Khi nghệ thuật dùng đồng tính để câu khách?

Dù đã có cái nhìn khá cởi mở về chủ đề đồng tính (LGBT), nhưng Việt Nam cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, văn học nghệ thuật vẫn đang rất dè dặt trước “vùng đất mới ” này.

Dù đã có cái nhìn khá cởi mở về chủ đề đồng tính (LGBT), nhưng Việt Nam cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, văn học nghệ thuật vẫn đang rất dè dặt trước “vùng đất mới ” này.

Khi đồng tính bị đồng nghĩa với câu khách

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây sau “Một thế giới không có đàn bà” của nhà văn Bùi Anh Tấn (năm 1999), chủ đề đồng tính này liên tiếp được các nhà văn khai phá với sự ra đời của một loạt các tác phẩm như: “Chuyện tình của Lesbian và Gay” của Nguyễn Thơ Sinh, “Song song” của Vũ Đình Giang, “Bóng” của Nguyễn Văn Dũng...  

Nhọc nhằn, được đón nhận không rầm rộ nhưng dù sao những tác phẩm này cũng đã tạo ra những tiếng vang nhất định trong dòng chảy của văn học nói chung. Ở góc độ điện ảnh, kịch trường, chủ đề đồng tính cũng được các đạo diễn chú ý đến, đưa vào các bộ phim, vở kịch của mình, tuy không nhiều.

Hình minh họa
Hình minh họa

Tại sao những người làm nghệ thuật, các văn sĩ lại không mặn mà với chủ đề đồng tính? Đó là một trong những câu hỏi được nhiều tác giả trong những lĩnh vực nghệ thuật khác nhau đã đặt ra. Trang Hạ - tác giả của hai tác phẩm viết về người đồng tính “Những đốm lửa trên vịnh Tây Tử” và “Thế giới không đàn bà” cho rằng: "Khi viết về LGBT, bản thân tác giả chúng tôi cũng bị dư luận kỳ thị, hay có người chỉ coi đó là chiêu trò để câu khách".

 Nhận định này không hẳn phi cơ sở khi tiểu thuyết "Một thế giới không có đàn bà" nhà văn Bùi Anh Tấn đã từng bị 3 nhà xuất bản cự tuyệt, bị sửa đoạn kết trước khi in; “Không và sắc” trước khi đến được với bạn đọc cũng bị "lưu đầy" ở 5 nhà xuất bản…

Một trở ngại nữa khiến cho văn học nghệ thuật về đề tài LGBT đi được vào lòng người, thậm chí còn gây tác dụng ngược làm tăng sự kỳ thị của xã hội, đó là do chủ đề đồng tính đã bị khai thác một cách nhảm nhí, dễ dãi nhằm mục đích câu khách, gây cười. Trong khi đó, cuộc đời của những người đồng tính luôn đầy nước mắt và tủi hổ.

Nhà văn Bùi Anh Tấn trong một lần trả lời trả lời báo giới cách đây không lâu đã nói rằng muốn tác phẩm về LGBT “sống” được thì “không đơn giản lấy chuyện đồng tính ra để câu khách, mà cần phải là tác phẩm có giá trị văn chương nhất định. Hiện có một số tác phẩm viết về đồng tính nhưng từ câu chữ đến nội dung quá dễ dãi. Điều này không chỉ trong văn chương mà trên các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh là rõ nét nhất.”

Lời nhận định của nhà văn không sai khi gần đây hàng loạt các phim Việt Nam có nhắc đến đồng tính như “Cảm hứng hoàn hảo”, "Nàng men chàng bóng"… đã bị xếp vào hàng thảm họa. Đến nỗi, một vị đạo diễn đã từng lên tiếng rằng “có cảm giác chính những người làm ra những bộ phim, nhân vật này không có kiến thức và có cái nhìn lệch lạc về đồng tính, nên nhân vật của họ khi xem cứ thấy… nổi da gà”.

Cái sự nổi da gà mà vị đạo diễn nhắc tới ở đây chính là suy nghĩ ngớ ngẩn của người làm phim, khi họ đòi chữa bệnh cho người đồng tính. Trong khi ở thời đại bùng nổ thông tin, kiến thức, nhiều người đã hiểu đồng tính không phải là bệnh, đồng tính là thiên hướng tình dục tự nhiên trong mỗi con người ngay từ khi được sinh ra. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã loại đồng tính ra khỏi danh sách căn bệnh từ năm 1990.

Hiểu, chia sẻ rồi hẵng làm   

Sẽ là thảm họa khi tác giả văn học nghệ thuật viết, làm về những chủ đề mà bản thân còn hiểu một cách lờ mờ, phiến diện. Đây là nguyên tắc chung cho tất cả chứ không riêng gì chủ đề đồng tính. Tuy nhiên, hiện nay khi nói đến cộng đồng LGBT, hình dung trước nhất sẽ là những con người trai chẳng ra trai gái chẳng ra gái, ẻo lả, thậm lừa đảo, trộm cướp, nhẹ nhàng hơn thì cũng suốt ngày ẩn nấp trong bóng tối, khóc than kể lể… Và văn học, nghệ thuật cũng không tránh khỏi lối mòn tư duy này.

Đạo diễn sân khấu Bùi Như Lai chia sẻ, trước năm 2006, anh rất kỳ thị những người đồng tính. Chỉ khi được tiếp xúc và làm việc với các tổ chức quốc tế về quyền của người đồng tính, anh mới thay đổi nhận thức. Cũng từ đó, anh dành nhiều thời gian, tâm huyết để sáng tác các tác phẩm về LGBT và được cộng đồng nhiệt tình đón nhận

Theo TS Chu Văn Sơn – ĐH Sư phạm HN sở dĩ hiện nay vẫn tồn tại khoảng trống lớn trong văn học nghệ thuật về đề tài LGBT bởi người làm nghề thiếu tính chủ động, ý thức tìm tòi, thể hiện. “Muốn viết hay về đồng tính cần đi từ tự phát (dựa trên trải nghiệm riêng) đến tự giác (dựa trên tri thức về giới)”, theo ông Sơn.

Đối với nhà văn Bùi Anh Tấn, viết không đơn giản chỉ là thỏa mãn cái tôi. Đã đến lúc không phải cứ viết về người đồng tính là để họ khóc than kể lể, ẩn nấp trong bóng tối, mà thay vào đó họ phải là những công dân trong xã hội với đầy đủ quyền sống, quyền làm người.

Hồng Minh

Đọc thêm