Khi F1, F0 cách ly tại nhà: Từ sợ đến… “chung sống”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Được sự chấp thuận của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt về phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh thí điểm cách ly, điều trị những trường hợp F0, F1 tại nhà. Mặc dù hoàn toàn mới mẻ với Việt Nam, nhưng là điều mà nhiều chuyên gia y tế đã đề cập…
Khi F1, F0 cách ly tại nhà: Từ sợ đến… “chung sống”

F1, F0 cách ly tại nhà sao?

Theo quy định của thành phố Hồ Chí Minh, đối với trường hợp F1 ở vùng nguy cơ rất cao không đủ điều kiện theo tiêu chí của Bộ Y tế để cách ly tại nhà (có ca F0 tại nhà ở vùng lõi của ổ dịch như khu nhà trọ, khu dân cư nghèo, khu ký túc xá...) thì chuyển cách ly tập trung, xét nghiệm RT-PCR ngày 7 thay vì ngày 14 như trước đây, nếu âm tính xem xét chuyển về cách ly tại nơi lưu trú. Thành phố giao y tế địa phương theo dõi như trường hợp F1 cách ly tại nhà nêu trên.

Về triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng, thành phố cho thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1, tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định. Các trường hợp F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc, tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.

Ngoài ra, văn bản nêu rõ, đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), thành phố áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, toàn bộ thành viên trong nhà, gia đình không được phép đi ra ngoài, người F1 phải hạn chế tiếp xúc, bố trí khu vực phòng riêng cho người F1 nếu có thể, bố trí các đồ dùng cá nhân riêng, ăn riêng, thùng đựng rác riêng, vệ sinh khử khuẩn khu vực vệ sinh chung sau mỗi lần người F1 sử dụng.

Sở Y tế yêu cầu tổ chức quản lý, giám sát thực hiện nghiêm việc cách ly y tế tại nhà; giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm để xử lý theo quy định.

Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư, nếu có ca F0 tại nhà thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Trường hợp có đông người F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa như khu nhà trọ, khu ký túc xá, khu dân cư... thì áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung đối với khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét giảm bớt mật độ bằng cách ra các khu cách ly tập trung…

Sẽ không lo người dân… trốn?

Theo PGS.TS Vũ Minh Phúc, nữ bác sỹ trong tâm dịch TP HCM, có thể cải thiện tình trạng bối rối những ngày đầu dịch bùng phát. Bác sỹ Phúc cho biết, mỗi ngày có 2.500 - 3.000 người đến Bệnh viện Quân y 175 (quận Gò Vấp, TP HCM) làm xét nghiệm test nhanh và lấy mẫu RT-PCR để được cấp giấy thông hành đi lại. Tinh thần của người dân hết sức căng thẳng. Người F0 lo bệnh trở nặng, bị cách ly thì con cái, cha mẹ ai lo, chưa kể trẻ con đi cách ly thì gia đình đứng ngồi không yên. Người F1 lo vào cách ly bị lây nhiễm chéo, hồi hộp từng ngày sợ thành F0. F2, rồi F3, F4 ai ai cũng lo theo dõi tình hình những người mình tiếp xúc.

Bác sỹ Phúc bày tỏ: “Là bác sĩ, tôi được học và dạy cho sinh viên về tính chuyên nghiệp, cách đối xử và tôn trọng người bệnh, là thấu cảm và thông cảm với người bệnh, làm an tâm người bệnh, bảo mật cho người bệnh. Vậy đối với cộng đồng thì y tế dự phòng cũng phải làm như vậy phải không? Gần đây đã có tiến bộ là không còn đăng tên tuổi người bệnh cùng lịch trình của họ trên các phương tiện truyền thông, nhưng cũng còn nhiều điều cần cải thiện.

Đích đến là đưa tần suất mắc bệnh về bằng 0 chăng, một điều không khả thi. Đích đến là sống chung an toàn với con virus chăng, đó là điều thế giới hướng tới, nhưng để làm điều đó, cần kế hoạch cụ thể từng bước với những mốc thời gian rõ ràng như thế nào, nhân viên y tế không biết rõ.

Với mong muốn trở về cuộc sống bình thường và góp phần cải thiện công tác chống dịch của thành phố và cả nước, tôi nghĩ nên có những cải cách sau: Về công tác tổ chức, thành phố nên phân công theo chiều dọc từ Sở Y tế xuống tới các quận, huyện, thành lập các nhóm chuyên trách: Nhóm phụ trách F0 (đã phát hiện và chưa phát hiện), nhóm phụ trách F1, nhóm phụ trách chủng ngừa, nhóm phụ trách xét nghiệm, nhóm làm công tác tuyên truyền, vận động, nhóm làm công tác hỗ trợ trật tự an ninh. Đừng sợ người dân khi phát hiện bệnh trốn tránh gây lây lan, họ chỉ trốn khi bị bắt vào cách ly. Nếu họ biết sẽ được theo dõi, chăm sóc tốt, hỗ trợ tốt tại nhà thì chắc chắn sẽ không trốn tránh và tự cách ly bảo vệ người thân, đó là tâm lý người bệnh.

