Khi nào mới cổ phần hoá xong hai “tổng” HUD và VICEM thuộc Bộ Xây dựng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù Chính phủ đã “chốt” hai doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng là Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cổ phần hoá (CPH) xong trong năm 2020, tuy nhiên đến nay đã hết quá nửa năm 2021 mà việc CPH hai doanh nghiệp lớn này vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Toà nhà dự án nghìn tỷ của HUD ở 37 Lê Văn Lương
Toà nhà dự án nghìn tỷ của HUD ở 37 Lê Văn Lương

Theo ông Tạ Quang Vinh – Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng, trong năm 2020, Bộ này đã thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng 7 công ty mẹ Tổng Công ty, số tiền thu được từ CPH là hơn 6.300 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khi đã hoàn thành CPH đều thực hiện niêm yết theo quy định. Như vậy, đến nay số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là 14/16 Tổng Công ty. Duy chỉ có HUD và VICEM chậm trễ trong việc CPH theo chủ trương của Chính phủ.

Theo tìm hiểu của PLVN, từ đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ chấp nhận phương án điều chỉnh tiến độ CPH đối với HUD và VICIEM. Theo đó, VICEM thuộc danh mục thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Tổng công ty HUD thuộc doanh mục thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ.

HUD là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, có nhiều dự án, đất đai trải khắp nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong phương án CPH trước đây, HUD xin giữ lại một số vị trí “đất vàng”. Điển hình là tại dự án toà nhà Văn phòng HUD Tower (số 37 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) diện tích 6.500m2. Toà nhà gồm hai khối nhà cao 32 tầng và 27 tầng với đầy đủ công năng thương mại, văn phòng, nhiều dịch vụ tiện ích cao cấp. Dự án này có 3 tầng hầm đủ chỗ đỗ xe cho cả toà nhà.

Đây là một trong những dự án đắc địa của HUD, thường được gọi là toà nhà nghìn tỷ. Xét về giá trị thương mại, do ở vị trí trung tâm, hai mặt tiền nên toà HUD Tower được đánh giá có giá trị lợi thế rất cao.

Có lẽ vì lí do đó mà HUD và Bộ Xây dựng muốn giữ toà tháp đôi này nên đã đề xuất xem xét đưa ra khỏi đối tượng nằm trong văn bản quy định về tài sản công của Nghị định 167. Tuy nhiên, liên quan đến đề xuất này, Bộ Tài chính từng có công văn không đồng ý, đồng thời khẳng định nếu HUD và Bộ Xây dựng không đưa dự án 37 Lê Văn Lương vào phương án CPH thì tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Từ đó đến nay đã hơn hai năm, quá trình CPH của HUD vẫn đang “dậm chân tại chỗ”. PLVN đã liên hệ với HUD để tìm câu trả lời về quá trình CPH đang thực hiện đến đâu nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Trong khi đó, với VICEM, lãnh đạo đơn vị này cho biết, đơn vị này chậm CPH là do vướng ở thủ tục xử lý đất đai và một số vấn đề về định giá các quyền khai thác mỏ làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Theo đó, khi VICEM định giá phục vụ CPH năm 2018 - 2019, thì các đơn vị tư vấn định giá quyền này gần 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó Kiểm toán Nhà nước định giá con số nhỏ hơn. Sau đó VICEM đã báo cáo Bộ Xây dựng để Bộ xin ý kiến Chính phủ về vấn đề này.

Ngoài ra, quá trình CPH của VICEM còn vướng việc bàn giao tài sản về cho các địa phương. Theo đó, VICEM có một số tài sản gắn với lợi ích của địa phương nhưng sau đó không còn gắn với hoạt động của doanh nghiệp nhưng khi bàn giao cho địa phương thì vướng một số thủ tục do chưa có hướng dẫn rõ ràng. Ngoài ra VICEM còn một số dự án xây dựng dở dang, điển hình là lô đất 10E6 - Phạm Hùng (Hà Nội) thuộc Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM đang chờ phương án xử lý.

Đọc thêm