Em và Trịnh - Chuyện những nàng thơ bắt đầu đêm nhạc đầu tiên tại Sài Gòn, mở màn cho chuỗi chương trình xuyên Việt diễn ra sau đó tại Đà Lạt, Huế, Hà Nội và dừng chân ở Cần Thơ. Khi đêm nhạc cuối cùng kết thúc, thời điểm mà khán giả Việt được thưởng thức bộ phim Em và Trịnh cũng đến rất gần. Theo chia sẻ từ ê-kíp, Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh sẽ ra rạp vào tháng 4/2022.
Đây là lần hiếm hoi, một bộ phim điện ảnh Việt tổ chức giới thiệu tác phẩm thông qua những đêm nhạc Trịnh với quy mô nhỏ gọn, ấm cúng. Có lẽ, khi chọn đưa một phần cuộc đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên phim, gia tài âm nhạc mà ông để lại là vốn quý mà hầu hết các ê-kíp đều muốn khai thác, sử dụng với nhiều hình thức khác nhau.
Với cách làm của ê-kíp phim Em và Trịnh, khoan bàn tới nội dung bởi sau khi hé lộ teaser trailer, hình ảnh và thực hiện series podcast, thì phải đến tháng 4 năm sau, những câu hỏi và kỳ vọng về chất lượng mới được hồi đáp chính thức. Còn lại, trong khuôn khổ đêm nhạc Trịnh đầu tiên do đoàn phim và đơn vị phát hành tổ chức, người viết muốn nói nhiều hơn đến câu chuyện âm nhạc bởi những giọng ca xuất hiện và thổn thức với nhạc Trịnh đều rất trẻ, một trong số đó là Avin Lu - nam ca sĩ, diễn viên đảm nhận vai Trịnh Công Sơn thời niên thiếu.
Ở họ, khán giả dễ thấy hơi thở thời đại, cảm nhận một nhạc Trịnh trẻ trung hơn bởi khi đưa cách xử lý ca khúc, cách luyến láy, nhả âm của những giọng ca chuyên hát dòng nhạc ngoại, nhạc tân thời như R&B, pop ballad... ứng dụng vào Trịnh tạo ra màu sắc khá lạ. Sự rung ngân trong cách hát của Thịnh Suy, Cece Trương hay Avin Lu vẫn có màu của thổn thức, có cảm xúc và rõ nhất là sự hồn nhiên của độ tuổi.
Bấy lâu, trải nghiệm cuộc đời của một ca sĩ thường thể hiện rõ qua giọng hát và cách hát của họ, ở trường hợp của đêm nhạc Em và Trịnh - Chuyện những nàng thơ, điều này không bàn cãi. Khi Cece Trương hát nhạc Trịnh, từ dưới sân khấu, ca sĩ Cẩm Vân bước lên để hòa giọng cùng con gái, tạo ra màn song ca khá bất ngờ. Ca sĩ Cẩm Vân “dìu” con trong ca khúc và chính thời khắc đó, khán giả thấy được những khoảng cách rõ rệt giữa hai thế hệ, giữa hai đẳng cấp trong âm nhạc. Một Cẩm Vân sâu lắng, khắc khoải với nhạc Trịnh và một bên là con gái cô với sự tươi trẻ, vô tư.
Khi hát Trịnh, những giọng ca trẻ phần nào có chút áp lực khiến đêm nhạc chưa trọn vẹn nhưng từ phía dưới sân khấu nhỏ, những người nghe trẻ lại vỗ tay ủng hộ, động viên. Và dù, người hát chưa chạm tới cảm xúc khán giả trọn vẹn nhưng người nghe không định kiến rằng nhạc Trịnh chỉ dành cho người từng trải và các giọng ca gạo cội.
“Âm nhạc chỉ là âm nhạc thôi, mọi người hãy vui theo nó và đồng cảm với nó. Các bạn trẻ đừng nghe người lớn nói mà hãy cứ hát như những gì mình cảm nhận. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi sáng tác cũng ở độ tuổi các bạn trẻ chứ không phải là nhạc dành cho người lớn tuổi”, lời chia sẻ từ nhạc sĩ Đức Trí - giám đốc âm nhạc của đêm nhạc, như lời động viên các giọng ca trẻ hãy biết vượt qua áp lực vô hình để thể hiện nhạc Trịnh.