Khi cha mẹ giật mình…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ cần gõ dòng chữ “học sinh tự tử vì áp lực” trên thanh tìm kiếm mạng xã hội sẽ có gần 800.000 kết quả được đưa ra trong chưa đầy 1 giây, khiến nhiều phụ huynh giật mình. Họ đâu biết đang vô tình đặt áp lực lên vai con trẻ bằng những kỳ vọng về điểm số, thành tích.
Cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng khiến trẻ bị áp lực.
Cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng khiến trẻ bị áp lực.

Phần lớn phụ huynh cho rằng “học thì có gì mà vất vả”

K là một học sinh lớp 9 với sức học trung bình ở các môn. Nguyện vọng của K là tiếp tục lên cấp 3 tại hệ thống trường dân lập mà em đang theo học từ mẫu giáo đến nay. Vào năm lớp 9, K đã nhiều lần bày tỏ với bố mẹ nguyện vọng đó và khi thấy bố mẹ im lặng, em tin tưởng rằng bố mẹ hiểu và ủng hộ mình. Nhưng điều K không ngờ tới là bố mẹ em muốn em đăng ký cấp 3 ở những ngôi trường tốp đầu của Hà Nội với lý do “cả đại gia đình làm giáo viên thì không thể có đứa con/cháu học dốt, học cấp 3 trường tư được. Sau 9 năm học là phải thi, học mà không thi thì học để làm gì (vì nếu K tiếp tục lên cấp 3 ở trường dân lập sẽ không phải tham gia kỳ thi vào lớp 10 - PV)”.

Quyết định như thế nên bố mẹ K đã đăng ký cho con vào một loạt các trường tốp đầu khiến em rất lo lắng, áp lực. Chỉ trong một tuần mà em gầy rộc đi vì lo khi biết sức học của mình không thể nào đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ. Còn giáo viên chủ nhiệm của em thì bất ngờ với quyết định của phụ huynh dù rằng trước đó, cô cũng đã dành nhiều thời gian trao đổi để phụ huynh hiểu về lực học của con nhằm giúp phụ huynh cân đối nguyện vọng cho phù hợp. Chứng kiến sự áp lực của học trò, giáo viên chủ nhiệm quyết định phải trao đổi với bố mẹ K lần nữa, dù rằng cô hoàn toàn có thể bị mang tiếng, thậm chí là bị phản ánh trên truyền thông là “bắt ép, định hướng cưỡng bức với phụ huynh và học sinh” như vài trường hợp trước đó đã xảy ra…

Năm nào cũng vậy, khi những kỳ thi chuyển cấp đến gần thì câu chuyện như của K lại diễn ra âm thầm trong các gia đình, các lớp học và các học sinh. Chỉ có phụ huynh, giáo viên và bản thân các em là người trong cuộc, nhưng tréo ngoe ở chỗ những người trong cuộc này đôi khi lại không đi cùng nhau trên một con đường về quan điểm. Chính vì thế nên mới có những vụ việc đau lòng xảy ra khi ngày 1/4 vừa qua nam sinh trường chuyên trèo qua ban công căn hộ ở tầng 28 rồi nhảy xuống, trước đó một ngày nữ sinh lớp 8 cũng đã treo cổ tự tử, để lại thư tuyệt mệnh rằng mình sắp đi xa vì áp lực học hành...

Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam, áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt Nam rối loạn về sức khỏe tâm thần. Hiện tượng những đứa trẻ bị trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc vì học đang có chiều hướng tăng.

Nhìn vào lịch học của nhiều học sinh từ cấp tiểu học tới THPT, nhiều người phải lắc đầu bởi bố mẹ đi làm 8 tiếng/ngày, nhưng con cái đi học nhiều hơn 8 tiếng/ngày. Mọi thứ từ ăn đến ngủ đều phải tranh thủ, bởi lịch học đang chờ những em học sinh này không chỉ có ở trường. Thế nhưng phần lớn phụ huynh lại cho rằng “học thì có gì mà vất vả, có mỗi việc ăn và học cũng làm không xong…”. Do đó, cũng không khó hiểu khi hiện nay trên mạng xã hội tồn tại một hội nhóm có tên: “Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử” với số lượng người tham gia lên đến con số vài chục nghìn.

Những bài đăng trong nhóm này thường mang tính tiêu cực, chia sẻ những áp lực hiện tại đang mắc và ý định kết thúc cuộc đời, phần lớn các em bày tỏ việc mình bị áp lực vì học hành điểm số và kỳ vọng của bố mẹ như tài khoản có tên Alma Trần chia sẻ: “Bố mẹ đang đặt nặng vấn đề về điểm số, em không thể nói chuyện được với họ vì cứ nói ra là bị chửi. Họ nói rằng học hành thì có gì mệt đâu, đi làm còn vất vả hơn nhiều lần…”.

Đừng giật mình khi đã quá muộn

Khi những sự việc đau lòng xảy ra, nhiều phụ huynh mới giật mình hối hận vì chưa kịp quan tâm sâu sắc hơn tới con em mình. Thế nhưng, điều đó đã thực sự quá muộn. Câu hỏi đặt ra là thay vì chữa bệnh, tại sao chúng ta không phòng bệnh? Và chúng ta cần phòng bệnh như thế nào?

