Sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005: Không “bỏ rơi” hộ gia đình và tổ hợp tác

(PLO) - Rất nhiều định hướng đổi mới của Dự án BLDS sửa đổi được các thành viên Hội đồng Thẩm định tán thành với mong muốn làm cho các quan hệ dân sự ổn định và phát triển hơn, bảo vệ mạnh mẽ hơn quyền và lợi ích của các bên như quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm hình thức hợp đồng, về địa vị pháp lý của hộ gia đình và tổ hợp tác…
Hôm qua (8/7), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đã chủ trì cuộc họp Hội đồng Thẩm định Dự án Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi. 
Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền: Cần hạn chế tuyên bố hành vi pháp lý vô hiệu chỉ vì hình thức
Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền: Cần hạn chế tuyên bố
hành vi pháp lý vô hiệu chỉ vì hình thức
 
Điều chỉnh hộ gia đình và tổ hợp tác bằng các chế định khác
Dự thảo BLDS sửa đổi không quy định địa vị pháp lý của hộ gia đình và tổ hợp tác với tư cách là chủ thể độc lập của quan hệ pháp luật dân sự mà thay vào đó điều chỉnh bằng các chế định tương ứng. Cụ thể, điều chỉnh hộ gia đình bằng chế định sở hữu chung, đại diện và các quy định trong một số chế định khác có liên quan; điều chỉnh tổ hợp tác bằng chế định hợp đồng hợp tác.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ - Tổ trưởng Tổ biên tập phân tích, thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy hộ gia đình và tổ hợp tác không phải là pháp nhân mà chỉ là sự kết hợp của các cá nhân với nhau để cùng đóng góp tài sản, công sức trong thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh chung cũng như tham gia vào các quan hệ dân sự. 
Trong quan hệ với bên ngoài thì hộ gia đình và tổ hợp tác đều có người đại diện thay mặt các thành viên thực hiện hành vi pháp lý. Bên cạnh đó, việc xác định ai là thành viên của hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn, gây ách tắc trong giao dịch dân sự cũng như trong hoạt động xét xử của Tòa án.
Các quy định về địa vị pháp lý của hộ gia đình và tổ hợp tác như Dự thảo BLDS sửa đổi được đa số thành viên Hội đồng nhất trí. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hộ gia đình và tổ hợp tác là các chủ thể đã và đang tham gia giao lưu dân sự ở Việt Nam, BLDS cần tiếp tục ghi nhận các chủ thể này để tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể này hoạt động và để bảo đảm sự ổn định của các quan hệ dân sự có liên quan. 
Mặt khác, pháp luật về đất đai qua các thời kỳ và Luật Đất đai năm 2013 vừa có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7 vừa qua cũng vẫn quy định hộ gia đình là chủ thể của quan hệ giao đất, cho thuê đất.
Hạn chế tối đa hợp đồng vô hiệu vì hình thức
Ông Huệ cũng cho biết: Một trong những điểm mới của Dự thảo BLDS sửa đổi là quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức không còn cứng nhắc. Cụ thể, trong trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của hành vi pháp lý mà hình thức này không được tuân theo nhưng các chủ thể đã thực hiện xong hoặc đang thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình thì hành vi pháp lý vẫn có hiệu lực.
Theo lý giải của ông Huệ, quy định hiện hành tuyên vô hiệu tất cả giao dịch vi phạm về hình thức chưa thực sự đứng trên góc độ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch, đặc biệt đối với bên có thiện chí. Thực tế cho thấy, bên không thiện chí thường lạm dụng quy định hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ hình thức để bội ước, gây thiệt hại cho bên đối tác, làm mất ổn định trong quan hệ dân sự nói chung và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng. 
Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, giao dịch mặc dù có vi phạm về hình thức nhưng các bên đã thực hiện xong và không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người thứ ba nên việc tuyên bố giao dịch vô hiệu là không cần thiết, gây nhiều khó khăn, phiền toái, tốn kém không chỉ cho các bên mà còn cho xã hội nói chung.
Có thành viên Hội đồng kiến nghị nên tiếp tục kế thừa quy định của BLDS hiện hành, theo đó cần tuyên bố hành vi pháp lý là vô hiệu bất luận hành vi pháp lý đó đã được thực hiện hay chưa được thực hiện; được thực hiện xong hay chỉ thực hiện được một phần, nếu hết thời hạn được Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép mà các bên vẫn không tuân thủ hình thức của hành vi pháp lý đã được pháp luật quy định. Quy định như vậy vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật về hình thức giao dịch, vừa góp phần nâng cao trách nhiệm của các bên trong khi thực hiện các hành vi pháp lý của mình. 
Còn bà Nguyễn Hải An (TANDTC) lại đề xuất bổ sung, nếu hành vi pháp lý đang thực hiện, chưa gây ra bất kỳ hậu quả nào mà vi phạm về hình thức thì nên chăng cũng tuyên vô hiệu.
Tuy nhiên, nhiều thành viên Hội đồng và Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền tán thành với quy định của Dự thảo BLDS sửa đổi. Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh, việc hạn chế tuyên bố vô hiệu các giao dịch dân sự chỉ vì hình thức sẽ giúp các quan hệ dân sự ổn định và phát triển hơn, bảo vệ mạnh mẽ hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Chỉ quy định quyền nhân thân cơ bản
Nhằm cụ thể hóa quy định về tôn trọng, bảo vệ quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật, BLDS sửa đổi sẽ chú trọng những quy định về quyền nhân thân của cá nhân. Tuy nhiên, Dự thảo BLDS sửa đổi chỉ quy định một số quyền nhân thân cơ bản, mang tính đặc trưng của quan hệ dân sự như quyền về họ tên, dân tộc, hình ảnh; quyền bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật riêng tư, đời sống cá nhân… 
Còn các quyền nhân thân khác thì thực hiện theo nguyên tắc: “Ngoài các quyền nhân thân được quy định ở mục này, các quyền con người, quyền công dân khác về nhân thân trong lĩnh vực dân sự được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật này và luật khác có liên quan cũng đều được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.

Đọc thêm