Cần phổ biến riêng cho từng đối tượng bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân nặng, F1, F2, rồi hướng dẫn người dân kiến thức về bệnh như cơ chế gây bệnh của virus, diễn tiến và biến chứng của bệnh để người dân bớt lo lắng, biết cách tự bảo vệ mình và người thân, cách tự chăm sóc, theo dõi mình khi mắc bệnh.

Xin hãy đối xử với những người bệnh một cách văn minh nhất có thể, xin đừng hú còi, loa phóng thanh, hãy bảo mật cho người bệnh và cư xử nhẹ nhàng nhất có thể. Hãy nhờ các chuyên gia tâm lý cố vấn để làm cách nào tốt nhất cho người bệnh và gia đình để họ đừng bị mang mặc cảm tội lỗi và hàng xóm xa lánh”.

Và nỗi sợ virus

Bác sỹ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội chia sẻ: “Tôi hỏi lý do chịu đựng những cơn đau, bệnh nhân kể, cô và chồng hình dung virus đang bò lổm ngổm khắp bệnh viện, sợ đến nỗi không dám đi khám. Một phụ nữ ngoài trung niên, tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh đã chịu đựng những cơn đau bụng, tự uống thuốc giảm đau và kháng sinh. Không chịu nổi, hơn tuần sau chị vào viện, tôi siêu âm thấy ruột thừa đã vỡ, những ổ áp-xe đầy mủ đang gặm nhấm thành bụng, gặm cả vào ống tiêu hóa, mạc treo và phần phụ. Ca phẫu thuật ruột thừa đáng ra chỉ phải nằm viện vài ngày nhưng đã trở nên quá phức tạp. Và như thế, COVID-19 đã tạo ra một trận dịch thứ cấp, đó là nỗi sợ virus, khiến nhiều người có bệnh liều lĩnh tự chữa và cố thủ trong nhà.

Hơn một năm diễn ra đại dịch COVID-19, tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi hoặc tin nhắn xin tư vấn từ bệnh nhân đau tim, đột quỵ, thậm chí đơn giản như viêm ruột thừa, nhưng họ lại “biến mất” ở bệnh viện vì cố thủ trong nhà. Những câu chuyện tương tự phụ nữ trên tôi gặp gần như mỗi ngày. Và trong số đó không ít trẻ con phải chịu đau đớn, thậm chí tử vong tại nhà do lần lữa không đến viện.

Biến thể Delta với 68% ca mắc không triệu chứng, nhiều ca F0 đang âm thầm lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng, đó chính là lý do tại sao TP HCM đã thực hiện giãn cách xã hội đủ bốn tuần, nhưng số ca nhiễm vẫn đang tăng.

Tôi sử dụng thuật toán thống kê ước tính hệ số lây nhiễm trong giãn cách xã hội, kết quả: TP HCM sẽ phải giãn cách xã hội hai đến ba tháng để có thể dập tắt hoàn toàn các chuỗi lây nhiễm cộng đồng. Các nhà khoa học dự báo, COVID--19 sẽ trở thành căn bệnh đặc hữu như các chủng cúm mùa, con người phải có kế hoạch sống chung với nó.

Một khi quần thể F1 bị trộn lẫn những ca bệnh chưa được phát hiện, sẽ có sự lây nhiễm tương đối lớn. Điều lo ngại nhất khi cách ly tại nhà là gia đình có người già, người có bệnh nền. Tỷ lệ mắc và tử vong do COVID--19 ở nhóm này là chính.

Lâu nay chúng ta thực hiện cách ly tập trung nhưng rõ ràng đã xuất hiện những bất cập, dù rất cố gắng. Nó không chỉ như TP HCM vừa mới đây mà trước đó đã xảy ra khi mỗi phòng cách ly có đến 1-2 chục người, nhà vệ sinh thì chung cho cả vài chục người tại các doanh trại quân đội, trường học mà ta biến lớp học thành buồng ở. Việc lây chéo từ đó sẽ rất dễ xảy ra nhanh, khó tránh khỏi. Nếu Việt Nam xây dựng và sớm công bố bộ tiêu chuẩn cách ly tại nhà, trong đó có tiêu chí: hộ gia đình gồm những người trẻ khoẻ, có phòng riêng biệt, kèm theo các tiêu chí khoa học khác, ta hoàn toàn có thể cách ly an toàn các F1. Tôi tin chắc, tỷ lệ lây nhiễm sẽ giảm, đồng thời giảm tải về người và chi phí cho hệ thống y tế quốc gia.

Dịch tễ học hiện đại đã và đang thay đổi rất nhiều. Sau hơn một năm rưỡi, loài người cũng hiểu biết hơn về virus. Cách ly tại nhà đúng quy tắc là sự thích nghi dựa trên sự hiểu biết. Nó có thể coi như một bước “tiến hóa” để sinh tồn”.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm