Khi hợp đồng… chất chồng rắc rối

(PLO) - Không phải đến khi tổng kết Bộ luật Dân sự 2005 tình trạng này mới được ghi nhận mà ngay trong suốt quá trình áp dụng các qui định về hợp đồng thời gian qua đã cho thấy những vướng mắc, sự lúng túng trong việc áp dụng pháp luật để tiến hành giao kết hợp đồng và giải quyết tranh chấp.

Bộ luật Dân sự điều chỉnh lại hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi là cần thiết để không có bất công trong thực hiện hợp đồng dân sự.
Bộ luật Dân sự điều chỉnh lại hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi là cần thiết để không có bất công trong thực hiện hợp đồng dân sự.
Trùng lặp nhưng không đồng bộ
Nguyên nhân chính là do sự trùng lặp, thiếu nhất quán và không đồng bộ của pháp luật hợp đồng, do cách hiểu khác nhau về quan hệ dân sự và hợp đồng dân sự, chưa giải quyết mối quan hệ giữa pháp luật hợp đồng với điều lệ, quy chế của doanh nghiệp, các điều kiện giao dịch mà các doanh nghiệp tự ban hành... đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc bảo đảm, bảo vệ quyền tự do hợp đồng của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác, nhất là trong điều kiện hội nhập với nhiều thông lệ, qui định quốc tế “xa lạ” với hệ thống pháp luật Việt Nam.
Những qui định chưa phù hợp với thực tiễn trong phần nghĩa vụ và hợp đồng của Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS) như qui định lãi quá hạn bằng lãi suất cơ bản, qui định này chưa phù hợp bởi lẽ lãi trong hạn cho phép vượt 150% lãi suất cơ bản, nhưng lãi quá hạn bằng lãi suất cơ bản dẫn đến hậu quả người vay cố tình không trả nợ đúng hạn để trả lãi suất thấp hơn lãi suất đi vay.
Đó chỉ là một trong rất nhiều những rắc rối nảy sinh trong thực tiễn đòi hỏi phải sửa đổi các qui định của pháp luật hợp đồng trong Dự thảo BLDS. Dựa trên nguyên tắc “tự do thỏa thuận, giao kết hợp đồng”, các chủ thể trong hợp đồng dân sự cần được pháp luật bảo vệ các giao kết hợp đồng được xác lập chính trên cơ sở của sự tự do thoả thuận. Điều này trông chờ hoàn toàn vào BLDS vì đây là bộ luật quan trọng nhất điều chỉnh toàn diện quan hệ dân sự. 
Do đó, đa số các chuyên gia về pháp luật dân sự đều mong muốn Bộ luật này sau khi được sửa đổi sẽ qui định rõ ràng, đầy đủ, khái quát cao những vấn đề chung về hợp đồng chứ không “sa đà” vào các loại hợp đồng chuyên ngành, chú ý các qui định phù  hợp thông lệ quốc tế để pháp luật hợp đồng của Việt Nam tương thích với pháp luật và tập quán thương mại quốc tế trên cơ sở “không xa rời thực tiễn Việt Nam”.
Trước khi được tiếp thu trên cơ sở những ý kiến đóng góp của đông đảo người dân, đến nay chế định hợp đồng trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) đang theo hướng quy định các điều khoản chung về hợp đồng, định hướng cho việc xây dựng các quy định về hợp đồng trong các luật khác có liên quan và đủ để áp dụng trong trường hợp các luật khác có liên quan thiếu quy định về hợp đồng. Ngoài ra, một số quy định mới phù hợp với thông lệ quốc tế, với thực tiễn nước ta đã được bổ sung, nhất là các quy định về điều kiện giao dịch chung, điều chỉnh hợp đồng khi có thay đổi hoàn cảnh, phụ lục hợp đồng, hủy bỏ và hậu quả của hủy bỏ hợp đồng,.... 
Chỉ quy định về những hợp đồng đại diện cho quan hệ pháp luật dân sự
Dự thảo Bộ luật thừa nhận về điều kiện giao dịch chung theo hướng đó là những quy định do bên đề nghị giao kết hợp đồng công bố áp dụng chung cho các bên tham gia hợp đồng; nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận toàn bộ quy định đã được bên đề nghị đưa ra. Nếu trong điều kiện giao dịch chung có quy định về miễn trách nhiệm của bên đưa ra điều kiện giao dịch chung, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi của bên kia thì quy định này không có hiệu lực. 
Dự thảo Bộ luật cũng cho phép trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi dẫn đến quyền, lợi ích của một trong các bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì cho phép các bên điều chỉnh hợp đồng theo những điều kiện được quy định; một bên chỉ có thể hủy bỏ hợp đồng nếu bên kia vi phạm nghiêm trọng hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật quy định khác.
Về các hợp đồng thông dụng, Dự thảo Bộ luật chỉ quy định về những hợp đồng mang tính đặc trưng và đại diện cho quan hệ pháp luật dân sự. So với BLDS năm 2005, Dự thảo Bộ luật không quy định về hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng bảo hiểm. Những hợp đồng này đã được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bảo hiểm; nhưng lại bổ sung một loại hợp đồng mới là hợp đồng hợp tác để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về hợp tác trong sản xuất, kinh doanh.
Đối với một số hợp đồng cơ bản như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản... thì Dự thảo Bộ luật bổ sung nhiều quy định để bảo đảm các quy định này có thể áp dụng cho các hợp đồng có liên quan và cũng bao quát được những dạng thức hợp đồng phái sinh, đặc thù có thể phát sinh trong tương lai.
Theo Dự thảo Bộ luật, tài sản được quy định tại Bộ luật này đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán. Trong trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản bán phải phù hợp với các quy định đó. Tài sản bán phải thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán tài sản đó.
Khi các bên không có thoả thuận, thỏa thuận không rõ ràng về chất lượng tài sản mua bán thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn đã được công bố theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề. Trong trường hợp không có các tiêu chuẩn này thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng và theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...;
Về vay tài sản, Dự thảo Bộ luật quy định theo hướng lãi suất trong hợp đồng vay do các bên thỏa thuận hoặc do luật định. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất thì lãi suất được xác định theo lãi suất luật định, nếu không có lãi suất luật định thì coi như hợp đồng vay không có lãi, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Về hợp đồng hợp tác, Dự thảo Bộ luật quy định, hợp đồng hợp tác là hợp đồng theo đó nhiều cá nhân từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thỏa thuận về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản và được công chứng hoặc chứng thực./.

Đọc thêm