Khi người trẻ tìm về... thời bao cấp

(PLO) - Các cuộc triển lãm sách, quán ăn hay quán cafe hoài niệm thời bao cấp khiến giới trẻ “thời đại @” thích thú và có cảm xúc đặc biệt. Qua đó, các bạn trẻ thêm hiểu và yêu thương ông bà, bố mẹ hơn, cũng như yêu thương một giai đoạn khó khăn nhưng đầy kỷ niệm của Hà Nội.
 Giới trẻ thời @ trải nghiệm xếp hàng tại một cửa hàng mậu dịch thời bao cấp.
Giới trẻ thời @ trải nghiệm xếp hàng tại một cửa hàng mậu dịch thời bao cấp.

Khám phá thời tem phiếu

Vừa qua, tại  Hà Nội, triển lãm cưới với chủ đề “Tình son” đã đưa các bạn trẻ trở về thời bao cấp để trải nghiệm đám cưới thời ông bà, bố mẹ của mình. Các bạn được sống lại không khí tiệc cưới những năm 80. Đám cưới thời ấy được tổ chức đơn sơ và dung dị, không có “mâm cao cỗ đầy” mà thường mang tính chất nghi thức nhiều hơn là nghi lễ nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc vẫn hiện rõ trên khuôn mặt của tất cả mọi người. 

Không có những sảnh tiệc rực rỡ hoành tráng, trang trí đám cưới chỉ cần bức vách dán giấy thủ công có tên cô dâu, chú rể, lọ hoa lay-ơn thắm sắc bên chiếc phích nước Rạng Đông, chiếc cassette cổ điển vẫn giúp ngày vui đượm nét thanh nhã hữu tình… Không chỉ có nhạc Morden Talking, “đặc sản” cưới của những năm 70, 80 của thế kỷ trước còn có váy cưới tay bồng, quà cưới là phích nước, chậu nhôm được bọc trong giấy đỏ.

Nhà trai đón dâu bằng xe đạp, nhà nào khá giả thì đón dâu bằng xe máy Cup 50. “Tình son” diễn ra trong hai ngày thu hút nhiều bạn trẻ tới khám phá. Các bạn trẻ thích thú, thậm chí cho biết sau này khi tổ chức đám cưới cũng sẽ tái hiện một đám cưới thời bao cấp như thế.

Những năm gần đây, có không ít triển lãm, cuốn sách quay ngược thời gian, trở về thời bao cấp. Bao cấp với người dân Việt Nam được hiểu đơn giản là tất cả đều do Nhà nước đứng ra “bao” hết, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm, cho đến lương thực hàng ngày… Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi bao cấp là cái thời “đặt gạch xếp hàng”. Bởi sở dĩ muốn mua được lương thực, thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, ông bà, bố mẹ thời đó phải đi xếp hàng từ 3 - 4 giờ sáng để giữ chỗ, phòng khi cửa hàng bán nửa chừng hết hàng hóa phải tay không quay về.

Và thời ấy, người ta dùng những viên gạch, chiếc dép, mảnh gỗ, thậm chí là những viên đá khắc tên hẳn hoi để “xí chỗ” từ tờ mờ sáng và người thật chỉ việc đứng vào khi cửa hàng mậu dịch bắt đầu mở cửa. Trong những khó khăn, thiếu thốn, nhọc nhằn của một thời khốn khó từ cuốn sổ gạo, cục gạch xếp hàng... khuôn mặt người dân vẫn ánh lên sự vui tươi và hy vọng. 

Đầu năm 2018, cuốn sách tranh “Thương nhớ thời bao cấp” do họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa thực hiện (Nhã Nam ấn hành) vừa ra mắt độc giả đã lập tức “cháy hàng”. “Thương nhớ thời bao cấp” tập hợp những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, những câu ca vần vè, những biển hiệu bán hàng, những khúc đồng dao... từng quen thuộc trong thời bao cấp được thể hiện qua những bức vẽ của 2 họa sĩ - một người sinh ra trong thời bao cấp, một người lớn lên trong thời đổi mới.

