung nhằm vào người từ 65 tuổi trở lên.
Đến năm 2016, số vụ việc như vậy đã tăng lên thành 20.921 vụ, tức tăng 183%. Năm 2017, số vụ bạo lực nhằm vào người già đã tăng lên thành 26.474 vụ, tăng 258% so với số liệu thống kê được ghi nhận 10 năm trước.
Nạn nhân nhiều tuổi nhất là một cụ già về hưu 105 tuổi bị hành hung tại Cambridgeshire hồi năm ngoái. Các số liệu thống kê này không bao gồm những vụ giết người. Ngược lại, tổng số vụ bị kết tội nhằm vào người già trong cùng giai đoạn trên lại chỉ tăng nhẹ.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, số vụ phạm tội trộm cắp, cướp của mà nạn nhân là những người từ 65 tuổi trở lên xảy ra năm 2007 là 168.659 vụ. Năm 2017, con số này là 181.801 vụ, tức tăng 7% trong vòng một thập kỷ qua.
Vẫn theo số liệu thống kê do tờ Daily Express thu thập được, 26 lực lượng cảnh sát trên khắp nước Anh ghi nhận sự gia tăng đáng kể số vụ người già bị hành hung. Cảnh sát tại 10 địa phương khác không thể cung cấp số liệu để so sánh với 10 năm trước nhưng tất cả đều cho thấy có sự tăng mạnh số vụ phạm tội bạo lực nhằm vào người già.
Trong đó, London là nơi có số nạn nhân lớn nhất. Theo đó, trong năm 2017, ở thủ đô của nước Anh đã ghi nhận 5.309 vụ hành hung nhằm vào những người từ 65 tuổi trở lên, tăng 130% so với con số 2.301 vụ tấn công được ghi nhận năm 2007.
Đặc biệt, 10 năm trước, số vụ phạm tội bạo lực nhằm vào người già ở các khu vực nông thôn của Anh xảy ra khá ít nhưng đến gần đây các số liệu thống kê đã cho thấy sự gia tăng ở mức báo động.
Ví dụ, tại Northumbria - đơn vị bao gồm thành phố Newcastle upon Tyne, nếu như trong năm 2007 chỉ có 20 vụ phạm tội hành hung và bạo lực nhằm vào người từ 65 tuổi trở lên được ghi nhận thì đến năm 2017, con số này đã tăng lên thành 879 vụ, tăng 4.295% so với 10 năm trước.
Tại Durham, 10 năm trước chỉ có 38 vụ thì đến năm 2016 đã tăng lên thành 340 vụ việc. Trong 12 tháng tiếp sau đó, con số này đã tăng lên gần gấp đôi, lên tới 638 vụ tức tăng 1.578% so với 10 năm trước.
Gia đình bà góa phụ Iris Warner mới đây đã công bố những hình ảnh gây sốc về những tổn thương kinh hoàng mà bà phải gánh chịu sau khi bị một kẻ lạ mặt tấn công ngay ở trong nhà mình.
Theo lời kể của gia đình, hồi tháng 6 vừa qua, bà Warner, 90 tuổi, đã tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng động lạ trong nhà và phát hiện một tên trộm đang ở trong phòng ngủ của bà. Thấy cụ bà tỉnh giấc và phát hiện, tên trộm đã dùng một vật cùn đánh tới tấp vào đầu, khiến mà ngất lịm đi.
Mãi sau, con trai của bà khi tới thăm mẹ mới phát hiện bà đang nằm trong vũng máu trong tình trạng bất tỉnh. Hiện, bà vẫn chưa bình phục hoàn toàn sau vụ tấn công kinh hoàng
Không may mắn như bà Warner, khi đang đi bộ tới nhà thờ vào tháng 6 vừa qua bà Zofija Kaczan, cũng là một góa phụ 100 tuổi, đã bị một người đàn ông tấn công, khiến bà bị gãy cổ. Ngay sau vụ việc, bà được đưa đi cấp cứu với khuôn mặt bầm dập và chảy đầy máu.
9 ngày sau đó bà đã không qua khỏi vì những vết thương quá nặng. Vụ tấn công xảy ra ngay giữa ban ngày ban mặt ở cách nhà bà chỉ vài bước chân.
