Khi người thân là nơi “trút giận”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Niềm nở với người ngoài, hành xử văn minh trong xã hội, nhưng một số người lại đang coi người thân của mình là nơi “trút giận”.
 Nhiều người đang xem người thân là nơi “trút giận”. (Ảnh minh họa )
Nhiều người đang xem người thân là nơi “trút giận”. (Ảnh minh họa )

“Sống thật” tại gia đình?

Mới đây, dư luận xôn xao trước bài viết của một cô gái là con một nhà phê bình nghệ thuật khá có tiếng. Trong bài viết, cô gái tên U.L. kể những kí ức của mình về người cha, một người đàn ông có danh vọng trong xã hội. Nhưng trong gia đình, người cha ấy lại đánh đập vợ không biết xót thương.

Từ nhỏ, cô gái đã chứng kiến người cha bạo hành mẹ, thờ ơ trong việc chăm sóc gia đình, chỉ việc đi làm về và hưởng thụ sự chăm sóc của vợ con, kể cả lúc vợ bụng mang dạ chửa cũng không đỡ đần việc chăm sóc con cái. Người cha thậm chí chưa từng đón con, không biết con mình học lớp mấy và còn qua lại sống chung với người phụ nữ khác khi chưa ly hôn.

Cũng trong bài viết, cô gái trẻ kể rằng, theo lời kể của bạn bè cha, cha cô gái trong mắt họ là một người rất “dễ nói chuyện”, một người lịch sự, mềm mỏng, chưa to tiếng với ai. Trên mạng xã hội, người cha cũng có tiếng là một chuyên gia uyên bác, một người có lối sống sâu sắc, tinh tế, lịch lãm, chuẩn mực. Và cô con gái nghĩ rằng, có lẽ bao nhiêu điều hay ho, tốt đẹp trong cư xử ông đã dành hết cho người ngoài. Còn vợ và con là nơi ông trút bao bực dọc, ấm ức, ẩn ức và phần xấu xí nhất trong con người mình.

Thực tế, trong cuộc sống có không ít trường hợp như thế: Ngoài xã hội là người trí thức, mẫu mực, được ngưỡng mộ, nhưng đối với người nhà lại vô trách nhiệm, ích kỉ, tệ bạc. Không chỉ đàn ông, cũng không thiếu những người phụ nữ rất “siêng” ăn diện, luôn đăng những bức ảnh gia đình hạnh phúc, cuộc sống đủ đầy, nhưng thực tế chỉ thỏa mãn những thú vui của bản thân, không màng nuôi dạy con, chăm sóc, vun vén gia đình.

Từng có một nữ “chuyên gia tâm lý” nổi tiếng trên mạng bị “bóc phốt” rằng trong khi nói nhiều lời hay ý đẹp trên mạng xã hội, tháo gỡ những vướng mắc tâm lý, an ủi người khác, thì chính chồng con lại bất mãn với chị vì không trân trọng hạnh phúc gia đình, luôn chạy theo những lời tán tụng và danh vọng hão huyền.

Gây tổn thương cho người nhà

Khó kể hết những tổn thương mà người thân phải chịu khi những người “đáng ngưỡng mộ” ngoài xã hội ấy lại đối xử tệ với gia đình. Như cô gái U.L., con của nhà phê bình nghệ thuật nói trên, trong bài viết của mình cô đã chia sẻ đến nay vẫn phải chữa trị tâm lý. Như cách cô nói “cuộc đời của tôi đã bị huỷ hoại”. Huỷ hoại bởi phải chứng kiến sự bạo hành về thể xác của cha đối với mẹ; bị chính cha mình thờ ơ, ghẻ lạnh, bạo hành tinh thần. Và còn bởi thường xuyên phải chứng kiến người cha sống một cuộc đời “hai mặt”, vui vẻ, hiền hoà với người ngoài nhưng tàn nhẫn với vợ con.

Chị L.M.H., một nạn nhân của bạo lực gia đình cũng kể rằng, đã có thời chị tự trách mình rất nhiều. Chị nghĩ bản thân mình phải tệ lắm, đáng trách lắm, đến nỗi chồng mình ra ngoài xã hội hào hoa, lịch lãm như thế, được đồng nghiệp, học trò hết sức yêu mến, mà cứ trở về nhà là bộc phát cơn cuồng nộ, hành hạ vợ. Có lúc chị đã nghĩ đến chuyện tự sát để “giải thoát” cho chồng. Sau này, khi tìm đến sự tham vấn của bác sĩ tâm lý, chị mới hiểu ra rằng chị là nạn nhân chứ không phải thủ phạm, chị đáng thương chứ không hề đáng trách và hành vi bạo hành, đối xử tệ bạc của chồng đối với chị xuất phát từ tâm lý lệch lạc của người chồng chứ không phải vì chị “đáng ghét”. Từ đó chị mới mạnh dạn đấu tranh, rời xa người chồng xấu tính, làm lại cuộc đời.

Một nội dung quan trọng trong Bộ tiêu chí ứng xử gia đình do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành là văn hóa ứng xử trong tình yêu hôn nhân, trong đời sống vợ chồng. Theo Bộ tiêu chí, tình nghĩa vợ chồng có sức mạnh bền bỉ, dẻo dai bởi sự thông hiểu sâu sắc nhau, sự nhường nhịn, săn sóc nhau, sự đáp ứng nhu cầu của nhau và sự bù đắp những thiếu thốn, hẫng hụt cho nhau lên tới mức hoàn hảo gắn bó khăng khít. Tới mức độ đến một lúc nào đó không gì và không ai có thể thay thế.

Cạnh đó, trong mối quan hệ cha mẹ và con cái, Bộ tiêu chí chỉ ra rằng, nghĩa vụ và quyền lợi của cha mẹ với con cái xuất phát từ lợi ích tinh thần, tình cảm thiêng liêng và gần gũi giữa cha mẹ và con trên nền tảng đạo lý được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Theo quy định của pháp luật nước ta, Luật Hôn nhân và Gia đình, Điều 36 quy định: “Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo cho việc học tập và giáo dục để giúp con phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội”.

Có thể thấy, với mỗi một người, mối quan hệ thiêng liêng, ràng buộc nhất đó là quan hệ “người nhà”, là nghĩa vợ chồng, tình cảm cha mẹ và con cái. Người cần được yêu thương, trân trọng, đối xử tử tế đầu tiên luôn luôn phải là người nhà.

Đem tình thương đi ban phát, nhưng lại bỏ rơi, tệ bạc với người thân, cũng có nghĩa là đã xem thường mái ấm, xô đổ tình thân, gây tổn thương cho những người yêu thương mình.

Đọc thêm