Khi ngành Điện “sợ” mưa nhiều hơn nắng “đổ lửa”

(PLO) - Những năm nắng nóng kinh hoàng, EVN lúc đó chỉ mong có hạt mưa để giảm áp lực lên lưới và nguồn điện. Nhưng nay, nắng ít, mưa nhiều, số ngày mát trong năm tăng lên..., ngành này vẫn thấp thỏm một nỗi lo không hề nhỏ. Đó là gì?
Thời tiết mưa mát, các thiết bị điện ít sử dụng... khiến giá điện bậc cao ít xuất hiện

Tuyên truyền tiết kiệm điện, cán bộ vận hành và điều độ trực 24/24h... là những việc ngành Điện khắp nước phải làm trong những ngày nắng nóng như “đổ lửa”. Thậm chí, vì thời tiết khắc nghiệt, những năm trước, có thời điểm điện phải cắt luân phiên ở một số địa phương để chia sẻ gánh nặng với “nhà đèn”.

Thế nhưng, ít năm trở lại đây, tình hình có vẻ đã thay đổi khi thời tiết nắng ít, mưa nhiều, số ngày mát trong năm vì thế đã tăng lên trông thấy. Chẳng hạn năm nay, nắng không thực sự oi bức, ngoài ít ngày được coi là hơi căng thẳng đầu hè. Tiếp đó, dải nhiệt độ những ngày cuối hạ, đầu thu này khá ổn định khiến phụ tải ít biến động, điện sinh hoạt không tăng dẫn tới ít xuất hiện giá điện bậc cao nên đã tác động trực tiếp tới giá bản lẻ điện của một số đơn vị thuộc EVN.

“Mùa đông giờ ít lạnh, còn hè thì mưa mát nhiều nên nhu cầu điện sinh hoạt để làm mát và sưởi không cao. Điều đó có nghĩa số lượng hóa đơn tiền điện có tính theo đơn giá lũy tiến sẽ không cao - đã và đang ảnh hưởng đến giá bản lẻ điện bình quân của một số đơn vị”, ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) nói với PLVN.

Ngoài sự tác động trực tiếp của thời tiết tới “nồi cơm” của ngành Điện, tỷ lệ điện công nghiệp xây dựng tăng cao, nhưng giá bán điện cho khu vực này chưa được điều chỉnh phù hợp còn làm xuất hiện nguy cơ “xuất khẩu” điện tại chỗ (ở các nhà máy 100% vốn nước ngoài) và ảnh hưởng trực tiếp đến số thu của một số đơn vị thuộc ngành Điện.

Điện cho công nghiệp xây dựng chiếm tỷ lệ cao, nhưng giá không hợp lý dễ sinh tình trạng "xuất khẩu" điện tại chỗ

Vẫn thực tế ở EVNNPC - đơn vị làm nhiệm vụ phân phối điện cho hai nhà máy điện tử lớn nhất miền Bắc là SamSung Bắc Ninh và SamSung Thái Nguyên cùng nhiều khu cụm, công nghiệp lớn ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... đến thời điểm này có tỷ lệ điện trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp chiếm tới gần 64% - con số khá cao so với bình quân hồi năm ngoái - trên 62%.

“Những con số trên có thể sẽ tác động trực tiếp đến giá bán bình quân của EVNNPC trong năm nay”, Phó “Tổng” Hồ Mạnh Tuấn dự đoán.

Theo tìm hiểu của PLVN, 8 tháng đầu năm 2017, giá bán điện của đơn vị nói trên là 1.569 đồng/kWh, trong khi chỉ tiêu cả năm mà EVN giao cho EVNNPC là 1.574 đồng/kWh - thấp hơn 5 đồng so với kế hoạch, dù sản lượng điện thương phẩm tháng 8/2017 của “Tổng” này đạt 5.411,05 triệu kWh - tăng 13,41% so với cùng kỳ. 

Được biết, tình trạng trên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu kế hoạch của riêng EVNNPC, một số đơn vị khác như EVNHANOI cũng đang gặp phải khó khăn trong sản xuất kinh doanh vì những biến đổi bất thường của thời tiết như đã nêu.  

Dự kiến, trong tháng 10/2017, EVN sẽ có cuộc làm việc với các Tổng công ty phân phối điện trực thuộc để xem xét lại việc giao kế hoạch về giá bán điện/năm nếu không một số đơn vị có nguy cơ không hoàn thành kế hoạch mà Tập đoàn đã giao trong năm nay. 

Điện công nghiệp xây dựng giờ thấp điểm, giá rất thấp

"Điện cho lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ lệ lớn, nếu mà dùng ở khung giờ thấp điểm thì giá còn thấp hơn nhiều. Trong khi trên địa bàn miền Bắc lại tập trung nhiều dự án nhà máy xi măng và sắt thép đăng ký mua điện ở cấp 110 kV có giá thấp, với sản lượng thấp điểm về đêm rất lớn. 

Với mức giá bán điện vào các khu công nghiệp và khu chế xuất thấp như vậy mà không có sự tính toán, điều chỉnh hợp lý, chúng tôi lo ngại sẽ xảy ra tình trạng “xuất khẩu” điện ngay trên đất của mình”, Tổng Giám đốc EVNNPC Thiều Kim Quỳnh

Đọc thêm