Một giai đoạn lịch sử với mọi ngóc ngách cuộc sống được hiện lên sinh động qua cuốn sách. Ở đó, người đọc thấy được những nhọc nhằn, gian khó: “Ban ngày cả nước lo việc nhà, ban đêm cả nhà lo việc nước”, “Bố lái xe lu, mẹ duy tu, để thằng cu đứng đường”, “Một yêu anh có may ô, hai yêu anh có cá khô ăn dần”, “Ai lên vũ trụ thì lên, còn tôi ở lại ghi tên mua mì”; những dí dỏm, hài hước trong suy nghĩ: “Cá không ăn muối cá ươn, chồng cãi lại vợ ra đường bơm xe”, “Đẹp trai thì mặc đẹp trai, cơ quan không tiếp tóc dài, quần loe”...

“Có một thời như thế”- hội chợ triển lãm không gian thời bao cấp độc đáo cũng được tổ chức cuối năm 2016, chẳng khác nào tấm vé tốc hành giúp các bạn trẻ “thời @” có thể trở về với thời bố mẹ khi còn trẻ. Trong khung cảnh không gian văn hóa thời kỳ bao cấp mộc mạc và gần gũi, giới trẻ được tự đi chợ, đổi tem phiếu, trải nghiệm văn hóa xếp hàng trật tự, ngay ngắn. Có thể nói, những tác phẩm, sự kiện nói về thời bao cấp đều thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng nhiều lứa tuổi nhất là giới trẻ “thời @”.

Thưởng thức cơm độn sắn

Nắm bắt được nhu cầu giới trẻ, tại Hà Nội, một số nhà hàng, quán cafe thiết kế nội thất theo hoài niệm như cửa hàng mậu dịch và ẩm thực giống như thời bao cấp. Thực khách như được vào một thế giới khác lạ, với những bờ tường gạch xù xì được quét sơn trắng, chiếc điện thoại quay số, đồng hồ cổ, đài cát-sét cũ, những chiếc nón lá, mũ cối, chiếc mâm, một chiếc bi-đông, một đôi dép cao su, chiếc xe đạp cà tàng, chiếc ti-vi đời cũ, bát đũa, thực đơn, bảng hiệu thời bao cấp xếp hàng lấy nước, chiếc chạn lâu đời với những bát, đĩa tráng men... đều mang đậm dấu ấn các vật dụng của một thời bao cấp.

Tại đây còn treo nhiều bức ảnh về Hà Nội, những ký ức xưa. Để gọi món, nếu vào giờ quán đông khách phải xếp hàng chờ đến lượt, sau đó nhân viên sẽ ghi đồ ăn lên một tờ tem phiếu. Thực đơn được thiết kế giống sổ mua lương thực thời bao cấp, bìa ghi “Sổ đăng ký mua lương thực”. Ngay những món ăn cũng có thể khiến thực khách ở thế hệ trước xúc động khi đọc tên như: cơm độn khoai, bánh đúc, phở không người lái, phở trộn cơm nguội, dưa xào tóp mỡ...

Còn có quán cafe lại thiết kế theo mô típ trang trí chủ đạo với gam màu xanh bộ đội, vỏ chăn con công buộc vào ghế 2 đai cũ làm đệm, cửa sổ có chấn song gỗ mộc. Những chiếc bóng đèn sợi đốt trần treo lửng lơ như nỗi u hoài ám ảnh dội về từ tuổi thơ cơ cực, nhưng không thiếu đi vẻ đẹp.

Hoài Nga (20 tuổi) xúc động: “Tôi từng được nghe ông bà, bố mẹ kể về một thời ăn cơm độn khoai sắn, bữa cơm không có thịt, nếu có chút tóp mỡ, một miếng giò là thấy hạnh phúc; cả năm mặc đi mặc lại 1-2 bộ quần áo, phải thức đêm để gánh nước về nhà hay dậy từ tờ mờ sáng để xếp hàng mua gạo. Những câu chuyện đó, trước đây tôi nghe cảm thấy mơ hồ. Nhưng khi được tận mắt chứng kiến những  vật dụng, đọc sách viết về thời bao cấp và được trải nghiệm thưởng thức... cơm độn sắn với nước mắm, tôi mới thấy xúc động và thương ông bà, bố mẹ vất vả nuôi nấng mình”.

Hoài niệm về thời bao cấp, các bạn trẻ thời hiện đại thêm hiểu và yêu thương ông bà, bố mẹ hơn. Các bạn trẻ thêm yêu cuộc sống hiện tại và trân trọng với quá khứ- một giai đoạn lịch sử có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa, xã hội của Việt Nam, một giai đoạn khó khăn nhưng đầy kỷ niệm của Hà Nội.