Khi phụ huynh thương mại hóa chính con của mình

(PLVN) - Thưa quý vị, trong thời đại bùng nổ mạng xã hội như hiện nay, nhiều phụ huynh có xu hướng đăng tải hình ảnh của con mình lên mạng xã hội để chia sẻ những khoảnh khắc dễ thương và từ đó mang lại năng lượng tích cực cho người xem. Tuy nhiên, biết được khả năng thu hút lượng tương tác lớn của những nội dung này, việc đăng tải hình ảnh con đã bị biến tướng thành thương mại. Họ tạo ra những tài khoản mạng xã hội cho con và đăng tải hàng nghìn bức ảnh, video hằng ngày về các hoạt động thường nhật của trẻ. Họ kiếm tiền từ quảng cáo, nhãn hàng tài trợ và những người hâm mộ qua các nền tảng mxh. Việc này đã đặt ra nhiều lo ngại về xâm phạm công ước về quyền trẻ em, hay vi phạm luật trẻ em.

Khi phụ huynh thương mại hoá chính con của mình

[Quý thính giả đang nghe Radio Pháp luật - Báo Pháp luật Việt Nam.

Thưa quý vị, trong thời đại bùng nổ mạng xã hội như hiện nay, nhiều phụ huynh có xu hướng đăng tải hình ảnh của con mình lên mạng xã hội để chia sẻ những khoảnh khắc dễ thương và từ đó mang lại năng lượng tích cực cho người xem. Tuy nhiên, biết được khả năng thu hút lượng tương tác lớn của những nội dung này, việc đăng tải hình ảnh con đã bị biến tướng thành thương mại. Họ tạo ra những tài khoản mạng xã hội cho con và đăng tải hàng nghìn bức ảnh, video hằng ngày về các hoạt động thường nhật của trẻ. Họ kiếm tiền từ quảng cáo, nhãn hàng tài trợ và những người hâm mộ qua các nền tảng mxh. Việc này đã đặt ra nhiều lo ngại về xâm phạm công ước về quyền trẻ em, hay vi phạm luật trẻ em. Để hiểu rõ về vấn đề này, chúng ta cùng trò chuyện với Luật sư Đinh Thị Thu Hà – Giám đốc Công ty luật HLT và cộng sự.] Dẫn 1

  • Vâng xin chào Luật sư Thu Hà, xin chị cho biết như sự việc nêu trên thì có vi phạm điều khoản nào của luật không ạ?

    • Cái việc mà người ta quay vlog hàng ngày, mình cần phải biết là quay như vậy là sinh hoạt hàng ngày của các con, mục đích quay lại của họ như vậy là để làm gì. Nếu người ta nói rằng người ta muốn lưu trữ những hình ảnh thơ ấu của các con thì mình làm sao mà can thiệp được, vì đó là quyền riêng tư và quyền nhân thân của từng người mà. Thế nên là mình không thể can thiệp được. Tất nhiên, có thể là khi mà những cái hành vi đó vượt những quy định của thuần phong mỹ tục, hay là quy định pháp luật khác thì lúc đó sẽ có những cơ quan, các cơ quan khác người ta can thiệp vào để giải quyết và đặc biệt là bảo vệ quyền trẻ em. Ví dụ như là sử dụng hình ảnh khiêu dâm, hay sử dụng hình ảnh đánh nhau, chửi nhau mà đưa lên thì tất nhiên sẽ bị ngăn chặn ngay thôi.

  • Vậy mong chị có thể cho biết có những giới hạn hay điều kiện nào trong luật pháp Việt Nam được đặt ra về việc phụ huynh sử dụng hình ảnh con mình với mục đích kinh doanh, thương mại ạ?

    • Đầu tiên mình cần phải xác định được như nào là kinh doanh, thương mại đã, mình phải xác định được mục đích sử dụng hình ảnh của người ta là như thế nào. Bởi vì bản thân là cha, là mẹ, là những người giám hộ đương nhiên của con, thì họ cần phải biết được cái gì tốt nhất cho con nhà mình và cái gì là vi phạm với con nhà mình. Nên là cái việc là người bảo vệ đầu tiên là các bậc làm cha, làm mẹ sau đó mới đến các tổ chức, cơ quan khác, chứ chưa thể nói là bỏ qua vai trò của người cha, người mẹ, người giám hộ để đi thẳng đến những cơ quan khác được, và trong cái quy định của pháp luật thì nó nằm ở trong rất nhiều các bộ luật, đặc biệt là Quyền trẻ em. Quyền trẻ em là được vui chơi, học hành, được sinh hoạt, vậy thôi cái việc mà sử dụng hình ảnh của con của các bậc cha mẹ, các bậc phụ huynh đấy có làm ảnh hưởng, vi phạm quyền của trẻ em hay không, thì phải từng trường hợp cụ thể, để mình đối chiếu lại. Ví dụ như là bây giờ muốn sử dụng hình ảnh của con mình để mà quảng cáo cho thuốc tránh thai chẳng hạn, chị nghĩ đấy là những cái mà pháp luật sẽ ngăn cấm thôi, nên là mình cần xem việc cụ thể.

  • Dạ vâng, vừa rồi chị có nhắc tới là có các cơ quan, tổ chức và bộ luật bảo vệ trẻ em, vậy thì không biết chị có thể nói rõ hơn về những cơ quan và bộ luật này được không ạ?

