'Siết' quy định quản lý sao cho bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng không 'làm khó' doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm (ATTP) (dự thảo lần 2) đang được lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng doanh nghiệp (DN). Thông tin từ đóng góp dự thảo cho thấy, còn khá nhiều vấn đề DN băn khoăn, lo lắng…
Nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định 15 diễn ra hôm 5/3 tại Hà Nội. (Ảnh: Đ.T)
Nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định 15 diễn ra hôm 5/3 tại Hà Nội. (Ảnh: Đ.T)

Siết chặt quản lý để bảo đảm an toàn thực phẩm

Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức, ông Chu Quốc Thịnh - Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho hay, dự thảo Nghị định sửa đổi (lần 2) có khá nhiều điểm mới như: Phân cấp, phân quyền (phân cấp cho chính quyền địa phương nhiều thủ tục, giấy tờ quan trọng); Cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận lợi, an toàn, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, hiệu quả các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe… Bởi thực tế qua công tác thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện không ít hồ sơ bị làm giả, ảnh hưởng rất lớn tới những DN làm ăn chân chính và sức khỏe cộng đồng.

Về việc ghi tính năng, công dụng của sản phẩm: Quy định sản phẩm phải được ghi rõ ràng, tránh “thổi phồng” sự thật về sản phẩm. Thực tế, ông Thịnh phản ánh, có những sản phẩm ghi tới mấy chục công dụng nhưng không rõ ràng. Bên cạnh đó có sản phẩm nêu tới mười mấy thành phần dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe nhưng chỉ nêu bật được một vài thành phần chính, nhiều thành phần không biết tác dụng làm gì.

Ông Chu Quốc Thịnh cũng cho hay, dự thảo Nghị định sửa đổi xây dựng theo hướng tăng quyền cho DN, trong đó có việc tự công bố sản phẩm. Khi có sản phẩm mới, hoặc thay đổi thì phải công bố mới. “Tuy nhiên, việc công bố sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế hậu kiểm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Và việc xử phạt cũng rất nghiêm minh nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật về đảm bảo ATTP” - Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) thông tin.

Không “làm khó” doanh nghiệp

Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định, bà Phạm Thị Ngọc - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam kiến nghị: Đối với sản phẩm thực phẩm bổ sung nên để các khuyến cáo về dinh dưỡng và sức khỏe để người dân biết. Ngoài ra, theo bà Ngọc, nên bổ sung các sản phẩm tươi sống vào dự thảo Nghị định vì đây mới là nhóm sản phẩm dễ gây ngộ độc thực phẩm. Cùng với đó quy định quản lý lĩnh vực thương mại điện tử cũng cần thiết phải đưa vào dự thảo, nhằm xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm” tồn tại bấy lâu nay.

Tán thành quan điểm này, ông Nguyễn Đức Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Nutricare cho rằng, người dân Việt Nam 65% sống ở nông thôn, vì thế các thành phần dinh dưỡng phải ghi rõ trên sản phẩm cho họ biết, không nên cấm. DN nào quảng cáo sai, quá sự thật thì phải bị xử lý. Các thủ tục hành chính nên đơn giản hóa, tránh nhiêu khê, phiền phức cho DN.

Ông Nguyễn Văn Chinh - Đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch đề xuất khâu hậu kiểm là rất quan trọng đối với việc kiểm soát về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hậu kiểm phải có hệ thống, từ hồ sơ đến thực tế hoạt động như thế nào. Bởi thực tế có những DN làm giả sản phẩm nhưng họ lại làm hồ sơ rất tốt. Theo ông, việc hậu kiểm được đề cập trong dự thảo chủ yếu là hậu kiểm về hồ sơ (hậu kiểm về lời nói) chứ không đề cập đến việc kiểm tra thực tế (xem họ hành động) như thế nào?

Đại diện cho các DN lĩnh vực thủy hải sản, ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng, đối với hồ sơ tự công bố, nhiều mặt hàng thuộc nhóm thủy hải sản cũng được chọn quy chiếu trong tự công bố. Trong khi đó, các sản phẩm này không liên quan nhiều đến ATTP. Và việc định lượng chất lượng, hàm lượng, các hóa chất, mối nguy vật lý… sẽ tạo áp lực, gây khó khăn rất lớn đối với DN. Và theo ông, Dự thảo Nghị định mới chỉ hướng đến các đối tượng sản phẩm bao gói sẵn, “bỏ qua” các nhóm thực phẩm vốn là mối nguy của các vụ ngộ độc thực phẩm lớn như thức ăn đường phố, thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

“Luật ATTP chỉ là điều kiện cần. Ở nhiều nước, họ không cần công bố sản phẩm, thực tế họ làm ra sao mới là quan trọng. Khi đã tuân thủ Luật, họ sẽ tự làm mọi việc sao cho chuẩn, kể cả công bố sản phẩm. Cùng với đó, dự thảo Nghị định nên bổ sung, yêu cầu các cơ sở nhỏ lẻ, thương lái… phải đăng ký kinh doanh, ghi chép các khâu mua bán, vận chuyển nguyên liệu, bán ra ra sao để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm… Thực tế, có DN có đăng ký kinh doanh đầy đủ nhưng họ vẫn ra chợ đầu mối, chợ lẻ mua hàng về đóng gói bán”, ông Nguyễn Văn Chinh phản ánh.

Đọc thêm