Gia đình bà Warner cho biết họ công bố những hình ảnh đau thương của bà nhằm thúc giục cộng đồng mạnh mẽ tố cáo những trường hợp tấn công nhằm vào người già để cảnh sát tích cực điều tra, không để những kẻ phạm tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Cần tăng chế tài
Những người vận động vì quyền của người già cũng cho rằng sự gia tăng đáng kể số vụ bạo lực nhằm vào người già là nỗi xấu hổ của xã hội. Những số liệu thống kê ở trên cũng đã dẫn đến những lời kêu gọi mạnh mẽ trong dư luận về cần phải sửa đổi luật để trừng phạt nghiêm khắc hơn những đối tượng phạm tội nhằm vào người có tuổi, đưa đây trở thành một loại tội phạm đặc biệt, đồng nghĩa với việc những đối tượng bị kết án cố ý nhắm vào người già và lợi dụng sự dễ bị tổn thương của họ để phạm tội phải nhận những hình phạt nặng nề hơn tội phạm nhắm tới các nhóm nạn nhân khác.
Ảnh minh họa |
Ông Gary FitzGerald - Giám đốc điều hành tổ chức từ thiện hành động chống nạn bạo hành người già - cho rằng những con số nói trên đã tạo thêm những bằng chứng cho thấy người già đang trở thành mục tiêu bị hành hung, thờ ơ và lạm dụng trong khi họ không có gì đảm bảo an toàn.
“Chừng nào chính phủ và các cơ quan hữu quan còn tiếp tục thờ ơ, chừng đó những người già sẽ vẫn tiếp tục phải gánh chịu hậu quả, trong một số trường hợp họ thậm chí còn chết trong tay những đối tượng tàn nhẫn.
Đến khi nào chính phủ còn chưa nhận thấy rõ sự cần thiết cần phải tăng nặng hình phạt cho những kẻ hành hung người già thì những kẻ hành hung đó vẫn thản nhiên hành động mà không sợ bất kỳ hậu quả thực sự nào”, ông nói.
Bà Caroline Abrahams - Giám đốc tổ chức từ thiện Người già Anh – cũng cho rằng: “Người ta thường đánh giá một xã hội dựa trên việc xã hội đó bảo vệ những người dễ bị tổn thương ra sao. Vì vậy những số liệu thống kê nói trên đã dấy lên những lo ngại rằng xã hội Anh đang không ngăn chặn được tình trạng phạm tội bạo lực nhằm vào người già”.
Bà Rachael Maskell - Chủ tịch tổ chức vận động bảo vệ quyền lợi của người già - cũng chỉ ra rằng, lẽ ra người già phải là nhóm đối tượng ít có nguy cơ trở thành mục tiêu phạm tội nhất thì ở Anh số người già bị phạm tội lại đang có xu hướng gia tăng.
“Sự gia tăng các loại tội phạm bạo lực nhằm vào người già rất đáng quan tâm. Nó cho thấy chính phủ cần phải có động thái để ngăn chặn các vụ bạo lực nhằm vào người già, có các biện pháp hỗ trợ an toàn trong cộng đồng để bảo vệ những người già dễ bị tổn thương”, bà nói.
Theo một người phát ngôn của Hội đồng cảnh sát trưởng quốc gia Anh: “Các lực lượng cảnh sát cũng đã tập trung hơn vào việc hỗ trợ những nạn nhân dễ bị tổn thương cũng như xử lý tin báo tội phạm tốt hơn”.
Tuy nhiên, nhiều người đang kêu gọi cần có các biện pháp khuyến khích người già trình báo các vụ phạm tội nhằm vào họ cũng như thúc giục cảnh sát tập trung hơn trong việc giải quyết các tin báo do người già cung cấp.
Năm 1976, Mỹ là một trong những nước đầu tiên ban hành luật nhằm bảo vệ người già. Đến nay, trên thế giới, hầu hết các nước hiện đều có luật với các hình phạt đối với những đối tượng phạm tội nhằm vào nhóm người dễ tổn thương này.
Một nghiên cứu gần đây cho biết, những người già đang có nguy cơ trở thành nạn nhân phạm tội cao hơn các nhóm tuổi khác. Trên toàn cầu, ước tính ít nhất một trong 6 người già đã thành viên gia đình hay các đơn vị chăm sóc sức khỏe bạo hành về thể chất, tinh thần, tài chính và tình dục. Trong bối cảnh già hóa dân số đang gia tăng ở khắp nơi, số người già trở thành nạn nhân các loại tội phạm được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.
Scotland dự kiến sẽ là nơi đầu tiên ở Anh ban hành luật riêng nhằm bảo vệ người già. Theo đó, những đối tượng có phát biểu về tuổi tác của một người trước, trong hoặc sau một vụ tấn công hay một vụ phạm tội nhằm vào người già sẽ bị trừng phạt nặng hơn. Hiện nay, luật về tội phạm thù ghét ở Scotland bao gồm các lĩnh vực tôn giáo, chủng tộc, tàn tật, xu hướng tình dục và giới tính.