Trước đó, bà Ngọc bị tạm giữ vào ngày 28/5 theo quy định pháp luật để tiến hành điều tra làm rõ vụ việc diễn ra từ ngày 28/3 trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM). Tại cơ quan công an, bà này khai thuê nhóm giang hồ 1 tỷ đồng chém dằn mặt chồng cũ thông qua sự giới thiệu của một nữ bác sĩ. Ngày 7/6, lãnh đạo VKSND TP HCM đã ký quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam của Cơ quan điều tra Công an thành phố đối với bà Ngọc. Theo quyết định này, bà Ngọc bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” và bị bắt tạm giam vào trưa cùng ngày.
Bên cạnh những diễn biến của vụ án thì thông tin bà Ngọc có 2 quốc tịch Hoa Kỳ và Việt Nam cũng được nhiều người quan tâm bởi về nguyên tắc, công dân Việt Nam chỉ được mang 1 quốc tịch. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành tại Điều 4 về nguyên tắc quốc tịch, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. So với Luật năm 1998, tiêu đề và nội dung của điều luật đã có thay đổi. Điều đó cho thấy một thực tế là Nhà nước đã thừa nhận trong một số trường hợp ngoại lệ công dân Việt Nam có thể có thêm quốc tịch nước ngoài (2 quốc tịch).
Những ngoại lệ đó là: trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch nước ngoài khi xin nhập quốc tịch Việt Nam (khoản 3 Điều 19), xin trở lại quốc tịch Việt Nam (khoản 5 Điều 23); trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi, có quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam (khoản 1 Điều 37), trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam (mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài) (khoản 2 Điều 37); người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch nước ngoài nhưng chưa mất quốc tịch Việt Nam (do pháp luật nước ngoài không bắt buộc người đó phải bỏ quốc tịch Việt Nam); do xung đột pháp luật mà một người có thể vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có quốc tịch nước ngoài (trẻ em có cha mẹ là công dân Việt Nam, sinh ra ở quốc gia xác định quốc tịch theo nguyên tắc “quyền nơi sinh” thì trẻ em đó vừa có quốc tịch Việt Nam theo huyết thống của cha mẹ vừa có quốc tịch của nước nơi được sinh ra).
Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương thẳng thắn nhận định: Quá trình thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, trên thực tế đã có tình trạng công dân Việt Nam định cư ở một số nước mà ở đó khi nhập quốc tịch nước sở tại không bắt buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam, dẫn đến số lượng khá đông người Việt Nam định cư ở nước ngoài có 2 quốc tịch. Theo ông Cương, với đặc thù của Việt Nam có cộng đồng người Việt lớn, sinh sống tại nhiều quốc gia khác nhau, quốc tịch đã nảy sinh nhiều tình huống “thú vị”.
Đáng chú ý là trường hợp một người sử dụng quốc tịch Việt Nam để được ưu đãi nhập cảnh, đầu tư nhưng khi có hành vi vi phạm lại dùng quốc tịch nước ngoài để được hưởng bảo hộ ngoại giao, bảo hộ lãnh sự cho hành vi vi phạm pháp luật của mình. Tình trạng này từng được nhiều chuyên gia cảnh báo ở những quốc gia thừa nhận nguyên tắc 2 quốc tịch vì hệ quả việc thừa nhận thường dẫn đến những tranh chấp rất phức tạp, khó giải quyết, nhiều khi gây ảnh hưởng không tốt trong quan hệ giữa các quốc gia liên quan.
Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh đánh giá: Quy định của Luật năm 2008 đã phần nào đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn giữ quốc tịch Việt Nam khi đã có quốc tịch nước ngoài cũng như một số người nước ngoài được giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam. Có điều, ông Khanh nhấn mạnh, người có 2 quốc tịch sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người có 1 quốc tịch Việt Nam. Nếu họ vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam thì họ cũng bị xử lý như người có 1 quốc tịch. Theo khoản 1 Điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật này được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, người mang 2 quốc tịch, người nước ngoài, người không quốc tịch nếu phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì vẫn bị xử lý theo quy định Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.