Khi đàn ông chung tay vì bình đẳng giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tháng 11/2021, Diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững (VNMENNET) do PGS.TS Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu làm Chủ tịch với những mong muốn góp phần chung tay vì sự bình đẳng cho cả nam và nữ, đã đưa ra những góc nhìn mới về bình đẳng giới, thúc đẩy hình mẫu nam giới tích cực…
Một số thành viên trong nhóm Làm cha là thế.
Một số thành viên trong nhóm Làm cha là thế.

Không chấp nhận phụ nữ bị bạo hành

Ngày 24/11 vừa qua, sự kiện Diễn đàn thường niên nhân ngày quốc tế nam giới 19/11 đã được được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 50 đại biểu có mặt tại sự kiện.

Diễn đàn năm nay lấy chủ đề của Tháng hành động là: Đồng hành cùng nam giới và trẻ em trai trong việc giảm thiểu áp lực liên quan đến vai trò giới truyền thống. Qua Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi và cùng tìm giải pháp huy động nam giới trong các nỗ lực gỡ bỏ các vai trò giới truyền thống, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới.

Qua sự kiện, Ban điều hành VNMENNET cũng báo cáo và đánh giá một năm hoạt động của Diễn đàn Kết nối Nam giới vì Bình đẳng giới và Phát triển bền vững (từ 19/11/2021 đến 19/11/2022); đồng thời định hướng và xây dựng kế hoạch hoạt động cho Diễn đàn trong năm 2023.

Tiến sĩ Trần Kiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết: “Với sự tham gia tích cực của nam giới, phụ nữ và các giới khác, tôi tin tưởng rằng tiến trình đạt được các mục tiêu bình đẳng giới trong chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam sẽ được đẩy nhanh. Bởi vì thúc đẩy bình đẳng giới là công việc của tất cả mọi người và vì lợi ích của tất cả chúng ta”.

Theo ông Trần Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), VNMENNET trong năm qua các hoạt động của các cá nhân, tổ chức là thành viên Diễn đàn đã diễn ra hết sức tích cực và hiệu quả tại cả ba miền của Tổ quốc.

Tại Diễn đàn, các cá nhân tích cực nhất, các nhóm hoạt động nam giới tiên phong đã giới thiệu các hoạt động, dự án điển hình và các phong trào tiêu biểu như: CLB nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Đà Nẵng, Hội Người khuyết tật thị xã Sơn Tây, Chiến dịch Hôn nhân không khuôn mẫu của ISEE, Làm cha là thế, Vượt lên chính mình của vận động viên khuyết tật quốc gia Lê Văn Công: Nhà vô địch của nỗ lực và lòng nhân ái.

Diễn đàn cũng đã kết nối và giới thiệu các dự án, hoạt động mạnh mẽ, truyền cảm hứng của các tổ chức, cá nhân trong nước khác như Tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam (VOGE), Phong trào Bình đẳng giới tại Việt Nam (VGEM); giới thiệu một số dịch phẩm kinh điển về chủ đề giới, bình đẳng giới của dịch giả Nguyễn Thị Minh để cùng nhau chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và thực thi các giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, góp phần vào sự phát triển bền vững ở Việt Nam.

Có mặt tại sự kiện, ông Hồ Phú Thanh, Chủ tịch CLB Nam giới Tiên phong, Đà Nẵng chia sẻ, Hòa Bắc là xã miền núi Hòa Vang. Đối tượng CLB quan tâm là phụ nữ và trẻ em ở hai thôn miền núi, trình độ dân trí chưa cao. Ban đầu thành lập, CLB có 30 người tham gia, xây dựng vở kịch, tấu hài, xác định thành phần yếu thế cần được quan tâm. Những vấn đề về kinh tế tinh thần, đàn ông cũng bị bạo lực khi vợ càm ràm tiền nong. Ông Thanh nhận thấy, trong gia đình có đàn ông rụt rè sẽ bị bạo lực rất nhiều. Còn với phụ nữ, đáng nói là phụ nữ có đứng lên tố cáo bạo lực hay không? Phụ nữ vì giỏi chịu đựng, thương chồng mà không tố cáo.

