Khi cảnh sát “kiêm nhiệm” đòi nợ thuê cho công nhân...

“Bực mình” trước vấn nạn các chủ sử dụng lao động “lèm nhèm” nợ lương công nhân, chính quyền thành phố Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) đã ban hành quy định “cứ ai bị nợ lương thì báo tin và cảnh sát sẽ vào cuộc điều tra doanh nghiệp”.

“Bực mình” trước vấn nạn các chủ sử dụng lao động “lèm nhèm” nợ lương công nhân, chính quyền thành phố Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) đã ban hành quy định “cứ ai bị nợ lương thì báo tin và cảnh sát sẽ vào cuộc điều tra doanh nghiệp”.

Dù quy định này có vẻ “trái khoáy” khi cảnh sát có vẻ “lấn sân” tổ chức công đoàn và “hình sự hóa quan hệ dân sự” nhưng ít nhất người ta đã thấy hiệu quả “ăn ngay”: Vì sợ cảnh sát phát hiện ra những sai phạm trong doanh nghiệp mình nên chẳng doanh nghiệp nào dám nợ người làm công đến một xu tiền lương.  

Một cảnh công nhân Trung Quốc đi đòi lương mà phải quỳ lạy như ăn xin
Một cảnh công nhân Trung Quốc đi đòi lương mà phải quỳ lạy như ăn xin

Cảnh sát “kiêm nhiệm” đòi nợ thuê

Thành phố Thẩm Dương có tới hơn 1,35 triệu công nhân từ các nơi khác đến làm việc, trong đó riêng lĩnh vực xây dựng đã chiếm hơn 300 ngàn người. Những năm gần đây tình trạng xâm hại quyền lợi của công nhân hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là vấn đề chủ doanh nghiệp cố ý nợ lương.

Thông thường vấn đề này sẽ do công đoàn hoặc các tổ chức công ích xã hội đứng ra bảo vệ cho công nhân, nhưng do thiếu tính ràng buộc và biện pháp ngăn chặn đối với doanh nghiệp, cá nhân nợ lương nên các tổ chức này không phát huy nhiều tác dụng. Về phía người lao động, nếu theo đuổi kiện tụng thì phức tạp và không hiệu quả nên đa số họ khi bị nợ lương thì chỉ còn cách “ôm mặt kêu trời”.

Nhận thấy sự khó khăn của công nhân là những người ở vào thế yếu, hơn nữa nếu để tình trạng kéo dài rất có thể những vụ tụ tập đòi lương vốn dĩ là tranh chấp dân sự có thể sẽ chuyển biến sang chiều hướng xung đột xã hội, gây bất ổn nên từ năm 2010 Sở công an thành phố này đã cam kết đứng ra giải quyết những vụ việc dạng này. Sở này công bố số điện thoại của giám đốc sở, trưởng công an các quận huyện, các đồn cũng như các công an viên phụ trách để công nhân có thể “tố cáo” 24h/24h.

Người đại diện sở công an tuyên bố rõ ràng: “Cứ bị công nhân tố cáo là chúng tôi sẽ vào cuộc, mở rộng điều tra toàn bộ các hoạt động của doanh nghiệp đó. Nếu không muốn gặp rắc rối thì các anh đừng có nợ lương”.

Tính từ năm 2010 là thời điểm bắt đầu đứng ra “đòi nợ” cho công nhân, đến cuối năm 2011 công an thành phố này đã xử lí được 543 vụ việc, đòi được cho hơn 25 ngàn công nhân số tiền lương hơn 400 triệu Nhân dân tệ (NDT, khoảng 1400 tỷ VNĐ). Quy định này có hiệu quả đến mức những công nhân ở thành phố này đã có câu cửa miệng “Muốn lấy tiền lương thì gọi 110” (số điện thoại chuyên trách của cảnh sát - PV).

Không để người yếu thế mất niềm tin vào pháp luật

Trước khi quy định này được đưa vào áp dụng, cảnh sát thành phố này từng gặp không ít luồng thông tin phản biện cho rằng làm như vậy thì cảnh sát vừa không hoạt động đúng chức năng, lại còn bị mang tiếng là “đòi nợ thuê”.

Thế nhưng người đứng đầu ngành cảnh sát của thành phố, ông Hứa Văn Hữu kiêm nhiệm Phó Chủ tịch thành phố lại có lý lẽ của riêng mình: “Thành phố này phát triển không ngừng nhờ sự đóng góp không nhỏ của 1,3 triệu công nhân, đa phần họ đều là trụ cột kinh tế trong gia đình. Nếu bị nợ lương thì họ không thể nuôi sống được gia đình, hơn nữa còn làm họ mất đi niềm tin vào chính quyền và pháp luật nên chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc. Không thể để xảy ra cảnh những công nhân sau khi phải đổ mồ hôi lại phải đổ thêm nước mắt”.

