Ai cũng muốn môn Sử được trọng thị
Theo đó, bắt đầu từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục trung học phổ thông (THPT) mới sẽ chính thức được triển khai. Các môn bắt buộc có trong chương trình giảng dạy là Văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động hướng nghiệp và nội dung trải nghiệm giáo dục địa phương.
Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc môn Lịch sử không nằm trong danh mục bắt buộc. Tuy nhiên, có hai luồng ý kiến: Một là, ủng hộ phương án Bộ GD-ĐT đưa ra: Lịch sử là môn lựa chọn; Luồng ý kiến thứ hai cho rằng Lịch sử là môn học rất quan trọng nên phải là môn học bắt buộc.
GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ góc nhìn sâu sắc của người trong cuộc về vấn đề này:
Năm 1941, khi Bác Hồ mới về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì tài liệu đầu tiên cho cán bộ, cũng là tài liệu đầu tiên để tuyên truyền giáo dục công dân là “Lịch sử nước ta” do Bác viết, mà câu chúng ta vẫn thường nhắc đến là “dân ta phải biết sử ta”.
Lịch sử là kiến thức giúp chúng ta nhận thức bản thân dân tộc mình, cái mạnh, cái yếu ở đâu, đồng thời nó cũng là một khí cụ để dung dưỡng ý thức dân tộc, lòng yêu nước, do đó về ý nghĩa quan trọng của nó chúng ta không cần phải bàn thêm nữa.
GS.TS Vũ Minh Giang bày tỏ: “Nhưng đứng trước thực trạng học sinh không thích Sử, sợ Sử thì tôi cảm thấy đau xót vô cùng. Có trường sau khi thi xong môn Sử, các em xé đề cương, vứt trắng xóa - hình ảnh đó đã được chiếu trên tivi - tôi xem xong mà mất ngủ. Rõ ràng chúng ta phải trăn trở làm thế nào môn Sử có đúng vị trí của nó.
Đến đây xuất hiện 2 luồng ý kiến: Một luồng khẳng định môn Sử rất quan trọng, bắt buộc phải học, bắt buộc phải thi. Tôi cho là quan điểm này cũng xuất phát từ cái tâm, muốn môn Sử được trọng thị. Thầy cô giáo dạy Sử cũng thế, muốn môn mình dạy là môn chính. Đây là đề cao môn Sử theo cách nhìn quan phương (nhìn theo góc độ quản lý, chính quyền).
Còn một quan điểm thứ hai là phải đổi mới căn bản chương trình giáo dục và đào tạo. Tôi đã từng phát biểu không chỉ một lần rằng môn Sử phải là đi đầu trong đổi mới. Phải “bắt mạch, kê đơn” tại sao học sinh không thích môn Sử. Đó là vì môn Sử mà chúng ta đang dạy có quá nhiều kiến thức để nhớ: địa danh, nhân danh, số liệu. Nếu chúng ta dạy theo cách tiếp cận nội dung, tức là dạy những cái cụ thể đó thì biết bao nhiêu thứ phải dạy. Và chương trình luôn quá tải, học sinh thì sợ vô cùng vì nhớ những con số đó là cực kỳ khó khăn. Do đó, chúng ta đã bị mắc ở nền giáo dục tiếp cận nội dung và Sử là môn học chịu hậu quả nặng nề nhất.
Thứ hai, chúng ta cũng phải nhận thấy từ trước tới nay việc giảng dạy môn Sử hơi thiếu khách quan, có tính chất áp đặt. Ví dụ có học sinh giỏi Sử đã từng đặt câu hỏi: “Chúng em học Sử thì thấy nhiều chiến thắng tự hào lắm, nhưng trong đầu vẫn phảng phất câu hỏi liệu trong chiến tranh chúng ta có tổn thất hay không, chúng em không thấy đề cập trong sách giáo khoa, trong khi cả nước có rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ…”. Tôi thấy cách dạy đó không khách quan, vinh quang trong lịch sử của chúng ta phải nhìn nhận đúng với thực tại. Chứ còn nếu cố gắng nói theo cách nào đó thì đôi khi tác dụng lại ngược lại” - GS.TS Vũ Minh Giang thẳng thắn bày tỏ.
Tại sao môn Sử thành “lựa chọn”?
GS.TS Vũ Minh Giang cũng chia sẻ thực tế, giai đoạn trước đây Lịch sử là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, có một khúc quanh trong hệ thống giáo dục đào tạo của chúng ta là 38% học sinh cấp 2 không vào cấp 3. Các em đi học nghề, đi làm công nhân… Một triệu học sinh tốt nghiệp lớp 12 không bao gồm những em học sinh này.
Chúng ta phải tính đến chuyện tất cả các em học hệ thống giáo dục phổ thông phải được trang bị kiến thức Lịch sử trọn vẹn, căn bản, hệ thống. Từ đó mới có 2 giai đoạn theo Nghị quyết của Đảng và chủ trương của Quốc hội: giai đoạn bắt buộc có môn Lịch sử và giai đoạn hướng nghiệp.
