Em Phạm Gia Khánh (học sinh lớp 9 vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên tại Hà Nội) chia sẻ, em đang thấp thỏm từng giờ để đợi điểm thi. Em sợ kết quả bài thi chuyên của mình sẽ không được như kỳ vọng của bố mẹ. "Sau khi nghe em kể đã làm sai 3 câu trong bài thi chuyên sáng nay thì mẹ em đã nói: "Ăn hại rồi con ơi. Bao nhiều tiền tao cho mày đi học thêm, bao công chăm bẵm mày giờ thì chắc bỏ đi hết". Em cảm thấy rất buồn, xấu hổ và vô cùng áp lực".
Nhiều bậc phụ huynh, chỉ vì kết quả thi cử của con cái không được như kỳ vọng đã không tiếc lời trách móc, chửi rủa, xúc phạm con mình và coi chúng là "đồ bỏ đi". Điều này gây nên những tổn thương tâm lý hết sức nặng nề đối với những đứa trẻ, khiến chúng cảm thấy bơ vơ trước cú ngã đầu đời.
Bố mẹ cần phải hiểu, tài sản lớn nhất của mình vẫn là con cái, phải chấp nhận con cái trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Ảnh minh họa
Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, kỳ vọng của bố mẹ là chính đáng, bố mẹ nào cũng có mong ước những điều tốt đẹp nhất đến với con. Nhưng cần phải hiểu, giữa kỳ vọng và năng lực của con là hai việc khác nhau, kỳ vọng nhưng phải phù hợp với năng lực, khả năng của con. Và đặc biệt, trong thời điểm con thi trượt, bố mẹ phải "kìm nén" kỳ vọng đó lại.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết, bản thân đứa trẻ khi thi trượt cũng rất đau buồn rồi. Lúc này, điều đầu tiên là bố mẹ nên làm là chia sẻ và không đòi hỏi gì ở con. Bởi vì, kể cả có đòi hỏi thì con cũng không thể làm lại được nữa. Bố mẹ nên hỏi con, xem kế hoạch tiếp theo của con là gì, ủng hộ, tạo điều kiện để con thực hiện kế hoạch đó.
Ngoài ra, bố mẹ cần bình tĩnh, cùng con rút kinh nghiệm từ thất bại. Việc chọn một trường phù hợp với con lúc này là bài toán quan trọng nhất. Động viên con tiếp tục học. Tiếp cho con một ý chí, nghị lực, để con sẽ làm tốt hơn lần sau.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, mọi chỉ trích, chì chiết, mắng mỏ đều không có tác dụng gì, mà chỉ làm đứa trẻ tổn thương, làm cho con nhụt chí và phẫn uất. Đặc biệt là việc so sánh con với "con nhà người ta" khiến đứa trẻ sẽ cảm thấy mình kém cỏi, là con người bỏ đi, không được coi trọng. Với những em có cá tính mạnh, giàu lòng tự trọng, các em sẽ phản ứng rất mạnh mẽ. Có em bỏ nhà đi, đi tìm việc khác, không cần bố mẹ. Với những em có tính cách yếu hơn, thì nỗi buồn sẽ giấu kín vào trong, dễ dẫn tới trầm cảm, và có những hành động dại dột, như tự tử...
"Bố mẹ không nên cho rằng, mình là bố mẹ thì có quyền làm bất cứ điều gì với con cũng được, trong đó có việc mắng chửi, chỉ trích con. Bố mẹ cần phải hiểu, tài sản lớn nhất của mình vẫn là con cái, phải chấp nhận con cái trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Nhất là trong hoàn cảnh gặp vấp ngã, thất bại thì hơn lúc nào hết, các con lại càng cần tới điểm tựa là bố mẹ, gia đình", TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Để tránh gây ra những tổn thương tâm lý cho con nếu chẳng may con cái thi trượt, BS. Lê Thị Thanh Thu (Trưởng khoa Bán cấp tính nam, BV Tâm thần TW 1) khuyên phụ huynh nên cố gắng kiềm chế cơn tức giận. "Ai chẳng muốn con thi đỗ vào những trường công, những trường có chất lượng cao. Thế nhưng, nếu sức con có hạn thì tốt nhất phụ huynh nên chuẩn bị cho con những phương án dự phòng. Chính điều này cũng là chuẩn bị cho chính họ khỏi bị sốc.
Nếu con không đỗ nguyện vọng 1 thì sẽ có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Nếu không đỗ trường công thì có thể học trường tư. Điều đó có nghĩa là các con còn nhiều sự lựa chọn và phụ huynh hãy lựa chọn thứ phù hợp nhất với sức khỏe và khả năng của con mình chứ không nhất thiết phải vào một trường nào đó đã định sẵn.
Phụ huynh không nên quá kỳ vọng và áp lực rằng con mình phải đỗ trường đó thì nó mới có một tương lai tốt. Bố mẹ phải chính là người định hướng và động viên các con để chúng yên tâm rằng trượt cấp 3 hay trượt đại học không phải là bỏ đi".