Trước khi đưa ra quy định này, cảnh sát thành phố đã mở một cuộc điều tra và kết quả cho thấy tình trạng nợ lương thường tập trung ở một số hình thức sau: Có doanh nghiệp biết rõ mình không có khả năng chi trả nhưng vẫn thuê công nhân, sau đó khi công trình còn đang dở dang thì trốn mất; có doanh nghiệp chiếm dụng lương của công nhân để lấy tiền làm việc khác; có doanh nghiệp có khả năng chi trả nhưng cố ý dây dưa; thậm chí có doanh nghiệp còn “chầy bửa” đến mức quan niệm trâng tráo “công trình không có lãi nên tiền lương của công nhân chính là tiền lãi”... Chính vì thực trạng công nhân bị chèn ép quá mức như thế mà cảnh sát đã vào cuộc.

Thời gian đầu áp dụng quy định này, cảnh sát Thẩm Dương xử lý vụ việc theo quy trình như sau: Khi nhận được trình báo của công nhân, trước hết cảnh sát sẽ hòa giải hai bên; nếu các “ông chủ” từ chối hòa giải hoặc không thực hiện đúng theo như kết quả hòa giải thì cảnh sát sẽ mở cuộc điều tra về doanh nghiệp, “soi mói” đơn vị đó về các hành vi chiếm dụng vốn, không chấp hành phán quyết hoặc quyết định trọng tài; nếu trong quá trình điều tra nhận thấy doanh nghiệp còn có hành vi vi phạm khác như khai báo vốn không thành thực, gian lận đầu tư, rút tẩu tán vốn, trốn thuế… thì “tội chồng thêm tội”.

Cũng theo quy định của Sở cảnh sát thành phố này, với những vụ số lượng công nhân bị nợ lương từ 10 người sẽ được gộp chung thành một vụ việc và áp dụng trình tự đơn giản, hạn chế thời gian để sớm có “đáp án” cho người lao động; những vụ nợ lương với tổng số tiền hơn 10 ngàn NDT được coi là “nợ lương ác ý”.

Cảnh sát “thừa thắng xông lên”

Không rõ quy định “phá rào” nêu trên của cảnh sát Thẩm Dương có phải là một tiền lệ tốt hay không nhưng gần một năm sau khi quy định này được thử nghiệm và bước đầu đạt hiệu quả, Trung Quốc đã sửa luật từ tháng 5/2011, quy định hành vi cố ý nợ lương là tội danh hình sự.

“Thừa thắng xông lên”, cảnh sát thành phố này còn mở rộng hoạt động “đòi nợ thuê” cho công nhân bằng cách “Đồng thời với việc đứng ra thụ lí giải quyết các vụ nợ lương, chúng tôi còn cung cấp dịch vụ điện thoại tư vấn pháp luật 24/24h, giải đáp miễn phí tất cả những khúc mắc của công nhân về vấn đề tiền lương” như lời Giám đốc Sở cảnh sát thành phố này cho hay.

Chưa hết, do nhận thấy trình độ học thức của các công nhân còn chưa cao, ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình còn thấp và các kênh để phản ánh tâm tư nguyện vọng, trình báo còn ít nên cảnh sát Thẩm Dương đã xây dựng kênh liên lạc trực tiếp từ các công trường với cảnh sát, chọn ra một đến hai người ở công trường hoặc nơi cư trú tập trung của công nhân làm người đại diện, nếu có vấn đề gì lập tức thông báo với cảnh sát để kịp thời nắm bắt khó khăn, tìm hướng giải quyết.

Chủ nhiệm văn phòng bảo vệ quyền lợi công nhân của thành phố này dù “bị” cảnh sát “lấn sân” nhưng vẫn hồ hởi nhận xét: “Có công an can thiệp, công nhân từ nay có chỗ dựa vững chắc nên không còn nơm nớp lo sợ làm mà không có lương nữa, chúng tôi cũng mừng cho họ”.

Vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng nhiệm vụ của cảnh sát là trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự chứ không nên phân tán lực lượng vào những công việc “trái ngành” khác, nhưng với lý lẽ và thực tế nêu trên, người ta không thể phủ nhận hiệu quả của quy định “phá cách” táo bạo này.

Vì sao doanh nghiệp sợ cảnh sát?

Theo người đứng đầu Sở cảnh sát Thẩm Dương, những doanh nghiệp chây ì tiền lương thường “không được trong sạch lắm” trong vấn đề tài chính. Qua kiểm tra thì công ty nào cũng có sai phạm: Từ khai báo khống vốn doanh nghiệp, trốn thuế, nợ thuế… nên mang tâm lý “sợ cảnh sát như sợ cọp”. Vị quan chức này khẳng định: “Khi chúng tôi kiểm tra thì không chỉ vấn đề nợ lương được đem ra xử lí mà việc kiểm tra còn có tác dụng chỉnh đốn các doanh nghiệp này làm ăn quy củ, nghiêm túc hơn”.

Duy Cường (tổng hợp)