“Thế nhưng, vừa qua chúng tôi cương quyết đưa người chồng say xỉn bạo lực đi cải tạo để làm bài học cho người khác. Sáng 23/11 có sự tham gia của CLB Nam giới Tiên phong và CLB Nam giới cộng đồng đã chia sẻ những vấn đề hướng tới giải quyết xây dựng thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em. Chúng ta những người đàn ông, cần là những người đàn ông đích thực”, ông Thanh cho biết.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Chủ tịch Hội VNMENNET.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Chủ tịch Hội VNMENNET.

Làm sao để chúng ta hạnh phúc hơn?

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhóm Làm cha là thế, trên hành trình đó các anh cũng bắt gặp nhiều câu hỏi. Chẳng hạn, tại sao khi con hư thì ngay lập tức người nghe sẽ quay sang nhìn mẹ đứa trẻ. Tại sao lại phải nín nhịn vợ như thế, sao phải khiên cưỡng làm những việc nhà vì đàn ông phải thế này, thế kia…

TS Nguyễn Công Định, Giảng viên ĐH GTVT chia sẻ: Tại một hội thảo, khi chuyên gia giới thiệu về ý tưởng thành lập CLB làm cha phải thế, ngay lập tức một nghệ sỹ nổi tiếng đứng lên bày tỏ: “Đừng ai bảo tôi làm cha như thế nào. Tôi làm cha theo kiểu của tôi!”… Theo anh Định, đó là quan điểm của đa số đàn ông, luôn cho rằng cái tôi của người đàn ông là “chuẩn mực”. Nhưng với anh, thời gian đó, sau một thời gian đi học nước ngoài về, anh rất băn khoăn với cách nuôi dạy con, bởi anh thấy con đã rất khác. Anh tham gia một số CLB thì thấy rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến việc làm sao để làm chồng, làm cha tốt hơn? Và chúng tôi luôn hạ cái tôi của người đàn ông xuống, để cùng vợ chăm lo cho tổ ấm của mình.

Anh Kiên, thành viên của nhóm cũng chia sẻ: “Tôi thực sự bối rối, bởi từ ngày có con mới biết làm cha. Nó khác làm chồng, làm một chàng trai đi cưa cẩm các cô gái. Hồi đó, công việc tôi hay phải đi, vợ trầm cảm nên rất bối rối. Và tình cờ tham gia nhóm, từ đó anh em “dìu dắt” nhau trên hành trình làm cha. Hiện nhóm đã khá chuyên nghiệp, nhiều hoạt động thú vị dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia”…

Anh Trần Quốc Nam, Chủ tịch Hội Khuyết tật thị xã Sơn Tây, thành viên Ban Điều hành VNMENNET chia sẻ, anh có vinh dự được chọn đi viết nghị lực vươn lên của 47 chị em phụ nữ. Và thật tuyệt vời khi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tặng Bằng khen cho 47 chị em. Đồng thời các chị cũng được gặp Chủ tịch nước. Ngoài bài viết, anh có hai triển lãm ảnh về 47 tấm gương phụ nữ nghị lực với những thành tích thấm đẫm máu và nước mắt.

Cũng năm vừa qua, từ mạng lưới VNMENNET, anh Nam được Đài Truyền hình Hà Nội làm chương trình chân dung. Sau những kiến nghị của anh, Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên đã triển khai cho người khuyết tật vay vốn từ Ngân hang Chính sách…

Bà Trần Lê Quỳnh Mai - thành viên Ban Quản trị & Cố vấn của Tổ chức Bình đẳng giới VOGE bày tỏ: “Chủ đề của Diễn đàn khiến tôi đặt câu hỏi: Thực ra nam giới có cần giúp không? Họ kỳ vọng giống đàn ông truyền thống hay đan cài trong thiết chế phụ quyền? Họ cũng hay nói, ủng hộ phụ nữ thì ai cứu đàn ông? Nếu suốt ngày nói đàn ông, đàn bà ai khổ hơn ai sẽ không hiệu quả. Cách hướng tới là không đổ lỗi cho ai, để chúng ta cùng nhau xóa bỏ thiết chế gia trưởng, không có hệ quả của hệ tư tưởng gia trưởng là điều trước mắt nên hướng tới”.