Trao đổi với truyền thông trước hai sự việc đáng tiếc diễn ra vào đầu tháng 4 vừa qua, cô Nguyễn Hồng Nhung, giáo viên Trường THCS Marie Curie (Hà Nội) cho biết: “Từng nhiều năm làm chủ nhiệm lớp, có thời gian trò chuyện rất nhiều với học sinh, tôi cho rằng điều quan trọng nhất để giúp trẻ vị thành niên thoát khỏi tình trạng trầm cảm hoặc hành vi tự tử là cha mẹ lắng nghe con đúng cách. Cha mẹ nên trở thành người bạn của con, tiếp cận trẻ một cách nhẹ nhàng, bình đẳng. Tìm hiểu những vấn đề mà con gặp phải, cố gắng đứng dưới góc nhìn của con để suy xét, tìm hiểu cảm nhận của con. Thay vì áp đặt suy nghĩ của bản thân lên con, cha mẹ cần kiên nhẫn nghe con giãi bày, trao đổi ý kiến để con cảm thấy tâm tư, suy nghĩ của mình được tôn trọng thực sự. Khi ấy trẻ sẽ tin tưởng cha mẹ và dễ dàng tâm sự với cha mẹ hơn”.

Còn theo chia sẻ của PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương tại một hội thảo thì nguyên nhân điển hình của hầu hết các vụ tự sát học đường là phụ huynh và người thân trong gia đình coi nhẹ những tâm sự, băn khoăn, lo lắng của trẻ. “Từng có rất nhiều năm làm cố vấn tâm lý tại Tổng đài 1088 - “Nhịp cầu tư vấn” và cố vấn tâm lý cho đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em miễn phí “Phím số diệu kỳ - 1800 1567” - dịch vụ tư vấn và hỗ trợ trẻ em của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ, nay là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, tôi nhận thấy rằng, trẻ em trong xã hội hiện đại gặp rất nhiều vướng mắc về tâm lý. Nếu như người lớn không kịp thời nắm bắt thì sẽ gây hậu quả khôn lường. Ngay lúc này, chúng ta nên dừng phán xét, cần hành động ngay. Cha mẹ cần gần gũi con hơn, tạo mối gắn kết bền chặt hơn, không tạo áp lực cho con, không so sánh con với các bạn khác, phải lắng nghe, tôn trọng con. Đặc biệt, điều chúng ta đang thiếu nhất hiện nay chính là các lớp học tâm lý dành cho người lớn để cả phụ huynh, giáo viên kịp thời phát hiện ra vấn đề của những đứa trẻ xung quanh mình, nhờ đó kịp thời thể hiện sự quan tâm, tìm giải pháp điều trị tâm lý chuyên nghiệp, phù hợp” - PGS.TS Lê Thị Bích Hồng chia sẻ.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho rằng, nguyên nhân của những hành động dại dột của trẻ đó là do trẻ có bệnh trầm cảm, tâm thần từ lâu nhưng không được bố mẹ phát hiện kịp thời. Trước giờ người ta cứ coi bệnh tâm thần là một bệnh của kẻ điên nhưng thực ra bệnh tâm thần là đề cập đến một loạt các tình trạng sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ và hành vi của một người… Nhiều đứa trẻ bị trầm cảm bệnh tiến triển nặng nhưng không được bố mẹ đưa đi khám vì ngại ngần, xấu hổ. Nếu đi khám sớm bệnh viện sẽ xác định được tình trạng để có phương pháp điều trị thích hợp, có thể dùng thuốc hoặc điều trị tâm lý.

“Các phụ huynh cần phải biết chăm sóc đến sức khỏe tinh thần của con, đừng có nghĩ con cái khỏe mạnh là không phải lo. Nhiều khi con ngại giao tiếp, vác “mặt nạ” để cố tỏ ra bình thường nhưng về nhà bố mẹ cần quan tâm xem con cái có gì bất thường. Bây giờ thông tin đầy rẫy trên mạng, không có lí do gì mà cha mẹ không tìm hiểu được. Những triệu chứng của căn bệnh tâm thần như mất ngủ, mệt mỏi, bồn chồn, lo lắng, kết quả học tập giảm sút không phải do con kém thông minh mà do mất tập trung không thể học và hiểu bài. Những điều này cha mẹ cần phải quan tâm sát sao đến con cái” - Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu khuyên.

Đại học Harvard từng thực hiện một nghiên cứu kéo dài 75 năm được gọi là “Nghiên cứu yêu thương” bắt đầu từ năm 1938 và theo sát cuộc sống của 724 người tham gia. Cuối cùng, nghiên cứu kết luận rằng sự phát triển trí tuệ của trẻ ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường giáo dục gia đình. Theo đó, 4 kiểu gia đình sau có thể khiến trẻ học tập kém đi. Đó là: gia đình không chú ý thói quen sinh hoạt của trẻ; gia đình không rèn luyện khả năng làm việc nhà của trẻ; gia đình không giúp con nuôi dưỡng thói quen đọc sách; và gia đình không thể hiện tình yêu thương với con cái.

Cần biết rằng không phải vô cớ mà Đại học Harvard lại bỏ công thực hiện một nghiên cứu kéo dài tận 75 năm như vậy, bởi không riêng gì văn hóa Á Đông mà nhiều bậc cha mẹ trên thế giới cũng thường xuyên áp đặt con cái và không giỏi thể hiện tình yêu với con. Cha mẹ nghĩ rằng để con cái trở nên tốt hơn họ sẽ phải nghiêm khắc và “keo kiệt” với chính lời khen của mình. Thậm chí nhiều người còn nói ra những lời xúc phạm hy vọng trẻ “biết xấu hổ mà dũng cảm vươn lên”. Tuy nhiên, những gì họ làm chỉ là ngày càng nới rộng khoảng cách với con cái. Thậm chí có nhiều trẻ lầm tưởng cha mẹ chỉ quan tâm tới điểm số mà không màng tới suy nghĩ của chúng. Điều này rất dễ dẫn đến hậu quả khó lường.

Đọc thêm