Khi nào cơ quan Thi hành án dân sự đình chỉ việc THA?

(PLVN) - Trong công tác thi hành án dân sự (THADS), đình chỉ là việc cơ quan THADS ngừng hẳn việc thi hành bản án, quyết định dân sự khi có những căn cứ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn phát sinh một số vướng mắc trong quá trình áp dụng quy định pháp luật về đình chỉ thi hành án (THA).

Khác với hoãn THA và tạm đình chỉ THA, khái niệm “đình chỉ THA” trong THADS được hiểu là việc cơ quan THADS mà cụ thể là Thủ trưởng cơ quan THADS bằng một quyết định cụ thể làm chấm dứt một quan hệ THA cụ thể. Hay nói cách khác là chấm dứt vai trò của chấp hành viên đối với THA đó khi có một trong những căn cứ do pháp luật quy định. Tuy nhiên, cần lưu ý trong một số trường hợp, việc đình chỉ THA chỉ làm chấm dứt một quan hệ pháp luật THA mà không làm thay đổi hay chấm dứt các quyền, nghĩa vụ đã được ấn định trong bản án, quyết định.

Về cơ sở pháp lý, đình chỉ THA được quy định tại Điều 50 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Theo đó, Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định đình chỉ THA trong các trường hợp sau: Người phải THA chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế; Người được THA chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế; Đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được THA có văn bản yêu cầu cơ quan THADS không tiếp tục việc THA, trừ trường hợp việc đình chỉ THA ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba; Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ; Người phải THA là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác; Có quyết định miễn hoặc giảm một phần nghĩa vụ THA; Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải THA; Người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã thành niên.

Như vậy, theo quy định tại Điều 50 Luật THADS thì việc ra quyết định đình chỉ THA khi có một trong các căn cứ đã được quy định là trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan THADS, nhưng có những vụ việc do chấp hành viên khác tổ chức thi hành thì vấn đề đặt ra là chấp hành viên đó phải có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với Thủ trưởng để ban hành quyết định đình chỉ THA đúng với thời hạn đã được quy định là 5 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ đình chỉ THA. Tuy nhiên, để việc tham mưu được hiệu quả và đúng quy định, đòi hỏi chấp hành viên phải làm tốt công tác xác minh một cách đầy đủ, kịp thời để nắm bắt được những thông tin cần thiết còn phải nắm rõ về trình tự, thủ tục xử lý các thông tin đó trước khi đề xuất Thủ trưởng đơn vị ra quyết định đình chỉ THA. 

Trên thực tiễn, cơ quan THADS đang gặp lúng túng trong việc có ra quyết định hay không khi người được thi hành hoặc các đương sự thỏa thuận việc rút đơn yêu cầu THA để tự THA hoặc yêu cầu văn phòng thừa phát lại tổ chức THA THA do pháp luật về THADS hiện hành bỏ chế định trả đơn yêu cầu THA. Cụ thể là trường hợp áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật THADS thì đương nhiên kết thúc việc THA và có khả năng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được THA bởi vì khoản 2 Điều 52 quy định việc THA đương nhiên kết thúc khi có quyết định đình chỉ THA. Còn trường hợp áp dụng quy định tại Điều 37 Luật THADS để thu hồi quyết định THA thì kết quả THA của cơ quan THADS trước đó mặc dù thực hiện đúng trình tự thủ tục THA nhưng không được công nhận. 

Để giải quyết vướng mắc trên, Tổng cục THADS cho rằng, trong khi chờ sửa các quy định pháp luật cho phù hợp thì khi người được THA rút đơn yêu cầu THA thì cơ quan THADS cần làm rõ nội dung yêu cầu của người được THA. Nếu họ yêu cầu đình chỉ THA thì cơ quan THADS mới thực hiện việc đình chỉ việc THA.  

Đọc thêm