Bà Trần Lê Quỳnh Mai - thành viên Ban Quản trị & Cố vấn của Tổ chức Bình đẳng giới VOGE bày tỏ: “Chủ đề của Diễn đàn khiến tôi đặt câu hỏi: Giúp đỡ đàn ông và nam giới, thực ra nam giới có cần giúp không? Họ kỳ vọng giống đàn ông truyền thống hay đan cài trong thiết chế phụ quyền? Họ cũng hay nói, ủng hộ phụ nữ thì ai cứu đàn ông? Nếu suốt ngày nói đàn ông, đàn bà ai khổ hơn ai sẽ không hiệu quả. Cách hướng tới là không đổ lỗi cho ai, để chúng ta cùng nhau xóa bỏ thiết chế gia trưởng, không có hệ quả của hệ tư tưởng gia trưởng là diều trước mắt nên hướng tới”.

Còn ông Lê Quang Bình, Giám đốc ECUE - hoạt động về Bình đẳng giới chia sẻ một góc nhìn khác về giới của mình: “Công ty hiện đang có tour du khảo Các nữ quyền Hà Nội do hai bạn nam dẫn. Một bạn là kiến trúc sư yêu HN, 1 bạn là hướng dẫn viên du lịch leo núi. Họ thấy dấu ấn nữ quyền cũng như quyền bình đẳng giới ở Việt Nam là vấn đề giới của tất cả mọi ngưới. Theo ông Bình, chúng ta đang sống trong những cái khuôn mà chúng ta cùng nhau xây dựng, cùng nhau theo. Vậy chúng ta có thể thoát ra để hạnh phúc hơn không? Khi chúng ta hiểu vấn đề giới và các khuôn mẫu mọi nơi, cách mà chúng tôi làm liêm quan đến đàn ông, đàn bà. Sự tham gia chúng ta ngộ ra rất nhiều hay ho để đàn ông, phụ nữ chúng ta cần làm gì để có cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn”?

Cùng với đó, bà Lê Thu Hà, Giám đốc truyền thông Trung tâm trẻ em và phát triển (CCD) cho rằng: “Hiện nay nhiều nam giới Việt Nam đã bắt đầu nhận ra rằng, để không bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh phát triển mới, họ cần phải tham gia nhiều hơn vào công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới cùng với phụ nữ, cùng chia sẻ những áp lực và cơ hội thành công trong cuộc sống. Tôi mong muốn nhiều nam giới hưởng ứng ý tưởng này để trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống, mỗi người đàn ông đều được đồng hành và sẻ chia với mẹ, với vợ, với con gái, với các chị em gái và các nữ đồng nghiệp nữ cũng như các bạn nữ của mình”...

Ra mắt của Trung tâm Tư vấn pháp luật và Nghiên cứu chính sách (CLAP) trực thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS).

Trung tâm ra mắt trong khuôn khổ Diễn đàn, hứa hẹn sẽ đáp ứng được nhu cầu cần hỗ trợ và tư vấn pháp lý thiết yếu của không chỉ các nhóm yếu thế trong cộng đồng mà còn cả các tổ chức trong và ngoài nước trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam. Diễn đàn đã thống nhất được một số phương hướng hoạt động trong năm tới, trong đó tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ pháp lý thiết yếu cho nam giới có khả năng cao gây ra bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; tổ chức các Trại hè thanh, thiếu niên về bình đẳng giới; cũng như các Talkshows nâng cao nhận thức về giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, giới thiệu các tác phẩm kinh điển và công trình nghiên cứu có tính ứng dụng về giới tại một số trường đại học/cao đẳng cũng như công chúng trong cả nước.

Các hoạt động của Diễn đàn sẽ tiếp tục được cập nhật trên website của Diễn đàn tại https://diendannamgioi.org.vn/ và Facebook fanpage VNMENNET. Ngoài ra, các hoạt động của Diễn đàn cũng sẽ được giới thiệu trên website www.isds.org.vn và fanpage: https://www.facebook.com/isdsvn.

Đọc thêm