    • Chị thấy hiện nay đầu tiên là bộ luật Quyền trẻ em, thì mình cần phải bám vào cái đó để mình kiểm tra xem trong cái luật đó trẻ em được bảo vệ như thế nào. Ngoài ra, Bộ lao động thương binh xã hội cùng là một trong những nơi chăm sóc rất kỹ về quyền trẻ em, rồi có những vụ án mà bọn chị tham gia mà liên quan đến trẻ em là Hội thẩm nhân dân chẳng hạn, bắt buộc phải là những thầy cô giáo, là những người đứng lớp để hiểu được tâm sinh lý của trẻ em tham gia vào những vụ án như vậy. Nên chị nghĩ là việc các cơ quan, tổ chức thì nó là sự chung tay của nhiều cơ quan, nhiều tổ chức, đặc biệt là gia đình, xã hội, nên là nhiều lắm.

  • Thưa chị, theo như chị cũng đã nêu trước đó thì việc phụ huynh chụp hình hay quay những video thường nhật với mục đích để lưu trữ kỷ niệm thì dù trong đó có nội dung quảng cáo sản phẩm mà không trái với thuần phong mỹ tục thì cũng là việc không thể can thiệp được. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì lại có các em bé lại bị phụ huynh bắt ép thực hiện những nội dung đó, thì theo chị luật pháp Việt Nam có thể điều chỉnh như nào để bảo vệ các em ạ?

    • Bây giờ để biết là họ có bị bắt ép hay không thì lại là một câu chuyện khác. Ví dụ như là việc để cho các con tự do một cách thoải mái theo mong muốn của các con khi các con chưa có nhận thức đầy đủ có được coi là bắt ép hay không. Giống như việc là bây giờ bắt ép các con là phải đi học là các con phải đi học thì cái phải đi học đấy có phải là bị bắt ép hay không. Bởi vì ở những độ tuổi khác nhau, cái người giám hộ là cái người biết rõ nhất cái tốt và không tốt cho con mình và cái người giám hộ đấy buộc lòng phải chịu trách nhiệm về những cái quyết định của họ. Ví dụ như là người cha, người mẹ ép con là phải đăng hình ảnh khiêu dâm thì người cha, người mẹ ấy cần phải chịu trách nhiệm đầu tiên, thì lúc ấy có nhiều bộ luật được điều chỉnh. Còn Quyền cho trẻ em thì nó đủ để bảo vệ.

[Dạ vâng, cảm ơn chia sẻ của chị Thu Hà. Có thể thấy rằng việc phụ huynh yêu cầu con mình quay chụp những nội dung hằng ngày mà trong đó có lồng ghép các sản phẩm để quảng cáo chưa thể hiện rõ đó là hình thức lao động chưa vị thành niên. Điều này khiến việc bảo vệ các em bằng luật pháp trở nên khó khăn hơn và nó lại quay trở lại với việc quan trọng nhất vẫn là phụ huynh cần tự nhận thức được những tác hại của việc lạm dụng hình ảnh con cái của mình. Bởi bên cạnh những vấn đề về sự an toàn và quyền riêng tư thì việc phải xuất hiện trước máy quay từ khi còn rất nhỏ, thậm chí từ khi còn sơ sinh để quay chụp quảng cáo còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và hình thành cái tôi của trẻ khi lớn lên.] Dẫn 2

  • Quả thật là nếu chỉ sử dụng với mục đích kiếm lợi cho bản thân, mặc dù xuất phát điểm, đây chỉ là suy đoán của mình thôi, là muốn tích lũy thêm cho tương lai của con thôi nhưng mà những điều đó có rất nhiều hệ luỵ. Trước hết là mình có thể bị sa đà theo hướng mà người phụ huynh và con sẽ không còn sự trung thực và trong sáng ban đầu trong việc tiếp tục đưa thêm những hình ảnh khác nữa ra với cộng đồng. Thứ hai là dễ bị ảnh hưởng theo cái xu thế chung mà họ bị đi lệch đi và quan trọng hơn là em bé bị mất đi sự tôn trọng cá nhân và những không gian riêng. Và đối với hầu hết trẻ em đều không đáng bị cư xử theo cách đó. Nếu là các em bé đặc biệt thì lại càng cần phải được tôn trọng và bảo vệ tốt hơn nữa. [Chị Quyên]

[Chị Nguyễn Thị Đỗ Quyên làm việc tại Doanh nghiệp xã hội Phát triển trẻ em hạt mầm Alpha chia sẻ. Và cũng đồng quan điểm với luật sư Đinh Thị Thu Hà, chị Quyên cũng cho rằng phụ huynh cần phải tự hiểu rõ những tác hại của việc này hoặc có cho mình những người đồng hành để cố vấn cho họ về những ảnh hưởng sẽ xảy ra trong mỗi bước đường đi, từ đó giúp ích được cho cả họ và lẫn em bé được tốt hơn.

Như vậy, thưa quý vị và các bạn, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như hiện nay, việc bảo vệ các em khỏi sự lạm dụng của phụ huynh cho mục đích kinh tế trên môi trường mạng là thật sự cần thiết. Việc này cần sự chung tay của cả cộng đồng để giúp các bậc phụ huynh nhận thức được cốt lõi của vấn đề, và từ đó trả lại cho các em tuổi thơ mà mình xứng đáng được có.

Quý thính giả thân mến, tới đây, thời lượng của số phát sóng lần này cũng đã kết thúc. Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe. Xin kính chào và hẹn gặp lại!] Dẫn end

Đọc thêm