Nếu chúng ta dạy theo cách cũ, tức là dạy Sử bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12, giai đoạn lịch sử cận hiện đại rơi vào cấp 3 thì những học sinh học cấp 2 mà không có điều kiện tiếp tục học cấp 3, sẽ mất giai đoạn lịch sử đó. Việc tổ chức lại môn Lịch sử có lường tới thực tế này.
Chúng ta hiểu như thế để thấy rằng không phải dạy Lịch sử một mạch từ lớp 1 đến lớp 12 mới là coi trọng. Mà chúng ta đang thiết kế theo hướng có một giai đoạn trang bị kiến thức cơ bản tối thiểu, giải quyết ở THCS, còn THPT là nâng cao chuyên sâu thì lúc đó từ “lựa chọn” - phải tôn trọng nguyện vọng của người học.
Hơn nữa, theo GS Vũ Minh Giang, chương trình môn Lịch sử cấp THPT (với tổng thời lượng 315 tiết, so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết) hệ thống hóa. Nếu so với chương trình cũ thì chương trình mới số giờ học Lịch sử ở Tiểu học và THCS vẫn giữ nguyên. Ở THPT, số giờ học Lịch sử tăng hơn từ 70 tiết (đối với những học sinh chọn học Lịch sử như một môn học không chuyên), đến 175 tiết (đối với học sinh học chuyên Sử). Đây là sự coi trọng theo định hướng chuyên sâu, giúp học sinh học ngành khoa học xã hội tốt hơn.
Điều quan trọng là làm sao để Lịch sử biến thành thứ ngấm vào trong mỗi người, rồi truyền ra những hành động, suy nghĩ và từ đó người ta yêu Lịch sử, rồi tiếp tục tìm hiểu nữa. Chứ không phải là thời lượng Lịch sử nhiều hay ít.
Và theo GS Vũ Minh Giang: “Chúng ta rất muốn dạy cho học sinh phổ thông, dù sau này có trở thành ai thì phải có sự hiểu biết về đất nước mình, dân tộc mình, truyền thống của cha ông mình. Tôi nghĩ rằng những gì lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đang làm là tập trung vào điều đó. Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”. Văn hóa là những giá trị được kết tinh trong quá trình lịch sử. Suốt chiều dài lịch sử những gì kết tinh lại chính là văn hóa. Chúng ta quan tâm đến văn hóa, lịch sử như vậy thì không có lý do gì để coi nhẹ môn Lịch sử cả”.
“Trở lại với các luồng dư luận xã hội gần đây thì ý kiến nào cũng rất đáng trân trọng, thể hiện sự quan tâm đến lịch sử. Tôi được biết là tới đây, Bộ GD - ĐT cũng sẽ có lộ trình chứ không thay đổi ngay lập tức. Chẳng hạn như các em lớp 9 hiện nay đã học hết giai đoạn Lịch sử cận hiện đại đâu nên các em vào lớp 10 sẽ tiếp tục học chương trình bắt buộc đó. Còn những năm tiếp theo thì Bộ sẽ có kế hoạch triển khai” - GS Vũ Minh Giang chia sẻ.
Theo GS Phạm Hồng Tung, Tổng Chủ biên chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018:
Chương trình giáo dục phổ thông không bỏ môn Lịch sử mà học sinh bắt buộc học và tạo điều kiện để tìm hiểu kiến thức môn học này ở bậc tiểu học và THCS. Kiến thức lịch sử có trong các bộ môn Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí, liên tục từ lớp 1 đến lớp 5. Ở cấp THCS, Lịch sử là phân môn trong môn học tích hợp Lịch sử và Địa lý xuyên suốt từ lớp 6 đến lớp 9. Trong đó, giúp học sinh có được nền tảng kiến thức về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á, từ khởi nguyên cho tới ngày nay. Có thể nói, khi học xong cấp THCS, học sinh đã hoàn thành toàn bộ nội dung giáo dục cơ bản.
Về giáo dục lòng yêu nước, nội dung tất cả các môn học đều bình đẳng như nhau và môn học nào cũng có vai trò giáo dục lòng yêu nước theo cách riêng của nó, có thể môn học này có lợi thế hơn. Đơn cử, môn Văn học, học sinh được bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn, tiếp cận, hiểu biết sâu sắc về Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình ngô, Tuyên ngôn độc lập, về thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu… Địa lý giúp học sinh hiểu biết về lãnh thổ, biển đảo; kiến thức Sinh học, Hóa học, Vật lý, Tin học… giúp các em có hiểu biết để bảo vệ môi trường, có nghiên cứu ứng dụng hữu ích cho cuộc sống hiện đại.
Chú trọng dạy và học Lịch sử ở bậc giáo dục phổ thông
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 170/TB-VPCP ngày 8/6/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo về môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tại thông báo trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý về môn học Lịch sử; làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam để có phương án phù hợp bảo đảm chú trọng việc dạy và học Lịch sử ở bậc giáo dục phổ thông và thực hiện đúng tinh thần, quy định tại Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Luật Giáo dục và các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.