Giữa cái nắng nóng tháng Tư, tiết trời như oi bức, cỏ cây khô héo úa tàn, thiếu đi sức sống. Bất chợt! Một cơn mưa rưới khắp cả vùng trời, làm cho cây cối mát mẻ xinh tươi, tinh thần con người cũng hân hoan phấn khởi. Vậy là! Một mùa Phật đản nữa lại trở về trong niềm hoan hỷ vô biên của những người con Phật, chúng ta cùng ôn lại kỷ niệm ngày đản sanh của đức Từ phụ Thích Ca.
Hơn 26 thế kỷ trôi qua, trải bao cuộc thịnh suy biến đổi, nhưng đối với những người con Phật, ngày trăng tròn tháng tư, có một ý nghĩa hết sức thiêng liêng và trọng đại, đánh dấu một bước ngoặc vĩ đại, một sự kiện hy hữu trong lịch sử loài người, ngày Thái tử Tất Đạt Đa hiện thân ở cõi đời này.
Sự thị hiện của Ngài như mặt trời phá tan màn đêm tăm tối, xua đi bao nỗi khổ đau của con người, xóa đi những áp bức bất công trong xã hội Ấn Độ. Ngài thị hiện vào đời bằng nguyện lực của một vị Bồ tát để “cứu khổ ban vui”. Điều đặc biệt, Ngài cũng là một con người bình thường như bao con người khác, nhưng với sự nỗ lực tu tập mà Ngài đã trở thành một con người giác ngộ giữa thế gian, như lời nhận định của đại thi hào Tagore: “Lịch sử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là lịch sử của một con người, nhờ công phu tu tập đã trở thành một con người hoàn thiện, một bậc thánh giữa thế gian - Con người vĩ đại nhất sinh ra ở cõi đời này”. Nhân cách cao thượng của Đức Phật được thể hiện qua tinh thần Từ bi bình đẳng, tình yêu thương tất cả chúng sanh, Ngài cho rằng “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và giọt nước mắt cùng mặn, mỗi người đều bình đẳng với nhau trong tự tánh”. Đó chính là bức Thông điệp mà Ngài muốn gởi đến vạn loại chúng sinh trong thế giới hữu tình.
Bảy bước sen khi đức Phật đản sinh có ý nghĩa gì?
Trong quá trình tu tập và chứng đắc, Đức Phật đã đưa ra những hình ảnh thí dụ như “nước trăm sông”, tất cả đều đổ về biển cả và mang một vị mặn, giáo pháp của Ngài cũng vậy, dù bất kỳ người đó là ai? Thành phần giai cấp nào? Nếu xuất gia tu hành chân chính thì cũng đều thấm nhuần một hương vị, đó là vị giải thoát, theo cái nhìn bình đẳng của Đức Phật là như thế. Bởi vì, khi đánh giá phẩm hạnh một con người, cần phải nhìn nhận về trí tuệ và đạo đức của người đó, chớ không thể dựa vào thành phần giai cấp hay chủng tộc nào?
Với sự nổ lực tu chứng của tự thân và giáo hóa chúng sinh bằng tinh thần Từ bi - Bình đẳng, Đức Phật đã xóa bỏ chế độ giai cấp của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Sở dĩ Ngài phủ nhận hoàn toàn tính giai cấp là vì lấy nhân cách con người làm trung tâm để xây dựng nên quan điểm bình đẳng giữa chúng sinh và Phật, như trong kinh Hoa nghiêm nói: “Tâm, Phật, chúng sanh, ba thứ không sai khác gì nhau”. Đức Phật đưa ra quan điểm này để thức tỉnh tinh thần tự giác ở mỗi con người, vì ai cũng có khả năng giác ngộ và thành Phật như Ngài, tinh thần này được vận dụng trong đời sống hòa hợp của Tăng đoàn thời Đức Phật. Lời dạy đó, dù trải qua mấy nghìn năm lịch sử nhưng vẫn còn giá trị mãi với thời gian.
Hôm nay những người con Phật, trân trọng nhớ về ngày Phật đản để soi rọi lại lòng mình hầu chuyển hóa thân tâm, nỗ lực tinh tấn tu tập, đem lại lợi ích cho tự thân và tha nhân. Chúng ta hãy đồng chắp tay hướng về ngày Đại lễ Phật đản, nguyện cầu cho quê hương Việt Nam và khắp năm châu bốn biển vượt qua thiên tai, đại dịch, người dân sống hạnh phúc, an lành trong ánh đạo nhiệm mầu của đức Từ phụ Thế Tôn.