Tràn lan những mặt hàng kém chất lượng
Mới gần đây nhất, hai KOL (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) đã bị bắt với tội lừa dối khách hàng. Được biết, hai KOL thực hiện nhiều phiên livestream trên mạng xã hội, quảng cáo về sản phẩm kẹo rau củ, khẳng định “công dụng” thần thánh của viên kẹo này.
Tuy nhiên, thực tế, khi các cơ quan chức năng vào điều tra, xác định bột rau dùng trong sản xuất không được thu mua từ các nông trại, mặc dù viên kẹo có hàm lượng bột rau dưới mức tiêu chuẩn (từ 0,61 đến 0,75%) nhưng công bố là 28%. Ngoài ra, kẹo rau củ còn có chất sorbitol chiếm tỷ lệ 35% thành phần cùng các chất phụ gia khác, đây là một chất tạo ngọt có công dụng ngang bằng với thuốc sổ và dễ gây ra một số phản ứng phụ đối với người tiêu dùng. Song, thành phần này không được công bố cho khách hàng biết. Thậm chí, trong những phiên live trực tiếp, những KOL này còn khẳng định viên kẹo phù hợp cho phụ nữ có thai và trẻ em trên 3 tuổi sử dụng.
Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Khoảng 61 triệu người dân tham gia mua sắm qua thương mại điện tử, đưa giá trị mua sắm trung bình của mỗi người dân đạt 300 USD/người/năm. Các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,... có mức hoạt động rất mạnh ở Việt Nam.
Với số lượng người trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x sử dụng mạng Internet lớn, các sàn thương mại điện tử trở thành “cửa hàng tiện lợi” online thường xuyên của nhiều gia đình. Các ông bố, bà mẹ trẻ sẵn sàng đặt đồ dùng thiết yếu của gia đình, thậm chí cả đồ ăn cho người lớn, trẻ con, người già thông qua các kênh bán hàng online.
Nắm được xu thế tiêu dùng của gia đình trẻ người Việt Nam, không ít KOL (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) đang trục lợi bằng cách bán hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật. Lấy ví dụ, để thu hút khách tiêu dùng, người bán sẽ có những buổi live trực tiếp, sôi động mà ở đó, họ sẵn sàng nói quá lên về công dụng, chức năng của các mặt hàng.
Việc bán hàng tưởng như “vô thưởng, vô phạt” có thể để lại nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, nếu như khách hàng không được biết cặn kẽ tác dụng, phản ứng của đồ ăn, đồ gia dụng mà họ mua trên những phiên livestream.
Người tiêu dùng cần phải tỉnh táo trước sức hấp dẫn trên các cửa hàng “ảo”
Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, kiểm định viên Đinh Thị Đoan Trang, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết: “Kiểm định hàng hóa trước khi kinh doanh là một quy trình quan trọng nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Một số mặt hàng như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị điện và điện tử, phương tiện giao thông,... cần phải kiểm định trước khi được phép lưu thông trên thị trường, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an ninh quốc gia và môi trường”.
Tuy nhiên, thực tế, việc bán hàng qua các phiên livestream rất khó để kiểm tra được nguồn gốc. Đa phần người bán chỉ tồn tại một góc nhỏ của một nơi nào đó nhưng không cung cấp địa chỉ thực hiện, nơi bán hàng mà chỉ giới thiệu về hàng hóa, phương thức giao dịch qua điện thoại, các dịch vụ giao nhận.
Trong khi đó, lực lượng quản lý thị trường không có cơ sở dữ liệu, công nghệ và hành lang pháp lý để xác định được lý lịch của đối tượng bán hàng bằng hình thức livestream qua nhận diện khuôn mặt để làm căn cứ thẩm tra, xác minh chính xác đối tượng, địa điểm kinh doanh để kiểm tra, xử lý nếu phát hiện có vi phạm. Bên cạnh đó, để có thể xác định được chính xác hàng hóa được bán qua livestream có phải là hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thì phải căn cứ hàng hóa kiểm tra thực tế thu giữ được và các quy định của pháp luật có liên quan thì mới kết luận được; nghĩa là phải xác định được nơi chứa trữ hàng hóa kinh doanh của các đối tượng này để kiểm tra, kết luận.
Mặc dù, hiện nay đã có rất nhiều cơ chế, chính sách bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng số. Ví dụ như, từ ngày 1/7/2024, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực thi hành, trong đó có nhiều điểm mới liên quan đến một số hành vi bị cấm, quy định bồi thường thiệt hại, phương thức giải quyết tranh chấp… nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên nền tảng số. Luật mới sẽ giải quyết được những tồn tại trong rất nhiều năm đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Nhưng bản thân người tiêu dùng cũng nên thận trọng trong việc mua bán, tin tưởng hoàn toàn vào các KOL, những kênh livestream bán hàng trên TikTok, Facebook,...
Thực tế, đây là những kênh truyền thông không có sự bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Các gia đình trẻ nên lựa chọn những sàn thương mại điện tử lớn có nhiều chính sách bảo vệ khách hàng như Shopee, Lazada, Amazon.