Khi nỗi ám ảnh của chiến tranh đi vào nghệ thuật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 30/10 tại trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD đã diễn ra buổi trò chuyện “Mình nói gì khi nói về chiến tranh” giữa nghệ sĩ với những người yêu nghệ thuật về chủ đề chiến tranh.
Tháng thực hành Nghệ thuật 2022 - phiên bản MAP mùa thứ tám tiếp nối với chủ đề chiến tranh. Ảnh: internet
Tháng thực hành Nghệ thuật 2022 - phiên bản MAP mùa thứ tám tiếp nối với chủ đề chiến tranh. Ảnh: internet

Sự kiện này nằm trong dự án Tháng Thực hành Nghệ thuật (MAP 2022) với sự tham gia của Nghệ sĩ Oscar Lebeck (Đức), Mifa (Việt Nam) dưới sự điều phối của giám tuyển Gahee Park (Hàn Quốc). Các dự án của MAP luôn diễn ra hàng năm và đều có liên quan những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống. Chủ đề chiến tranh không phải ngoại lệ, vì thế giới đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh về kinh tế và chính trị. Các nghệ sĩ đến với chương trình đều trải qua bối cảnh và vùng miền khác nhau, họ đã biểu lộ những suy nghĩ về cuộc chiến trong quá khứ, hiện thực chưa được đặt tên và tương lai vô định.

Sự tác động của cảm xúc chiến tranh lên con người

Mifa tên thật là Lê Vũ Anh Nhi, sinh năm 1990 tại Đà Nẵng, tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc Tp Hồ Chí Minh năm 2013, hiện là một họa sĩ đang sống và làm việc tại Đà Nẵng. Từ 2015 cô tập trung vào việc nghiên cứu và thể nghiệm sơn acrylic với các kỹ thuật màu nước cổ điển, kỹ thuật in tay và các hiệu ứng bề mặt trên chất liệu giấy điệp truyền thống của Việt Nam.

Chân dung nghệ sĩ trẻ Mifa. Ảnh: internet

Chân dung nghệ sĩ trẻ Mifa. Ảnh: internet

Chia sẻ với khán giả của MAP 2022, cô cho rằng tất cả những niềm vui nho nhỏ mỗi ngày, tất cả những điều quan trọng sẽ trở thành vô nghĩa khi chiến tranh ập tới. Điều đầu tiên cô nghĩ về chiến tranh chính là nỗi sợ, bởi sợ đánh mất cuộc sống thường ngày, đánh mất người thân và lo lắng cho sự an toàn của họ.

Tuy nhiên, chính nỗi sợ này đã giúp cô cảm thấy trân trọng cuộc sống hiện tại và đánh thức sự dũng cảm tiềm tàng trong bản thân để đứng lên bảo vệ những người thân yêu.

Chiến tranh và những điều cực đoan có thể đẩy con người đến những chỗ là phần sâu nhất của cảm xúc. Do vậy cô rất tò mò về khía cạnh cảm xúc của con người khi họ phải đối mặt với chiến tranh.

Hướng đi ban đầu của nghệ sĩ trẻ là bản đồ cảm xúc, vì cô xác định hướng nghiên cứu và thực hành nghệ thuật sẽ tập trung vào vấn đề cảm xúc con người. Do vậy, nó trở thành hệ quy chiếu đầu tiên để cô nhìn nhận về một vấn đề nào đấy. Bản đồ cảm xúc đã diễn tả trạng thái của con người có thể xảy ra ở trong cuộc chiến.

Về phần nội dung của tác phẩm, cô nhận ra rằng sự tàn phá của chiến tranh không chỉ là một quá trình tàn phá tàn khốc, ở đó có bạo lực và giết chóc mà còn kéo dài lâu sau khi hòa bình được lập lại với sự tác động của cảm xúc chiến tranh lên con người. Trong quá trình nghiên cứu, khái niệm PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn) được nghệ sĩ Mifa đặc biệt chú ý tới bởi người thân yêu của cô đang bị nó giày vò. Việc chịu đựng giày vò của PTSD đi kèm với mất trí nhớ có chọn lọc cùng sự bất ổn mơ hồ khi những ký ức buộc phải quên đi vẫn luôn hiện diện và lẩn khuất đâu đó.

Với sự tự ý thức về sức làm việc của bản thân trong khuôn khổ thời gian 2 tháng của dự án, cô nghĩ rằng khả năng có thể tạo ra điều gì đó thực sự trọn vẹn là không cao. Dù vậy cô vẫn cố để thể hiện những điều khác thực hành nghệ thuật trước đây, đặc biệt ở tác phẩm cuối cùng có thể chưa ở trạng thái hoàn hảo nhất nhưng hy vọng có thể đặt ra những câu hỏi về những vấn đề khiến ta suy nghĩ không chỉ dừng lại ở việc biểu đạt bản thân của nghệ sĩ.

Sự can thiệp của nghệ sĩ đối với các không gian công cộng

Oscar Lebeck một nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ người Đức sinh ra tại Hamburg vào năm 1993, từng theo học tại Học viện Nghệ thuật Thị giác Leipzig cũng như Trường Nghệ thuật Glasgow. Mối quan tâm của ông chính là nhiếp ảnh và video, ông thường dùng 2 mối quan tâm này để nói về những chủ đề khó. Ví dụ, khi nói về một tảng đá vô tri, không có câu chuyện gì nhưng nhờ tác phẩm của mình, ông đã tạo ra tiếng nói riêng cho nó, ẩn chứa những ý nghĩa đặc biệt.

Chân dung nghệ sĩ Oscar Lebeck. Ảnh: internet

Chân dung nghệ sĩ Oscar Lebeck. Ảnh: internet

Nghệ sĩ đã thực hiện dự án điều tra mối quan hệ giữa các dấu vết có thể nhìn thấy và đại diện của các địa điểm tưởng niệm trong khu vực biên giới Đức - Ba Lan. Khi nhận dự án này, việc đầu tiên là chụp các khu vực khác nhau của trại tập trung Gross Rosen lên sau đó phơi sáng để có hình rõ nét và ông thường làm việc bằng các chất liệu trong suốt.

Sau đó, dùng nhiều bức ảnh trong suốt như vậy và chồng chúng lên nhau để tạo ra những tác phẩm hoàn chỉnh. Các khối không gian của mô hình này sẽ được xây dựng lại ở quy mô nhỏ hơn và được đặt lại theo cấu trúc cũ. Thông qua cách tiếp cận nghệ thuật của mình, Lebeck cho thấy những gì đã từng tồn tại và đồng thời nhấn mạnh những gì không còn ở đó nữa.

Ngoài ra, Oscar còn cho biết thêm điều thú vị nhất khi nghiên cứu và thực hiện tác phẩm của mình chính là sự so sánh giữa nhà tù ở Đức và nhà tù Sơn La ở Việt Nam. Hai địa điểm này khá giống nhau, nhưng đó chỉ là những gì ông thấy sau khi các nhà tù này đều đã bị phá hủy. Để tiếp cận chủ đề nặng nề như chiến tranh đối với nghệ sĩ Oscar là điều không dễ dàng. Do vậy, ông đã đọc và tìm hiểu về chiến tranh Đông Dương và Việt Nam.

Mỗi nghệ sĩ đều có cách cảm nhận và thực hành nghệ thuật khác nhau về chủ đề chiến tranh. Song đã tạo nên những kết nối giữa nghệ sĩ, tác phẩm và công chúng.