Khi du lịch hài hòa cùng bảo tồn...

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Ninh Bình được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho hệ sinh thái đa dạng; động, thực vật phong phú cùng cảnh quan vô cùng thơ mộng. Nhiều khu du lịch sinh thái tại Ninh Bình đang ngày càng phát triển, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. (Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình)
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. (Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình)

“Vùng đất vàng” đa dạng sinh học

Ninh Bình không chỉ được biết đến là vùng đất cố đô, nơi khai sinh ra nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên tại Việt Nam, mà còn là địa phương có hệ sinh thái đa dạng, phong phú phân thành 5 hệ đặc trưng mang tính tiêu biểu về quần thể loài và quyết định tính đa dạng sinh học, tập trung tại các khu du lịch như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Khu rừng vùng di sản Tràng An, Vườn chim Thung Nham.

Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy bền vững giá trị mà các hệ sinh thái tiêu biểu mang lại.

Khu du lịch sinh thái Vườn chim Thung Nham là nơi cư ngụ của khoảng 46 loài chim với số lượng khoảng 50 nghìn cá thể. Trong đó, có số lượng không nhỏ các loài chim quý như phượng hoàng, hồng hạc… Nơi đây đang ngày càng thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp tự nhiên của nó. Đồng thời được chính quyền, chủ đầu tư chú trọng quan tâm để vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa bảo tồn đa dạng sinh học, để đàn chim ngày càng gia tăng về số lượng và chủng loại.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là một vùng đất ngập nước nội địa nguyên vẹn còn sót lại ở khu vực Đồng bằng sông Hồng. Hệ sinh thái thực vật tại nơi đây có 722 loài. Trong đó 687 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 451 chi, 144 họ và 35 loài thực vật thủy sinh. Đặc biệt, có 8 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam là kiêng, lát hoa, tuế lá rộng, cốt toái bổ, sắng bách bộ, mã tiền, hoa tán, sưa Bắc Bộ.

Hệ sinh thái động vật có 39 loài, 19 họ, 8 bộ thú, trong đó 12 loài động vật quý hiếm như voọc quần đùi trắng, gấu ngựa, sơn dương, khỉ mặt đỏ, báo hoa mai, báo gấm. Ếch nhái bò sát có 38 loài thuộc 16 họ, 3 bộ, 2 lớp. Trong đó có 9 loài bò sát được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam vẫn có ở Vân Long như rắn hổ chúa, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn ráo trâu, rắn sọc đầu đỏ…

Ngoài ra, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long còn là nơi loài voọc mông trắng tập trung đông nhất tại Việt Nam và có thể dễ dàng quan sát ngoài tự nhiên. Đây là nơi sở hữu 2 kỷ lục Việt Nam là "Khu bảo tồn có đàn voọc lớn nhất Việt Nam" và "Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - bức tranh núi mèo cào".

Với diện tích khoảng 2.900ha, Khu rừng văn hóa, lịch sử, môi trường Hoa Lư nằm trọn trong vùng di sản Quần thể danh thắng Tràng An. Đa dạng sinh học ở quần thể này thể hiện ở sự đa dạng về thành phần loài, đa dạng về nguồn gen, đặc biệt trong đó có nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm.

Về thực vật, đến nay, đã thống kê được tổng cộng 134 họ với 384 chi và 577 loài khác nhau. Trong số các loài thống kê được thì có tới 10 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam cần được bảo vệ và 7 loài lần đầu tiên ghi nhận cho hệ thực vật Việt Nam.

Các loài động vật ở Tràng An cũng vô cùng phong phú như động vật thủy sinh trong vùng ngập nước bao gồm 30 loài động vật nổi, 40 loài động vật đáy, đặc biệt ở Tràng An có loài rùa cổ sọc được coi là động vật quý hiếm cần được bảo vệ.

Tại Vườn Quốc gia Cúc Phương hiện có tới 2.234 loài thực vật bậc cao và rêu, 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2.000 loài côn trùng, 135 loài thú, 336 loài chim cư trú. Trong đó có nhiều loài được ghi vào Sách Đỏ, đây là điểm đến hấp dẫn cho những người yêu thiên nhiên.

Với những tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng nói trên, có thể nói Ninh Bình như một “vùng đất vàng” về đa dạng sinh học, cần được bảo tồn và phát triển.

Bảo tồn để phát triển bền vững

Vườn Quốc gia Cúc Phương. (Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình)

Vườn Quốc gia Cúc Phương. (Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình)

Trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định liên quan tới công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Ngay sau khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới, UBND tỉnh Ninh Bình đã kịp thời ban hành các văn bản pháp lý về quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

Hệ thống các chính sách ban hành đã xác định toàn diện về tầm nhìn, nguyên tắc, định hướng cơ bản, các quy định và trách nhiệm cụ thể trong việc quản lý và bảo vệ di sản; giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và phát triển du lịch nói riêng, có giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề phát sinh. Do đó, việc gắn hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, làm thay đổi diện mạo nhiều khu du lịch, thu hút hàng triệu du khách.

Vườn chim Thung Nham trước đây là một vùng sình lầy, không có đường, không có điện, gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Lối vào duy nhất là đi thuyền qua Hang Bụt. Tiền thân là phát triển kinh tế nông trang với tên gọi: Khu Kinh tế trang trại tổng hợp Thung Nham, đến nay đã trở thành mô hình du lịch sinh thái với hệ thống các điểm tham quan khám phá thiên nhiên, khu ẩm thực và khu nghỉ dưỡng. Đường vào đã được đổ bê tông, có cột phát sóng viễn thông riêng, công suất 1 ngày có thể đón và phục vụ tới hàng chục nghìn khách du lịch…

Ông Phạm Công Chất - Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại và Du lịch Doanh Sinh cho biết: “Việc bảo vệ vườn chim để khai thác du lịch vẫn là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Vì vậy, Công ty mong muốn, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác quản lý ở các vùng đệm, có biện pháp bảo vệ rừng hữu hiệu, kịp thời ngăn chặn các hành vi khai thác rừng, săn bắt động vật trái phép. Vườn chim có bảo vệ trực và camera giám sát 24/7, trong vườn chim có quy định không được làm ồn để bảo đảm sự yên tĩnh cho môi trường sống của chim”.

Tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ban Quản lý cũng rất chú trọng việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương Nguyễn Văn Chính cho biết, Cúc Phương đã tổ chức nhiều chương trình du lịch gắn với các hoạt động thực tiễn nhằm bảo tồn thiên nhiên hoang dã, điển hình như: Hành trình hồi sinh (cộng đồng, du khách có tình yêu thiên nhiên tham gia cùng với Vườn trong nỗ lực cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm nguy cấp); Chương trình “Học tập trải nghiệm 01 ngày dành cho học sinh vùng đệm và các địa phương giáp ranh với Vườn Quốc gia Cúc Phương”, các chương trình “Tình nguyện”, tour “Về nhà”… và rất nhiều hoạt động trải nghiệm khác cho du khách tham gia.

“Tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng ngày càng rõ rệt. Ninh Bình thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, khu vực được xác định bị chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và các yếu tố thời tiết bất lợi như bão, lũ lụt, hạn hán… Đây là một thách thức đòi hỏi trong quá trình quy hoạch, đầu tư các công trình du lịch (đặc biệt là vùng ven biển và vùng núi) cần được tính toán kỹ. Bên cạnh đó, hiện tượng ô nhiễm môi trường, xuống cấp giá trị tài nguyên. Nước thải sinh hoạt của du khách, khí thải từ các cơ sở dịch vụ du lịch, phương tiện vận chuyển du lịch… đã gây ra những áp lực lên môi trường. Quá trình hoạt động du lịch ồ ạt, thiếu kiểm soát ở nhiều nơi đã và đang gây không ít những tác động tiêu cực tới tài nguyên du lịch của tỉnh... Tình trạng gia tăng các trường hợp vi phạm về sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, kinh doanh lưu trú trong vùng lõi di sản gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường sinh thái cũng đang là vấn đề nhức nhối cần phải xử lý triệt để”, ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết.

Có thể nói, để phát triển du lịch sinh thái gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Ninh Bình cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, hoàn thiện các chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học cho các đối tượng tham gia hoạt động du lịch và giám sát chặt chẽ việc thực hiện; tăng cường công tác giáo dục bảo tồn, nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị của đa dạng sinh học; mở rộng phát triển du lịch ra vùng đệm của các vườn quốc gia và khu bảo tồn nhằm giảm tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học vùng lõi. Để các khu du lịch sinh thái thu hút đông đảo hơn nữa du khách, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Đọc thêm